Một hành trình mới của người phụ nữ mắc căn bệnh viêm tủy cột sống

ANH HOA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Như một đóa hoa hướng dương luôn vươn mình về phía mặt trời, Nguyễn Thị Cẩm Nhung, người phụ nữ mắc căn bệnh viêm tủy cột sống hiếm gặp vẫn kiên cường và tự tin tiến lên phía trước. Không chỉ thắp sáng hy vọng cho chính mình, chị còn lan tỏa cảm hứng tích cực đến những người khuyết tật khác.

Một hành trình mới của người phụ nữ mắc căn bệnh viêm tủy cột sống - ảnh 1
Không chỉ thắp sáng hy vọng cho chính mình, chị Cẩm Nhung còn lan tỏa cảm hứng tích cực đến những người khuyết tật khác

Số phận đã không ưu ái với Cẩm Nhung (sinh năm 1982, quê ở Nam Đàn, Nghệ An) khi chị mắc phải căn bệnh viêm tủy cột sống hiếm gặp ngay từ khi còn rất nhỏ, bị liệt từ ngang ngực xuống 2 chân, từ đó mất hoàn toàn khả năng cử động và không thể tự chủ vệ sinh. Cột sống yếu khiến sức đề kháng suy giảm, không thể đỡ được cơ thể, cuộc sống của chị Nhung phải gắn bó với chiếc xe lăn và sự giúp đỡ của những người xung quanh.

Cha mẹ chị Nhung đều là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau khi về phục viên, họ trở về làm nghề nông. Kinh tế gia đình rất khó khăn, dù vậy, gia đình vẫn nỗ lực hết mình để chữa trị cho con gái. “Có bệnh thì vái tứ phương,” suốt tuổi thơ của chị là những năm tháng trong hành trình tìm cách chữa căn bệnh hiểm nghèo. Từ khi chị 6 tuổi đến hơn mười năm sau, gia đình không ngừng hy vọng, chỉ khi mọi kết luận từ bác sĩ đều bi quan, họ mới phải chấp nhận sự thật. "Tôi sống được đến hôm nay là nhờ tình yêu thương của gia đình và bạn bè" chị Nhung xúc động chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất trong những năm tháng ấu thơ của Cẩm Nhung là học cách chấp nhận khiếm khuyết của bản thân và đối mặt với những ánh mắt phán xét từ người đời. Đó là những ngày chị chìm trong nỗi buồn, bế tắc và cảm giác bất lực. Tuy nhiên, Cẩm Nhung vẫn kiên trì giữ tinh thần lạc quan và khao khát được đi học như một cách để giải thoát và phát triển bản thân. Gia đình kịch liệt phản đối, lo sợ rằng việc học với người khuyết tật sẽ quá vất vả và không có tương lai, nhưng Cẩm Nhung vẫn kiên định theo đuổi ước mơ. Chị tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, góp nhặt kiến thức từ khắp nơi và dần dần nhận ra bản thân muốn bứt phá, vượt lên số phận và sống hết mình. Khi lên đến cấp 3, Cẩm Nhung đã quyết định tạo nên một bước ngoặt lớn cho cuộc đời mình: rời Nghệ An lên Hà Nội để học tập và theo đuổi ước mơ.

Một hành trình mới của người phụ nữ mắc căn bệnh viêm tủy cột sống - ảnh 2
Cùng với các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Ngôi Nhà Móc, chị Nhung tổ chức quyên góp đồ cũ và tái chế chúng thành sản phẩm ứng dụng có tính thẩm mỹ cao

Tại Hà Nội, chị Nhung gặp được Thái Thị Hoàng, người em, người bạn đã giúp đỡ chị rất nhiều trong suốt quãng thời gian ở Thủ đô. Mối lương duyên giữa hai chị em nhen nhóm từ sự yêu thương, giờ đây đã kéo dài đến một thập kỷ. Đối với Hoàng, chị Nhung vẫn luôn là một người chị lớn cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, một người phụ nữ luôn mạnh mẽ, tích cực trong cuộc sống. Nhưng số phận tiếp tục đưa ra những thử thách. Tháng 8 năm 2022, chị Nhung phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 3 đã di căn 5 hạch bạch huyết. Một người phụ nữ kiên cường giờ đây bỗng chốc mất hết ngọn lửa nhiệt huyết, chị không dám đối diện với sự thật: “Tôi thậm chí còn không thể khóc”.

Không khuất phục trước số phận, chị Nhung quyết định thực hiện một dự án bảo vệ môi trường được ấp ủ từ lâu. Hiểu rõ tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh ung thư, chị thu gom len và vải vụn để tái chế thành những sản phẩm có giá trị. Cùng với các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật Ngôi Nhà Móc, chị tổ chức quyên góp đồ cũ và tái chế chúng thành sản phẩm ứng dụng có tính thẩm mỹ cao. Những đôi tay khéo léo đã tạo ra những sản phẩm làm bằng tay tinh xảo, vừa giảm rác thải, bảo vệ môi trường, vừa tạo thu nhập và niềm vui cho người khuyết tật khác.

Một hành trình mới của người phụ nữ mắc căn bệnh viêm tủy cột sống - ảnh 3
Dù phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của số phận, chị Nhung biến đau thương thành động lực để cống hiến cho cuộc sống

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung là minh chứng sống động cho sức mạnh của ý chí và lòng kiên cường. Dù phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của số phận, chị vẫn không ngừng vươn lên, biến đau thương thành động lực để cống hiến cho cuộc sống. Với những hành động thiết thực và tình yêu thương ấm áp, chị đã không chỉ thay đổi cuộc đời mình mà còn mang lại hy vọng và niềm tin cho những người xung quanh. Hành trình vượt lên số phận và lan tỏa yêu thương của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung sẽ được chia sẻ trong chương trình Trạm yêu thương với chủ đề “Một hành trình mới”, phát sóng vào lúc 10h00 thứ Bảy ngày 07/9/2024 trên kênh VTV1.

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

Từ người mẫu gây tranh cãi đến biểu tượng hoàng gia

(PNTĐ) - Công nương Sofia, Nữ Công tước xứ Värmland, là vợ của Hoàng tử Carl Philip – con trai thứ hai của Quốc vương Carl XVI Gustaf của Thụy Điển. Không xuất thân từ tầng lớp quý tộc hay danh gia vọng tộc, Sofia từng gây tranh cãi dữ dội vì quá khứ làm người mẫu với những hình ảnh gợi cảm. Tuy nhiên, điều khiến người ta nể phục là cách cô vượt qua định kiến, chứng minh rằng xuất thân không thể định đoạt tương lai.