“Xanh hóa” môi trường làng nghề

Kỳ 2: Giải pháp nào giảm thiểu ô nhiễm?

BÀi và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước thực trạng làng nghề phát triển manh mún, phân tán, nhà ở kết hợp sản xuất làm chi phí về năng lượng luôn cao hơn các nước; nước thải, khí thải xả thẳng ra môi trường... rất cần những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các quy hoạch đồng bộ cho cụm công nghiệp làng nghề.

Kỳ 2: Giải pháp nào giảm thiểu ô nhiễm? - ảnh 1
Làng nghề may xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên.

47,5% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong giai đoạn 2017-2020, qua rà soát 315 làng nghề, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động cho thấy: Có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm 31%); chỉ có 63 làng nghề (21,5%) không ô nhiễm. Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, nhuộm, tái chế, gia công cơ kim khí; trong đó, có 36% số hộ sản xuất không có công trình xử lý chất thải, hơn 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng thô sơ, chưa đạt quy chuẩn… Trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…

Kỳ 2: Giải pháp nào giảm thiểu ô nhiễm? - ảnh 2
Sản xuất khảm trai tại làng nghề xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên.

Cùng với nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, việc phát triển nghề và làng nghề hiện nay trên địa bàn Hà Nội còn phân tán, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, dẫn đến việc đầu tư cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên có 7/7 thôn làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm khảm trai, sơn mài và chế biến nguyên liệu khảm. Do sản xuất thủ công nhiều công đoạn, trong đó có khâu hoàn thiện như sơn thải ra nhiều chất thải gây ô nhiễm (nước, bụi, khí). Tuy nhiên, với quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, các hộ gia đình không thể tự đầu tư hạ tầng cũng như công nghệ để thu gom chất thải. Vì vậy, các nghệ nhân nơi đây rất mong muốn sớm có cụm công nghiệp (CCN) để có địa điểm sản xuất kinh doanh tập trung, khắc phục tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay.

Năm 2025, 100% làng nghề của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về môi trường
 
Tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố.
Đến năm 2030, hoàn thành công tác di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào các khu, cụm, điểm công nghiệp sản xuất tập trung của làng nghề hoặc các CCN, CCN làng nghề theo quy hoạch đã được UBND Thành phố phê duyệt. Hoàn thành đầu tư hạ tầng đồng bộ đối với các các CCN, CCN làng nghề đang hoạt động và đầu tư mới theo quy hoạch được duyệt; bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
 

Di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra các CCN, CCN làng nghề theo quy hoạch và đảm bảo môi trường chính là hướng đi mà huyện Phú Xuyên đang tích cực phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành triển khai. Toàn huyện hiện có 4 CCN làng nghề gồm: Phú Túc (6,19ha), Phú Yên (10,5ha), Vân Từ (6,59ha), Đại Thắng (7,37ha), huyện đang đề nghị Thành phố thành lập 3 CCN làng nghề mới ở xã Phượng Dực, Sơn Hà, Văn Hoàng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: "Với địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như Phú Xuyên thì các CCN và CCN làng nghề giữ vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững. Vừa giải quyết khó khăn về mặt bằng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, các CCN làng nghề giúp di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư góp phần giảm ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự. Đồng thời, CCN làng nghề thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân địa phương".

Cũng là địa phương có nhiều làng nghề, hiện nay huyện Thường Tín có 11 CCN, với tổng diện tích trên 195ha. Dự kiến, năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn huyện Thường Tín sẽ hình thành và phát triển khoảng 26 CCN với tổng diện tích 754ha. 

Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các CCN làng nghề, các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn. Các bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng và xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Đồng thời, yêu cầu các xã có nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho làng nghề

Trên địa bàn Hà Nội tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Toàn thành phố hiện có 70 CCN đi vào hoạt động, thu hút gần 4.200 tổ chức, doanh nghiệp, hộ cá thể vào sản xuất - kinh doanh. Các cơ sở phát triển tương đối ổn định, có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động nông thôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2 CCN tại huyện Phú Xuyên và 1 CCN tại huyện Phúc Thọ được khởi công. 

Hiện nay đang có 13 CCN đã được khởi công và đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công các dự án CCN làng nghề đã được phê duyệt thành lập.

Luật sư Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội chỉ ra rằng: Mô hình sản xuất phân tán, manh mún, nhà ở kết hợp xưởng sản xuất còn phổ biến trong các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống ở nhiều địa phương chính là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí năng lượng ở nước ta luôn cao hơn so với các nước. Để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các làng nghề, CCN, CCN làng nghề, giải pháp là tổ chức lại sản xuất, cách làm giống như sản xuất lương thực theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”.

“Đây là một chủ trương, chính sách đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề”- ông Trường nhấn mạnh.

Phân tích thêm, ông Trường cho rằng: Về năng lượng điện, CCN, CCN làng nghề được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, giảm thiểu chi phí đường dây truyền tải điện sau công tơ; cơ hội thuận lợi chia sẻ lẫn nhau lượng điện dư nếu có doanh nghiệp được phép xây dựng điện mặt trời mái nhà. Về kinh tế tuần hoàn, CCN, CCN làng nghề là môi trường tốt để các cơ sở sản xuất có thể sử dụng những nguồn năng lượng dư thừa của nhau (hơi nước, nước nóng).

Về xử lý phế liệu, rác thải, nước thải tập trung chắc chắn sẽ rẻ hơn xử lý riêng lẻ, chưa kể có thể phế liệu của ngành hàng này còn được sử dụng đầu vào cho ngành hàng khác. 

Ưu việt của CCN, CCN làng nghề dưới góc độ quản lý, phát triển, trong đó có mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là rất rõ ràng. Về thực tiễn, đó là con đường mà nhiều quốc gia khác đã áp dụng thành công trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…”.

Ông Lại Đức Tuấn, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.
Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

Hơn 15 ngàn phụ nữ tự tin hướng tới tương lai “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”

(PNTĐ) - Trải qua hơn 15 năm với sứ mệnh trao quyền để thay đổi cuộc sống cho hàng chục ngàn phụ nữ Việt Nam, chương trình trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo kỹ năng trong ngành làm đẹp - L’Oréal Beauty for a better life (L’Oréal - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn) đã trở thành chương trình truyền cảm hứng và trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho những phụ nữ dám mơ ước và quyết tâm vượt qua khó khăn để thành công trong ngành làm đẹp.
Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

Nghề chăn trâu làm giàu giữa phố

(PNTĐ) - Ở Hà Nội, chăn trâu ở thành phố nhàn hơn ở quê nhưng lại đem tới mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu làm tốt có thể được người thuê trả thêm tháng lương thứ 13. Nhiều người thay vì phải đi làm những công việc tay chân vất vả đã chọn gắn bó hàng chục năm trời với việc chăn trâu thuê giữa lòng thành phố nuôi con ăn học.