Cánh đồng gai xanh kỳ diệu của người phụ nữ Xa Phó

Chia sẻ

Khi sương sớm còn đọng trên những phiến lá gai xanh, những người phụ nữ Xa Phó đã mang dao, cuốc ra ruộng để chăm cây, phát cỏ. Màu váy áo sặc sỡ nổi bật trên nền xanh của những thửa ruộng gai. Bà Lương Thị Điến vẫn còn chưa dám tin rằng cuộc sống của mình đã thay đổi nhờ cây gai như vậy...

Bà Lương Thị Điến (58 tuổi), Tổ trưởng Tổ trồng cây gai xanh xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn (Sơn La) cho hay thu nhập của từ cây gai cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng cây ngô, lúa, sắn. Thấy nhóm phụ nữ trong xã thành công với mô hình trồng gai xanh, nhiều chị em còn bỏ ruộng đi làm xa lại quay về với mong muốn có thể đổi đời ngay trên mảnh đất quê hương.

Gia đình từng không đủ ăn

Cách đây 20 năm, gia đình bà Điến nghèo lắm, mà cái bản nhỏ của người Xa Phó miền núi Sơn La này, nhà ai cũng nghèo như vậy. Cuộc sống vô cùng khó khăn, hai vợ chồng bà làm ruộng mà không đủ ăn, vẫn thường phải lên rừng đào thêm củ khoai, củ ấu, búp măng về cho con đổi bữa. Bà có 5 đứa con, cả trai cả gái. Nghĩ đến đàn con nheo nhóc, ngày nào cũng ăn cơm độn khoai sắn mà bà thấy đau xót. Cũng vì cảnh nghèo như thế mà nhiều người phụ nữ phải bỏ thôn bản ra thành phố tìm việc. Nhà có ruộng vườn cũng đành bỏ không vì trồng hết cây này đến cây khác cũng không đủ ăn.

Bà Lương Thị Điến bên cánh đồng gai của mìnhBà Lương Thị Điến bên cánh đồng gai của mình

Trước tình hình đó, trong những năm qua, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ, đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm từ nguyên liệu địa phương tạo thu nhập cho bà con. Trong đó dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La” (GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ là một trong những dự án để lại nhiều dấu ấn. GREAT phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Bàn thực hiện dự án “Nâng cao quyền tự chủ kinh tế và vị thế của phụ nữ thông qua phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gai xanh do phụ nữ làm chủ”. Theo đó, người dân chuyển từ trồng ngô, sắn sang trồng cây gai theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cây gai xanh là một trong những loại sợi tự nhiên bền chắc nhất, được những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may tại Việt Nam, thu mua.

Ban đầu, những người phụ nữ địa phương ngần ngại vì họ lo nhất là đầu ra cho sản phẩm. Nhất là nghe đến cây gai xanh thì nhiều người còn không biết là trồng để làm gì, bà Điến kể. “Trước đây thì chúng tôi cũng chỉ biết là cây gai này có thể dùng làm thuốc, làm bánh. Khi nghe nói đến dự án GREAT hỗ trợ người dân tạo nên vùng trồng gai xanh thì chúng tôi ngạc nhiên lắm vì không hiểu trồng nhiều thế để làm gì. Chúng tôi trồng ngô, trồng lúa quen rồi, giờ bỏ hết đi chuyển sang trồng gai xanh thì liệu có bán được không,” bà Điến chia sẻ nỗi lo.

Không lo sao được, khi mà khoai lúa là thứ cây quen thuộc ngàn đời còn không đủ nuôi con, không đủ để xây dựng cuộc sống ấm no, thì thứ cây lạ lẫm như gai xanh liệu có giúp họ đổi đời hay sẽ khiến họ đã nghèo còn càng thêm khó?

Cuộc sống đổi thay nhờ cây gai xanh

Sau 2 năm triển khai dự án, huyện Văn Bàn đã không còn tình trạng những người phụ nữ bỏ ruộng đi làm ăn xa. Khi được tập huấn về tác dụng của cây gai xanh và kỹ thuật chăm sóc, khai thác, những người phụ nữ bắt đầu thấy tự tin hơn. Đặc biệt, khi Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Môi trường Gia Lân cam kết bao tiêu sản phẩm thì bà Điến mạnh dạn động viên những chị em phụ nữ khác cùng làm.

Ông Trần Văn Liên, Chủ nhiệm Hợp tác xã, khẳng định đầu tư vào cây gai hiệu quả hơn so với các loại cây trồng khác. “Tỷ lệ nảy mầm của cây rất cao. Hạt giống có giá 40.000 đồng/kg. Gieo hạt xong, cây nảy mầm và sinh trưởng cũng rất nhanh. Chúng tôi chỉ cần đầu tư vào cây giống và phân bón, chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha, chăm sóc cây trồng trong ba tháng, sau đó thu hoạch 45-60 ngày một lần. Đặc biệt là sau khi thu hoạch cây trưởng thành thì từ gốc lại đẻ ra các cây con. Bởi vậy một cây nếu chăm sóc tốt thì có thể khai thác trong thời gian mười năm,” ông Liên cho biết.

Bản thân ông Liên cũng rất lạc quan với dự án vì từ các thân cây gai được người dân thu hoạch, ông thu mua xử lý rồi bán lại cho doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc. Thân cây bán cho công ty để chế biến thành sợi gai dùng dệt quần áo, lá có thể dùng làm bánh gai, làm thức ăn gia súc hoặc trồng nấm, và rễ cây có thể bán để làm thuốc thảo dược. Điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương là yếu tố thúc đẩy cây gai phát triển. Các chuyên gia của Công ty may mặc An Phước, đơn vị thu mua cây gai cho bà con khẳng định ở Văn Bàn, năng suất và chất lượng sợi gai cao hơn các vùng khác trên cả nước. Hiện nay, việc phát triển cây gai Việt Nam, đưa vào công nghiệp dệt may cũng là một hướng đi được khích lệ lớn trong việc tôn vinh chất liệu Việt trong may mặc. 

Sau 2 năm thực hiện dự án, ông Liên cho biết cây gai có thể đem lại thu nhập 100 triệu đồng/ha mỗi năm. Ngày ngày bà Lương Thị Điến cùng cô con dâu Lương Thị Cúc kề vai sát cánh cùng làm việc trên ruộng gai xanh. Hai mẹ con phấn khởi khi ngày càng có nhiều phụ nữ muốn tham gia dự án.

Bà Lương Thị ĐIến và con dâuBà Lương Thị Điến và con dâu.

“Chúng tôi đi làm có thu nhập nên chồng cũng nể hơn trước, bây giờ đúng là bình đẳng giới rồi. Kinh tế khá lên nên các cháu tôi được uống sữa, không phải đói như con tôi ngày trước,” bà Điến cười nói.

Ngoài thời gian làm ruộng, bà còn nhiệt tình tham gia bảo tồn điệu múa khăn của truyền của người Xa Phó. Đội chị em trồng gai xanh cũng chính là đội múa của xã, từng nhiều lần tham gia giao lưu văn nghệ. Ở tuổi gần 60, nhiều lúc bà Điến cũng thấy đau lưng nhưng nhìn những luống gai xanh tốt, bà lại thấy khỏe hơn, lại tiếp tục cần mẫn cuốc đất, nhổ cỏ, bắt sâu bằng tay. Bà bảo cây trồng theo hướng hữu cơ, nên cần làm như vậy để đảm bảo chất lượng, có thế mới mang lại giá trị cao, làm thay đổi cuộc sống những người phụ nữ Xa Phó như bà.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.