Bài cuối: Hoàn thiện chính sách pháp luật, đề cao giáo dục gia đình

Chia sẻ

Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đã yêu cầu: Xây dựng, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình.

Gia đình hội viên phụ nữ thể hiện phần thi năng khiếu trong Liên hoan Gia đình vòng tay yêu thương do Hội LHPN Hà Nội tổ chức Ảnh: Nguyễn ThựcGia đình hội viên phụ nữ thể hiện phần thi năng khiếu trong Liên hoan Gia đình vòng tay yêu thương do Hội LHPN Hà Nội tổ chức Ảnh: Nguyễn Thực

Giáo dục gia đình cần được coi trọng

Để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ đặt ra cho các ngành, các cấp chính là phải tập trung đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, trong đó có vai trò quan trọng của giáo dục gia đình.

Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã nhấn mạnh việc phải tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như: Kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiến bộ của gia đình trong xã hội phát triển. Để đạt được mục tiêu ấy, chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng, và nhân rộng các mô hình gia đình gương mẫu trong đạo đức lối sống và nuôi dạy con cháu điển hình. Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình, cung cấp tới từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân…

PTS.TS Trần Xuân Bình (trường đại học Khoa học, đại học Huế) cho rằng: Trong các chức năng cơ bản của gia đình, giáo dục gia đình đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các giá trị chuẩn mực, đạo đức, lối sống, văn hóa, giáo dục. Giáo dục gia đình đặt “cơ sở nền”, hình thành “nhân cách gốc” đối với trẻ em, củng cố thúc đẩy, giữ gìn, ổn định sự phát triển nhân cách từ vị thành niên, trưởng thành cho đến lúc về già. Những thiết chế bên ngoài gia đình chỉ hỗ trợ cho giáo dục gia đình nhưng không thể thay thế được nó. Giáo dục gia đình gồm có: Giáo dục giá trị, chuẩn mực, đạo đức, truyền thống; Giáo dục tri thức, kinh nghiệm; Giáo dục định hướng nghề nghiệp và định hướng hôn nhân.

“Nếu như trước đây, gia đình Việt Nam coi giáo dục đạo đức truyền thống là căn bản. Giáo dục truyền thống gia đình xưa thường theo hai phương pháp chủ yếu: Người lớn răn dạy, trẻ em phải tuân thủ và người lớn nêu gương. Tuy nhiên, ngày nay trong xu hướng và bối cảnh mới, phương pháp giáo dục gia đình được tiếp cận theo nhiều khuynh hướng, đa dạng như: Nâng cao khả năng tự giáo dục và tự nhận thức của mọi thành viên trong gia đình; Kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội; Xây dựng kỷ cương phép tắc gia đình; Kế thừa, phát huy các giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống của gia đình trong bối cảnh mới…”- PGS.TS Trần Xuân Bình cho biết.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cùng với sự thay đổi mô hình gia đình truyền thống, tính gắn kết gia đình đã giảm sút, mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ hơn. Nạn bạo lực gia đình, tỷ lệ ly thân, ly hôn tăng, trẻ em bị bỏ rơi, bị xao nhãng giáo dục, người cao tuổi cô đơn, tôn ti trật tự trong gia tộc bị thay đổi… Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về sự rối loạn gia đình, thuần phong mỹ tục bị đe dọa, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp. Có ý kiến cho rằng, đạo đức gia đình bị xuống cấp, thậm chí xuống cấp trầm trọng trong bối cảnh kinh tế đổi mới, mở cửa hiện nay. Đây là những thách thức và đặt ra nhiều vấn đề lớn cho giáo dục gia đình.

Đề xuất một số giải pháp để tăng cường giáo dục gia đình, TS Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, thứ nhất chúng ta cần phải nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như toàn xã hội về vai trò của gia đình và giáo dục gia đình. Thứ hai, cần xác định những hệ giá trị chuẩn mực mới cho gia đình Việt, đồng thời xây dựng “bộ lọc” trong tiếp nhận văn hóa và các giá trị gia đình từ ngoài vào. Thứ ba, hỗ trợ xây dựng gia đình với ý nghĩa là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt cuộc đời của mỗi người, ưu tiên nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục gia đình cho các thành viên.

Yếu tố bình đẳng, tiến bộ cần được thấm sâu trong gia đình Việt

Tiến bộ trong gia đình thể hiện chủ yếu qua các mối quan hệ gia đình, giáo dục gia đình và thực hiện bình đẳng giới. Phát huy giáo dục gia đình, đề cao giá trị yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân là cần thiết, tạo nền tảng xây dựng hệ giá trị con người thời đại mới. Từ các nghiên cứu gia đình cho thấy, gia đình Việt đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng, coi bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại. Các gia đình ngày càng thể hiện tốt hơn trách nhiệm, chia sẻ yêu thương, tổ chức cuộc sống, phân công các thành viên chăm lo đời sống gia đình.

Tuy nhiên, bất bình đẳng giới và định kiến giới trong các quan hệ gia đình và xã hội vẫn tồn tại. Việc phân biệt đối xử theo giới tính trong gia đình vẫn diễn ra phổ biến khiến cho tình trạng mất cân bình giới tính, lựa chọn giới tính khi sinh tăng cao, phần lớn người chịu thiệt thòi là phụ nữ và trẻ em gái. Vị thế, quyền năng về kinh tế của phụ nữ trong gia đình vẫn còn thấp hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ gia đình chiếm tỉ lệ thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ làm việc nhà chủ yếu với thời gian trung bình gấp đôi nam giới. Tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn còn tồn tại và gia tăng, gây nhức nhối xã hội.

Do đó, bình đẳng giới (BĐG) giống như một giá trị tiến bộ tác động rất lớn đến gia đình hiện đại. Để xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc thì yếu tố bình đẳng, tiến bộ cần được thấm sâu trong gia đình Việt. Theo TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tham gia thực hiện Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” và đạt được những kết quả nhất định như: Nâng cao năng lực về kiến thức, kỹ năng phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, cung cấp nội dung hoạt động giáo dục đời sống gia đình. Các cấp Hội xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn về giáo dục trước hôn nhân, gần 3.000 nam nữ thanh niên đã được Hội cấp giấy chứng nhận tham gia tập huấn trước hôn nhân, xây dựng mô hình Góc tư vấn và chuyên mục thông tin điện tử về giáo dục đời sống gia đình; Thí điểm và nhân rộng mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Với những nỗ lực đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã kiên trì vận động gia đình và xã hội thực hiện BĐG.

Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về gia đình

Để thực hiện tốt công tác gia đình, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật về lĩnh vực hôn nhân và gia đình tương đối hoàn thiện. Qua các văn bản pháp luật có thể thấy các quyền cơ bản của công dân về hôn nhân và gia đình được pháp luật ghi nhận và có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng và thi hành trong cuộc sống, các quy định chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình vẫn còn tồn tại, hạn chế cần phải hoàn thiện hơn.

Theo TS Phạm Gia Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương: Năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ số 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH - HĐH cho thấy bên cạnh những mặt đạt được thì hiệu lực quản lý nhà nước về gia đình còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực hiện các văn bản phát luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, lúng túng chưa cụ thể, chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Công tác tư vấn, vận động, giải quyết các vấn đề của gia đình theo quy định của pháp luật còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có những tiêu chí cụ thể xác định danh mục và cơ chế quản lý phù hợp với từng loại dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Các chính sách liên quan đến dịch vụ công chưa có sự gắn kết với chính sách tạo sinh kế, giảm nghèo. Công tác thu thập, lưu trữ, xử lý tổng hợp, báo cáo số liệu về gia đình ở cơ sở chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Chưa xây dựng hệ thống thu thập số liệu về bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình nên khó khăn cho công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình đang bất cập trong thực tiễn cũng là hạn chế lớn đối với công tác gia đình hiện nay. Đơn cử như, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung năm 2014, mới thi hành đến nay 7 năm nhưng đã bộc lộ những bất cập khi áp dụng trong thực tiễn như: Vấn đề nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; Chế độ tài sản của vợ chồng khi ly hôn; Vấn đề mang thai hộ, Vấn đề ly thân; Quan hệ hôn nhân và gia đình khi có yếu tố nước ngoài…

Hay như Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Dự thảo luật sửa đổi lên Chính phủ sau gần 14 năm thi hành đang có những bất cập như: Luật chưa nhận diện được đúng, đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ); Chưa quy định rõ nguyên tắc và chưa đa dạng nội dung, đối tượng, loại hình thông tin, tuyên truyền về phòng chống BLGĐ; Bất cập của công tác hòa giải trong phòng chống BLGĐ: Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ chưa phù hợp với thực tiễn…

Vì vậy, tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa để thực hiện được nhiệm vụ đó, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát hệ thống luật pháp về gia đình, sửa đổi những quy định đã lạc hậu, bổ sung những quy định mới để điều chỉnh các vấn đề, các mối quan hệ phát sinh liên quan tới gia đình để đảm bảo có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh, định hướng phát triển gia đình và tăng cường giáo dục gia đình.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế nghiên cứu khoa học và thực tiễn trong hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình. Dựa trên những thay đổi về loại hình gia đình để hoạch định, xây dựng chính sách cho gia đình đảm bảo phù hợp, khả thi. Đồng thời đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chính sách liên quan đến gia đình, rà soát điều chỉnh những chính sách không hiệu quả, thay thế những chính sách không khả thi, xây dựng mới những chính sách đặc thù phù hợp với gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Để thực hiện tốt công tác BĐG trong gia đình, góp phần vun đắp giá trị của gia đình Việt, chúng ta cần quan tâm triển khai một số nội dung như: Lãnh đạo các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc triển khai công tác gia đình và BĐG ở địa phương, coi công tác này là nhiệm vụ cấp thiết trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi về thực hiện BĐG. Vì nguyên nhân chủ yếu của bất BĐG là do định kiến, do đó công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về BĐG và thực hiện BĐG thuộc về tất cả thể chế trong xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Ths Lê Khánh Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

THU HÀ 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.