Biểu tượng của quyền lực “mềm” ở Trung Quốc

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà Bành Lệ Viên, phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở đầu trào lưu mới cho các đệ nhất phu nhân Trung Quốc tiếp theo tham gia tích cực hơn vào công việc chung của đất nước.

Đảm nhiệm nhiều vị trí, từ Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật Quân đội, Đại sứ Thiện chí của WHO, ca sĩ giọng soprano nổi tiếng, Phật tử, Đại sứ chống hút thuốc ở Trung Quốc…, hiếm thấy có đệ nhất phu nhân nào của Trung Quốc có nhiều vai trò hoạt động ở nhiều lĩnh vực như bà.

Không những vậy, phu nhân của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình còn đại diện cho sức mạnh mềm của quốc gia châu Á này.

Sự nổi tiếng của bà Bành Lệ Viên trong vai trò Đệ nhất phu nhân đã giúp xây dựng thành công hình mẫu lý tưởng về người phụ nữ hiện đại trong xã hội Trung Quốc. Đó là người có sự nghiệp riêng của mình, nhưng bổ sung và hỗ trợ cho chồng phát triển.

Bậc thầy nghệ thuật thời trang ngoại giao

Không chỉ hoạt động ngoại giao tích cực, những trang phục mà bà Bành Lệ Viên sử dụng khi đi công du nước ngoài cùng ông Tập Cận Bình cũng được giới chuyên gia đánh giá rất cao. Họ thậm chí còn gọi bà là "bậc thầy trong nghệ thuật thời trang ngoại giao".

Biểu tượng  của quyền lực “mềm” ở Trung Quốc - ảnh 1
Bà Bành Lệ Viên, phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Ấn tượng đầu tiên về phu nhân Bành Lệ Viên là có một phong cách thời trang quý phái. Theo đó, các bộ lễ phục đều sang trọng, đồng thời hàm chứa các yếu tố thời trang truyền thống của Trung Quốc trong đó.

Thông tin từ tờ Telegraph của Anh, tủ quần áo trong những chuyến công tác của bà Bành Lệ Viên mang đậm phong cách cá nhân, đề cao sự hiểu biết, các nguyên tắc lịch sự, và sự cân đối. Điểm đáng chú ý, các bộ trang phục tinh tế mà bà Bành Lệ Viên lựa chọn lại đến từ những nhà thiết kế Trung Quốc ít được nhắc tới.

Nói về phong cách thời trang của Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, ông Leaf Greener - nhà tạo mẫu kiêm chuyên gia tư vấn thời trang ở Thượng Hải nhận định: “Quy tắc ăn mặc của bà Bành Lệ Viên thể hiện rõ nhất sự cân bằng giữa sự nữ tính, và quyết đoán. Bà ấy luôn ăn mặc ‘đúng mực’”.

Nhiều chính trị gia Trung Quốc có xu hướng sử dụng quần áo của các nhà thiết kế thời trang nước ngoài. Tuy nhiên, thông qua trang phục, Phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khẳng định sự ủng hộ đối với các nhà thiết kế nội địa, cũng như tái hiện lịch sử phong phú về thẩm mỹ và kỹ nghệ sản xuất hàng thủ công đáng tự hào của quốc gia.

Trả lời trên kênh truyền hình CNBC, nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc Zhou Jiali chia sẻ: “Phần lớn truyền thông thế giới đều nhìn nhận phu nhân Bành Lệ Viên với ánh mắt tích cực. Điều này đã giúp nâng cao hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế”.

Tạp chí Vanity Fair đã đưa phu nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình vào danh sách những người mặc đẹp nhất trên thế giới. Bà Bành Lệ Viên cũng được tạp chí Porter công nhận là một trong số 100 phụ nữ đáng kinh ngạc vì giúp đưa sản phẩm của các nhà thiết kế Trung Quốc trở nên nổi bật thông qua các trang phục mà bà mặc tại các sự kiện.

Người phụ nữ mang tấm lòng vàng

Bà Bành Lệ Viên cũng là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng với những hoạt động xã hội rất sôi nổi.

Từ năm 2006, bà đã để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động từ thiện. Với lời mời của Bộ Sức khỏe, bà xây dựng chương trình hỗ trợ và chăm sóc trẻ mồ côi vì bệnh AIDS ở Trung Quốc. Năm 2008, bà đệ trình “Đề nghị về củng cố chăm sóc tinh thần và xã hội cho các bé mồ côi vì AIDS” tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bà còn tham gia vào nhiều hoạt động tuyên truyền các vấn đề sức khỏe khác như lao phổi và kiểm soát thuốc lá. Năm 2011, bà được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tin tưởng với vai trò Đại sứ Thiện chí về Lao phổi và HIV/AIDS ở Trung Quốc. Năm 2012, bà xuất hiện cùng Bill Gates trong chiến dịch chống thuốc lá chuẩn bị cho ngày Thế giới Không thuốc lá lần thứ 25 ở Trung Quốc.

Phó Giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, ông Dylan Loh, nhận định: “Những vấn đề mà bà Bành Lệ Viên tham gia như trao quyền cho phụ nữ, phòng chống AIDS, giảm nghèo và bảo vệ môi trường đều không gây tranh cãi”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.