Đảm bảo an toàn, bình đẳng cho phụ nữ trên không gian mạng

Hà - Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số sử dụng Internet ở mức cao, nhưng đi cùng với cơ hội tiếp cận công nghệ thì tình trạng phụ nữ trở thành nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, bất bình đẳng trên không gian mạng cũng gia tăng. Điều này khiến vấn đề đảm bảo an toàn và bình đẳng cho phụ nữ trên không gian mạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đảm bảo an toàn, bình đẳng cho phụ nữ trên không gian mạng - ảnh 1
Một nạn nhân là phụ nữ đến trình báo bị lừa đảo qua mạng tại Công an tỉnh Tiền Giang.
Ảnh: cand

90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ 
Theo thống kê, hiện Việt Nam có gần 80 triệu người sử dụng Internet, tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Facebook (FB) là 97,6%, trong đó tỷ lệ phụ nữ sử dụng mạng xã hội này là 90,95%. Thực tế cho thấy, đi cùng với những tiện lợi của mạng xã hội thì tình trạng tội phạm cũng theo đó gia tăng. Số liệu thống kê của lực lượng chức năng qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng cho thấy, có tới 90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ. Thủ đoạn mà các đối tượng xấu thường sử dụng nhắm đến phụ nữ thường là: Lừa tình, lừa tiền, dụ dỗ đưa vào các đường dây mại dâm, mua bán người qua biên giới… Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy, hàng năm có khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên toàn quốc. 

Trong 5 năm (từ 2012-2017), 3.090 nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến, dịch vụ hẹn hò, hội nhóm kín đã bị lừa bán ra nước ngoài, cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục và chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận nhiều vụ việc phụ nữ bị lừa đảo trên không gian mạng với số tiền rất lớn. Tại Hà Nội, ngày 27/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Nạn nhân là chị T (SN 1982, Đông Anh, Hà Nội) thấy quảng cáo làm cộng tác viên online trên mạng xã hội facebook (FB) sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Với lời giới thiệu việc nhẹ lương cao, chị T đã chuyển gần 400 triệu đồng để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi liên hệ bên đối tác thì chị T không nhận được tiền hoa hồng. Bấy giờ, chị T mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan Công an trình báo. Trước đó vào tháng 9/2022, chị L (SN 1984, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lên mạng tìm việc làm online. Cũng tin tưởng vào việc nhẹ lương cao từ cộng tác viên online của một đối tượng trên mạng FB, chị L bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt 3,24 tỷ đồng. 

Trước tình trạng gia tăng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, Internet, mạng xã hội vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Công an TP Hà Nội đã phải ra văn bản cảnh báo với người dân về các hình thức lừa đảo của tội phạm. 

Chia sẻ về những hiểm họa trên không gian mạng đối với phụ nữ và trẻ em, tại diễn đàn “Phụ nữ, An ninh mạng và STEM” do LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/3, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó Trưởng phòng tham mưu, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô, trong đó có nhiều hiểm họa nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều thủ đoạn tinh vi được các đối tượng sử dụng như lừa tình, lừa tiền qua mạng hòng chiếm đoạt tài sản của những nạn nhân thường là nữ giới thiếu thốn tình cảm, cô đơn, cả tin. Cùng với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, các loại hình tội phạm nhằm vào nữ giới ngày càng khó lường như: Giả danh lực lượng thực thi pháp luật, người thân trong gia đình, những người có uy tín trong xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay gần đây, nhiều hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng hoặc các chiêu trò thu hút đầu tư ảo cũng khiến nhiều người “sập bẫy”.

Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cho biết: Năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Cục kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an và Công an TPHCM đánh sập đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet quy mô rất lớn, lên đến gần 400 tỷ đồng. Theo đó, thông qua mạng xã hội WhatsApp, một số đối tượng người Niegeria giả là quân nhân, bác sĩ nước ngoài… kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam. Tại Việt Nam, đối tượng Lê Thành Nhân “giả danh’ nhân viên quản lý và giao hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất gọi điện, thông báo cho các bị hại hiện đang có một kiện hàng của người thân từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại nộp các khoản phí qua các tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục nhận hàng. Bằng những thủ đoạn này, chỉ trong khoảng 6 tháng, nhóm người này đã lừa đảo hàng trăm nạn nhân trên cả nước.

Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo an toàn cho phụ nữ
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hội LHPN Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đã có những hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ cũng như đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, trong đó có an toàn trên môi trường mạng. Tháng 1/2021, Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế” đến năm 2030 trên các lĩnh vực trong đó có khoa học, công nghệ. Hội LHPN Việt Nam cũng đã triển khai các chương trình, đề án, các giải thưởng, cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tham gia hiệu quả vào kinh tế số, xã hội số.

 “Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động thiết thực đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước với tinh thần “Không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau” trong thời đại công nghệ số, đặc biệt chú trọng thúc đẩy phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM (STEM là từ viết tắt của một hình thức giáo dục mới hướng đến kinh tế tri thức với sự kết hợp của 4 lĩnh vực gồm: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Toán học (Math), và đảm bảo môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”- bà Hà Thị Nga khẳng định.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam cho biết: Phụ nữ và trẻ em gái cần được bình đẳng trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong cách tiếp cận công nghệ, giáo dục. Cần đảm bảo thế giới số, đảm bảo nguy hại cho phụ nữ và trẻ em gái khi họ tham gia môi trường không gian mạng. Đồng thời, cần có nhiều nghiên cứu, chương trình hỗ trợ để phụ nữ tham gia một cách an toàn, thúc đẩy công nghệ, hỗ trợ tăng cường giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt tình trạng về định kiến giới.

Để phòng chống tội phạm trên không gian mạng, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Trung ương và các tỉnh, thành phố cả nước đã triển khai các giải pháp, thành lập các mô hình trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng cho phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tháng 10/2021, Hội Phụ nữ đã tổ chức ra mắt mô hình CLB “Phụ nữ với hội nhập trên môi trường mạng" tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Đây là mô hình CLB làm điểm do TƯ Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo. CLB thành lập với 30 thành viên nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tuyên truyền, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội an toàn; bảo mật thông tin, tránh bị lừa đảo; chia sẻ thông tin có trách nhiệm và ứng xử văn minh trên mạng xã hội; kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, đảm bảo tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… 

Theo bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, bất bình đẳng giới là vấn đề mang tính toàn cầu, bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trước bối cảnh chuyển đổi nhanh, mạnh của công nghệ số với nhiều thời cơ và thách thức lớn thì đảm bảo an toàn trong không gian mạng chính là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy đảm bảo quyền con người, nhân phẩm con người. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em nhất là trẻ em gái cũng cần được chú trọng để nâng cao cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân trong thời buổi công nghệ số phát triển như hiện nay.
Để nâng cao cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân, Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi cho biết Bộ Công an tham mưu xây dựng Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; mục đích nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng (bao gồm phụ nữ và trẻ em gái). Cùng với đó, Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ban ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, các em gái có hoàn cảnh đặc biệt… để họ không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, phụ nữ khi sử dụng mạng cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; có ý thức cập nhật thông tin, kiến thức về an ninh mạng, đồng thời không nên chia sẻ những thông tin cá nhân nhạy cảm. Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng sống cho phụ nữ, trẻ em gái cũng cần được chú trọng để nâng cao cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân trong thời buổi công nghệ số phát triển nhanh như hiện nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.