Phát động cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XIII - năm 2023:

“Nếp nhà” là nền móng xây gia đình bền vững

Hoàng Lan - Quỳnh Anh Ảnh: Nguyễn Thực
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 16/3/2023, Báo Phụ nữ Thủ đô chính thức phát động cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XIII - năm 2023 với chủ đề “Xây chắc nếp nhà”. Với thông điệp “Nếp nhà là nền móng xây dựng gia đình Việt trường tồn, bền vững”, cuộc thi đã mang tới nhiều thông điệp ý nghĩa, nhân văn, thúc đẩy mỗi gia đình và toàn xã hội chung tay gìn giữ nếp nhà trong dòng chảy hội nhập.

“Nếp nhà” là nền móng xây gia đình bền vững - ảnh 1
Các đại biểu và Ban tổ chức tại Lễ phát động cuộc thi chụp ảnh lưu niệm.

Nếp nhà nhân văn và ý nghĩa
Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” trên Báo Phụ nữ Thủ đô đã bước sang năm thứ 13, trở thành một sân chơi văn hóa thường niên quen thuộc của các cây bút độc giả của Báo Phụ nữ Thủ đô chuyên và không chuyên, cùng đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ - những người luôn quan tâm, coi trọng giá trị gia đình. Cuộc thi do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam, chỉ đạo Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” nhằm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TƯ ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 8/3/2023 đến hết ngày 31/5/2023 theo dấu bưu điện. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức trong Tháng Trẻ em và dịp kỷ niệm 22 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phát biểu phát động cuộc thi, bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, Phó Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: “Nếp nhà, hay truyền thống gia đình chính là nguồn nội lực to lớn để nâng bước các thành viên trên mỗi nẻo đường đời. Chính vì được nuôi dưỡng trong mạch nguồn yêu thương mà nếp nhà, hay truyền thống gia đình chính là nguồn nội lực to lớn, là nền móng để gia đình phát triển, tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội có nhiều đổi thay, nhiều vấn đề gia đình đang được đặt ra trong bối cảnh hội nhập, làm thế nào để “nếp nhà” luôn được giữ gìn, trở thành pháo đài vững chắc để che chở, bảo vệ cho các thành viên…? Làm thế nào để gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa gia đình thời hiện đại để góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành sức sống bền bỉ, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt? Muốn “xây chắc nếp nhà” trong bối cảnh hội nhập, mỗi gia đình và toàn xã hội cần phải làm gì?... là những câu hỏi trăn trở, cần lời giải đáp.  

“Cuộc thi “Xây chắc nếp nhà” hướng tới khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình; phân tích sự biến đổi của gia đình Việt trong trong tình hình mới; những tác động tích cực hoặc tiêu cực của xã hội ảnh hưởng tới gia đình; lan tỏa, tôn vinh các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp, đồng thời đấu tranh với các hiện tượng, hành vi xấu, ảnh hưởng đến môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em từ trong gia đình… Đó là những vấn đề mà cuộc thi hướng tới, bà Lê Quỳnh Trang chia sẻ. 

Gieo hạt giống trên mảnh đất màu mỡ
Năm 2023, chương trình phát động cuộc thi viết có nhiều cải tiến so với các năm trước đó. Sự dụng công thể hiện ngay từ việc Ban tổ chức đã mời một gia đình nghệ sĩ tới biểu diễn nhạc cụ dân tộc sáo để mở màn cho chương trình. 

“Nếp nhà” là nền móng xây gia đình bền vững - ảnh 2
Các đại biểu tham dự trong lễ phát động cuộc thi.
“Nếp nhà” là nền móng xây gia đình bền vững - ảnh 3
Tiết mục biểu diễn sáo dân tộc của gia đình NSND Lương Hùng Việt.

Đó là gia đình có truyền thống làm nghệ thuật của NSND Lương Hùng Việt. Bố ông là vua sáo Mông - cố NSND Lương Kim Vĩnh, người vừa được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2022. NSND Lương Hùng Việt là nghệ sĩ biểu diễn sáo, đồng thời còn là tác giả của nhiều bản nhạc mang đậm màu sắc dân gian viết riêng cho sáo. Vợ ông - NSƯT, biên đạo múa Trần Thu Hằng, cũng là hội viên Hội LHPN phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Chị Hằng chia sẻ: Mẹ chồng chị, vốn là kỹ sư điện, nhưng từ khi làm vợ của nghệ sĩ thổi sáo đã sống chết với nghệ thuật cùng chồng. Bà tự học nhạc, chơi nhạc rồi thổi vào tâm hồn con trai chí hướng nối nghiệp cha làm nghệ thuật. Đến nay, gia đình NSND Lương Hùng Việt đã có 3 thế hệ làm nghệ thuật. Con gái của anh chị - nghệ sĩ Lương Thu Phương cũng theo học nhạc cụ sáo. Hiện cả 3 thành viên trong gia đình đều là nghệ sĩ đang làm việc trong các đơn vị nghệ thuật quân đội. Con trai của anh chị đang theo học nhạc cụ dân tộc tại Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Trong gia đình NSND Lương Hùng Việt còn có các anh chị em cũng là các NSND, nhà giáo ưu tú. Đến với chương trình, ngoài tiết mục biểu diễn, vợ chồng NSND Lương Hùng Việt còn mang tới thông điệp về một nếp nhà truyền thống Việt ấm êm, hạnh phúc, sẽ sản sinh ra những người con trưởng thành. 

Cũng tại chương trình, lần đầu tiên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và đào tạo bồi dưỡng, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia giao lưu với chủ đề: “Nếp nhà trong thời hộp nhập”. Qua đó, BTC mong muốn các cán bộ, hội viên, độc giả - cũng chính là những tác giả tiềm năng của cuộc thi hiểu rõ hơn về giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp, những biến đổi của gia đình Việt trong thời nhập và bí quyết để “xây chắc nếp nhà”.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nhiều nghiên cứu đã cho thấy trong bối cảnh thế giới ngày nay có nhiều biến động khiến con người hay cảm thấy không chắc chắn, bất ổn, không bình an. Cùng với đó, điều kiện vật chất ngày càng tốt lên tới mức dư thừa thì nhiều vấn đề của xã hội cũng nảy sinh như ly hôn, lục đục trong gia đình, con cái bất hiếu với cha mẹ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường… ngày một gia tăng.

Ông Hà chỉ ra: “Sự gắn kết giữa các thành viên bằng tình yêu thương mới chính là chất keo kết dính hạnh phúc của mỗi gia đình. Mà trong đó, tự bản thân mỗi thành viên trong gia đình phải chủ động gắn kết. Vì thế, là những người phụ nữ trong gia đình, các bà, các chị hãy luôn tạo cho mình năng lượng sống tích cực, biết bao dung và yêu thương mọi người, để từ đó lan tỏa niềm vui đến người khác. Không khí gia đình sẽ ấm áp và hạnh phúc nhờ những sự lan tỏa ấy”.

Về tầm quan trọng của việc xây chắc nếp nhà, PGS.TS Phạm Mạnh Hà lưu ý, nếu trong mỗi gia đình giữ được truyền thống tốt đẹp từ cha ông để lại, các thành viên yêu thương lẫn nhau thì mỗi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà ấy sẽ được giáo dục trong môi trường tràn đầy tình yêu thương và trách nhiệm, bản thân những đứa trẻ ấy lớn lên cũng sẽ tiếp nối những giá trị tốt đẹp đó. 

 “Nếp nhà - ta cứ hình dung đó như một hạt giống, phải được xây dựng trên tình yêu thương, cần chủ động gieo trồng trên đất tốt và cùng chăm bón thường xuyên - tức là cùng hướng tới mục tiêu chung. Điều này càng quan trọng trong những gia đình đa thế hệ”, ông Hà nói.

Những tín hiệu thành công
Phát biểu hưởng ứng cuộc thi, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện đang công tác tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, cho biết, chị đã gắn bó với Báo Phụ nữ Thủ đô và cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” nhiều năm qua. Năm 2021, lần đầu tiên chị gửi bài tham gia cuộc thi với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Mỗi năm một chủ đề, cuộc thi luôn tạo được sức hút với người tham dự bởi luôn đặt ra những vấn đề gần gũi nhưng rất nóng bỏng trong mỗi gia đình trong bối cảnh hội nhập. Làm thế nào để giữ gìn nếp nhà trong bối cảnh hội nhập – là vấn đề chị luôn trăn trở. Theo chị, trong bối cảnh hội nhập, gia đình Việt đang đứng trước nhiều biến đổi, thách thức. Song, nếu mọi thành viên, cả người chồng, người vợ, cả ông bà, bố mẹ, con cái… biết cùng nhau dựng xây, gìn giữ thì nếp nhà của chúng ta sẽ luôn vững vàng. “Tôi đã có đủ ý tưởng và tư liệu để hoàn tất bài dự thi”- chị chia sẻ.

“Nếp nhà” là nền móng xây gia đình bền vững - ảnh 4
Các đại biểu tham dự trong Lễ phát động cuộc thi.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; nơi lưu giữ, trao truyền, vun đắp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người… phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”. Trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới quan điểm của Đảng ta: “Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

“Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho giới nữ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, “5 không, 3 sạch” với các tiêu chí 5 không: Không đói nghèo, không có bạo lực gia đình, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, không vi phạm chính sách dân số; tiêu chí 5 có: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa gắn với xây dựng nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chủ động đề xuất UBND ban hành Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”, góp phần thực hiện chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy” – bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

Năm nay là năm thứ 13, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà”. Với mục tiêu thông qua cuộc thi sẽ tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình hay còn gọi là “nếp nhà”, đặc biệt là tình yêu thương con người, trên kính dưới nhường, lối sống có trách nhiệm, tôn trọng đạo lý, nhân ái, nghĩa tình, văn hóa ứng xử gia đình, phòng ngừa bạo lực gia đình, để gia đình thực sự là tổ ấm, ngôi nhà an toàn cho mọi thành viên nhất là phụ nữ, trẻ em, phê phán thói xấu, nhận diện những tác động tiêu cực tới gia đình trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Hy vọng những thông điệp từ cuộc thi sẽ có ý nghĩa lan tỏa trong toàn xã hội và cộng đồng về gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.