Trầm cảm - sát thủ giấu mặt

Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe

Bài và ảnh: TRUNG THU - HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để phòng bệnh trầm cảm, mỗi người cần chủ động chăm sóc sức khoẻ tinh thần để luôn cân bằng và khoẻ mạnh, đồng thời sớm phát hiện những bất ổn về tâm lý để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng sống.

Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe - ảnh 1
Các hội viên CLB phụ nữ vui khoẻ Tổ dân phố 14 tham gia văn nghệ.

Luyện tập mỗi ngày giúp tăng “đề kháng” tâm lý
Là người sáng lập phương pháp huấn luyện Tâm Trí Cười trên nền tảng khoa học Tiếng cười và Hạnh phúc, trong đó có ứng dụng những bài tập Yoga Cười, để rèn luyện và phát triển năng lực tâm trí tích cực, bác sĩ Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty Đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí cho biết, sức khỏe tinh thần đóng vai trò then chốt trong sức khỏe toàn diện của con người, tác động mạnh mẽ đến sức khỏe thể chất, sức khỏe mối quan hệ, sức khỏe tài chính, sức khỏe công việc và cả sức khỏe tình yêu thương trong gia đình. Nếu ta có một sức khỏe tinh thần tốt thì cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống sẽ tích cực hơn, lạc quan hơn, còn nếu tinh thần giảm thì cách giải quyết sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực, bi quan, bế tắc.

“Để có một tinh thần khỏe mạnh, vui vẻ và tích cực, chúng ta cần chăm sóc và rèn luyện “TINH THẦN 5T”, mô hình được xây dựng dựa trên định nghĩa về Sức khỏe tinh thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đó là “Thân thể khỏe mạnh”: Thể dục đều đặn, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc để có sức khỏe thể chất tốt; “Tâm hồn tươi sáng”: Đối diện và vượt qua được những căng thẳng thông thường, biết cách tạo sự cân bằng và niềm vui cho chính mình; “Trí tuệ vươn cao”: Suy nghĩ tích cực và nhận biết được năng lực bản thân để có những việc làm phù hợp với điểm mạnh và sở trường, không ngừng học hỏi để nâng cao trí tuệ; “Tiếng cười lạc quan”: Thiết lập mục tiêu và thực hiện công việc hiệu quả, chia nhỏ và hoàn thành từng giai đoạn trong kế hoạch công việc, kế hoạch cuộc đời; “Trao đi giá trị”: Đóng góp và chia sẻ những giá trị có ích cho xã hội, cho cộng đồng phù hợp với khả năng của mình”- BS Hồ Nhật Quang chia sẻ.

Theo BS Hồ Nhật Quang, hơn 10 năm sáng lập và duy trì phương pháp huấn luyện Tâm Trí Cười trên nền tảng khoa học Tiếng cười và Hạnh phúc, anh đã hỗ trợ rất nhiều người tìm được niềm vui, sức khỏe, bình an và lạc quan trong cuộc sống. Trong đó có những người 1 năm, 5 năm hay 10 năm mất đi tiếng cười vui vẻ, trẻ trung của chính mình. “Điều tôi ấn tượng và nhớ nhất là khi hướng dẫn cho các câu lạc bộ dưỡng sinh, tôi đã giúp cho một bác tìm lại nụ cười sau 50 năm không cười được vì gặp biến cố gia đình thời trẻ. Lúc bác ấy 30 tuổi đã không may mất đi người chồng do tai nạn giao thông khi vừa có đứa con gái đầu lòng được vài tháng…”- BS Quang cho biết.

 Nhiều người lãnh đạo, người quản lý với áp lực công việc, áp lực cuộc sống đã đánh mất tiếng cười vui vẻ và hạnh phúc, đánh mất sức khỏe của bản thân và thậm chí có người mất luôn cả gia đình đã tìm lại được niềm vui khỏe, sự cân bằng trong tâm trí và xây dựng một cuộc sống mới tươi sáng hơn với nhiều niềm vui và tiếng cười.

BS Quang chia sẻ, hiện nay, anh đã và đang xây dựng một sân chơi vui khỏe là buổi sinh hoạt định kỳ tối thứ tư hằng tuần “Bánh mì cho Tâm Trí” với thông điệp hiểu tâm trí thích và cho tâm trí ăn, nhằm mục đích chăm sóc não bộ và nuôi dưỡng tinh thần dành cho các thành viên tham gia sinh hoạt, với những nội dung chia sẻ và những bài thể dục tinh thần vui khỏe được thiết kế trên nền tảng khoa học tiếng cười và hạnh phúc. Bên cạnh đó, anh cũng đang cố vấn và xây dựng các chương trình dành cho các đối tác để chăm sóc tinh thần nhân viên và cùng nhau lan tỏa nhiều hơn nữa những giá trị tích cực đến với cộng đồng.

“Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải có một tư duy đúng, nhận thức đúng về sức khỏe tinh thần, về vai trò then chốt của sức khỏe tinh thần trong sức khỏe toàn diện mỗi người, sau đó lên kế hoạch rèn luyện để phát triển năng lực tâm trí tích cực” - BS Quang nhấn mạnh.

Thạc sỹ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology cho rằng, áp lực giống như một thứ đi kèm với cuộc sống không thể tách rời. Hầu hết thanh, thiếu niên, giới trẻ và thậm chí cả người lớn hiện nay được học hỏi, hiểu biết nhiều, nhưng lại không mấy ai học kĩ năng vượt qua khó khăn, đối diện với nỗi đau của chính mình. Đối diện với nỗi đau, nhiều người thường chạy trốn, vùi lấp nó. Không ít người mới khó khăn đã không thể chịu nổi, muốn phải chấm dứt ngay lập tức, hậu quả là đưa ra lựa chọn nông nổi, bất hạnh.

“Do đó, thay vì chạy trốn, mỗi người hãy học cách hiểu về áp lực, nắm rõ quy luật và đối diện với áp lực theo chiều hướng có lợi; hãy học tập, rèn luyện để nâng cao giá trị bản thân, nâng cao nhận thức, nâng cao trí tuệ  là con đường để hạn chế tốt nhất các lựa chọn bế tắc” - thạc sỹ tâm lý Mạnh Linh khuyên.
Những mô hình vui khoẻ ở cộng đồng
5h30 sáng, những người dân ở Tổ dân phố số 14, phường Phúc La, quận Hà Đông lại có mặt ở nhà văn hoá tổ dân phố để tập văn nghệ. Người tham gia CLB yoga, người tập dân vũ, thể thao, dưỡng sinh. Buổi chiều, nhóm thanh niên tham gia bóng chuyền hơi, khiêu vũ thể thao; người trung và cao tuổi tham gia sinh hoạt CLB thơ ca… Cuối tuần, một số hội viên phụ nữ lại tham gia thu gom phế liệu, tổng vệ sinh môi trường, chia sẻ bí quyết xây dựng cuộc sống vui khoẻ hạnh phúc, bảo vệ môi trường, tạo vườn hoa ban công… Cứ như vậy, nhà văn hoá quanh Tổ dân phố 14 lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp các hoạt động cộng đồng. 

Kỳ cuối: Cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe - ảnh 2
Các buổi học yoga cười của BS Hồ Nhật Quang giúp lấy lại cân bằng trong cuộc sống đầy áp lực.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 14 cho biết: “Trong cuộc sống, mỗi người đều có những áp lực riêng, từ gia đình, cuộc sống, sức khoẻ và nhiều vấn đề khác. Chúng tôi tạo ra những CLB để tập hợp các hội viên cùng nhau chia sẻ khó khăn, động viên nhau, buông bỏ điều muộn phiền để sống lạc quan bằng những hoạt động tập thể, cũng giảm đi áp lực cuộc sống”. 

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm CLB Thơ ca thuộc TDP 14 phường Phúc La cũng cho biết, CLB sinh hoạt hàng tháng gồm làm thơ và ca hát. Đối tượng là những người yêu thơ và ca hát, không phân biệt tuổi tác. “Từ khi thành lập, đời sống của chúng tôi vui hơn nhiều. Mỗi tháng gặp nhau 1 lần, ngâm thơ và hát cho nhau nghe. Ai có bài thơ sáng tác thì đọc để mọi người cùng bình luận. Những buổi sinh hoạt mang lại niềm vui gắn kết cộng đồng, cùng chia sẻ nguyện vọng và hiểu nhau hơn. Như bà Đỗ Thị Chuyền, sống 1 mình, sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn, con cháu ở xa nhưng khi tham gia CLB, bà Chuyền lại tìm lại sở thích làm thơ và vui vẻ giao lưu với mọi người. Bà chia sẻ những bài thơ mà mình sáng tác, để tôi giới thiệu, bình thơ. Bà Trần Thị Doan, 77 tuổi, vẫn rất dẻo dai, múa hát trong các lễ quan trọng của tổ dân phố…”-  bà Vân xúc động nói.

Theo bà Vân, trong cuộc sống có nhiều áp lực khiến nhiều người căng thẳng, nhưng các thành viên trong CLB vẫn nhắc nhau cần chủ động trong cuộc sống của mình, các vấn đề trong cuộc sống cố gắng không thổi phồng, trầm trọng hoá vấn đề mà cho nó nhỏ lại; hai là tìm đến bạn bè để chia sẻ, tham gia hoạt động tập thể để cuốn mình vào niềm vui mới; để thấy ai cũng có áp lực khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua. 

Tại các phường trên địa bàn Hà Nội, nhiều CLB Dân vũ thể thao của các Chi hội phụ nữ thành lập cũng trở thành sân chơi lành mạnh, môi trường để rèn luyện sức khoẻ. Các bài hát trong những điệu nhảy dân vũ là những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình thương yêu con người, tiết tấu nhạc sôi động, với các động tác đơn giản. Câu lạc bộ ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế của chị em phụ nữ, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp chị em được giao lưu, trau dồi thêm kiến thức về bộ môn khiêu vũ, thể hiện năng khiếu của bản thân. Đồng thời là môi trường để chị em rèn luyện sức khỏe, từ đó thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao địa phương phát triển. 

Là admin của nhóm phụ nữ “Con ong làm mật yêu hoa” trên facebook với hơn 2k lượt theo dõi, chị Trần Minh Trang (Tây Hồ, Hà Nội) đã tập hợp nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh nở khác nhau cùng tham gia các chương trình chăm sóc sức khoẻ, giúp họ giải toả stress trong cuộc sống. Đặc biệt, tại các diễn đàn miễn phí, các chị em được chia sẻ những tâm tư, cùng nhau học kỹ năng, thể hiện năng khiếu, khẳng định bản thân như học làm bánh, khám sức khoẻ miễn phí, học cách chăm sóc da, ăn uống điều độ…

Khi cộng đồng cùng sống vui, sống khỏe, thì trầm cảm sẽ bị đẩy lùi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 3: Để giảm thiểu hậu quả của trầm cảm!

Kỳ 3: Để giảm thiểu hậu quả của trầm cảm!

(PNTĐ) - Trầm cảm đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận biết và phòng tránh bệnh trầm cảm.
Đẩy mạnh hợp tác giữa Estonia và Việt Nam trong chuyển đổi số

Đẩy mạnh hợp tác giữa Estonia và Việt Nam trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Từ ngày 4 đến 8/11/2024, đoàn đại biểu cấp cao từ Estonia có chuyến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty, tổ chức và cơ quan hành chính Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Trade Estonia thuộc Enterprise Estonia, phối hợp với Đại sứ quán Estonia. Chuyến công tác này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Estonia, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các ngành công nghệ thông tin của hai nước.