Nhà biên kịch Phạm Sông Đông: “Đôi mắt trẻ thơ” của hoạt hình

Chia sẻ

Nhân sự kiện phi hành gia Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, nhà thơ Phạm Hổ quyết định gọi cô con gái út của mình là Sông Đông thay cho cái tên khai sinh Sông Thu.

Vậy là tên dòng sông ở nước Nga trong tác phẩm văn học nổi tiếng "Sông Đông êm đềm" đã gắn bó với Phạm Sông Đông cho đến tận bây giờ, ghi danh chị trên những giải thưởng dành cho biên kịch phim hoạt hình xuất sắc nhất tại các kỳ liên hoan phim quốc gia và Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

 Nhà biên kịch Phạm Sông Đông khá có duyên với các giải thưởng trong nước và quốc tế.Nhà biên kịch Phạm Sông Đông khá có duyên với các giải thưởng trong nước cho phim hoạt hình.

1.Ai từng gặp đều công nhận Phạm Sông Đông có nụ cười hồn nhiên. Nụ cười ấy luôn hiện hữu trên môi, ngay cả khi bị trách: “Này, tai có vấn đề à, hôm trước nhìn thấy, gọi Thu ơi sao không trả lời, cứ thế đi thẳng?”. À, hóa ra lâu lắm mới có người gọi chị bằng tên thật - cái tên khai sinh mà chính chị cũng không còn thấy quen thuộc.

Mặc dù sinh ra trong một gia đình có ba là nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi nhưng không giống như đa số “con nhà nòi”, suốt thời niên thiếu Phạm Sông Đông không hề có một sáng tác nào, cho dù đó là một bài thơ, tản văn hay truyện ngắn. Sau 3 năm liên tục là học sinh giỏi văn nhất lớp tại trường cấp 3 (nay là THPT) Kim Liên, Sông Đông quyết định thi vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trong lòng chưa xác định mình sẽ... trở thành gì trên bầu trời văn chương rộng lớn ấy.

Tốt nghiệp đại học, những tưởng sẽ đi làm ở Viện Văn học Việt Nam nhưng ngay hôm đến thi “đầu vào” chị đã cảm thấy mình không phù hợp với môi trường làm việc đó. Được sự ủng hộ của ba mẹ, chị quyết định không làm công việc mà ở thời đó được nhiều người coi là “ổn định”, để thi vào Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sông Đông tiếp tục cuộc đời sinh viên và vẫn chưa có sáng tác gì. Hỏi Sông Đông “có phải vì cái bóng của ba chị quá lớn”, chị chỉ cười: “Không biết nữa. Cũng có thể mình hơi khác với mọi người, nạp thật nhiều, thật đầy rồi đến lúc nào đó văn chương sẽ tự tuôn trào”.

2.Với 20 năm công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, xuất phát điểm là một người làm công tác biên tập nhưng đã có 3 lần chị đoạt giải thưởng Bông sen Vàng - Biên kịch phim hoạt hình xuất sắc nhất. Tình yêu với hoạt hình luôn đong đầy trong trái tim Sông Đông. Câu chuyện chị bỗng dưng “bị” làm biên kịch và sau đó trở thành nhà biên kịch sáng tạo, tinh tế cho ra đời những kịch bản phim hoạt hình sâu sắc, giàu chất suy tưởng cũng là câu chuyện không giống ai. Ở cương vị một người biên tập, Sông Đông được xem là người nhiệt tình và lành nghề. Con mắt tinh tường giúp chị lựa chọn được rất nhiều kịch bản phim hấp dẫn, có chất lượng nghệ thuật cao. Vậy là chị “bị” mọi người trong Hãng phim thuyết phục viết kịch bản.

Cái ô đỏ là kịch bản thứ hai mà Sông Đông viết, được chuyển thể từ truyện cùng tên của ba chị. Bộ phim đã giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Tuy vậy, Sông Đông vẫn chưa hài lòng. Vốn là người cầu toàn, lại sẵn tính ham học, Sông Đông dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu, xem phim hoạt hình nước ngoài và đọc sách để tự tìm hướng đi của mình trong khâu sáng tác. Kết quả là Xe đạp - được coi là điểm nhấn độc đáo của phim hoạt hình Việt Nam - ra đời.

Từ kịch bản dài hơn 1 trang, viết không lời thoại nhằm phát huy tối đa sức mạnh của hình ảnh, đã ra đời bộ phim dài 6 phút kể về một chiếc xe đạp đi bằng ba bánh từ lúc còn nhỏ tới khi trưởng thành. Trên các con đường khác nhau: Bấp bênh, bằng phẳng, gặp chướng ngại vật, thành công, thách thức..., hành trình của chiếc xe đạp miêu tả hành trình của mỗi con người. Bộ phim mang tính triết lý cao ấy được đạo diễn Phương Hoa thực hiện, giành giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và giải A - giải thưởng cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam. Sông Đông cũng nhận được phần thưởng xứng đáng cho kịch bản Xe đạp. Chị bảo rằng: “Viết kịch bản phim về chiếc xe đạp, ngoài việc chọn nhân vật chính vốn là vật dụng quen thuộc với người Việt Nam, tôi còn muốn lưu lại những kỷ niệm của ngày đi sơ tán. Ngày đó, ba tôi chở hai chị em ra khỏi Hà Nội. Tôi không bao giờ quên cảm giác ngồi sau ba lúc đó, đi trên cầu, rồi xuống dốc bon bon ra ngoại thành, trên con đường đê lộng gió...”. Bằng cảm xúc và cảm giác về ngày thơ ấu, Phạm Sông Đông khiến Xe đạp trở nên sống động, truyền cảm, mang tính triết lý sâu sắc.

Năm 2017, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Phạm Sông Đông giành giải thưởng Biên kịch phim Hoạt hình xuất sắc nhất với phim Cậu bé Ma-nơ-canh, cũng là một kịch bản không thoại, chỉ có hình ảnh, âm thanh. Một lần nữa, sức mạnh hình ảnh được phát huy tối đa nhằm gợi mở tư duy của người sáng tác và người xem, đồng thời khai thác triệt để các chi tiết, tính khái quát, tượng trưng của ngôn ngữ hoạt hình.

 Một cảnh trong phim Cậu bé cờ lau do nhà biên kịch Phạm Sông Đông viết kịch bản.Một cảnh trong phim Cậu bé cờ lau do nhà biên kịch Phạm Sông Đông viết kịch bản.3.Con gái giống cha giàu tình cảm. Phạm Sông Đông giống ba chị ở tính cách trong trẻo, lương thiện và đặc biệt yêu trẻ thơ. Khi lấy cảm hứng hoặc chuyển thể một số truyện của ba mình như Cái ô đỏ, Sự tích hoa phượng..., Phạm Sông Đông, với “con mắt trẻ thơ” của riêng mình, đã thêm nhiều chi tiết, “bổ sung tính cách, số phận” để cỏ cây, hoa lá lên phim có đời sống riêng với đường nét, sự chuyển động... theo đúng đặc trưng của ngôn ngữ hoạt hình. Sự tích hoa phượng có độ dài 30 phút, nói về nguồn gốc của loài hoa gắn liền với tuổi học trò, đã gây ấn tượng bởi hình ảnh cây phượng khi nở hoa giống một mâm xôi gấc khổng lồ và tình cảm thầy trò thân thương ẩn dụ trong bông hoa màu đỏ được lưu giữ trong ký ức.

Luôn mong muốn đứa con tinh thần được chỉn chu nhất, Sông Đông sẵn sàng dành thời gian đồng hành ghé vai chung sức cùng đạo diễn, họa sĩ trong suốt hành trình làm phim. Thích cái mới và muốn làm những điều không giống ai, Sông Đông liên tục thay đổi thể loại, lúc là truyện cổ tích, thần thoại, lúc là phim ngắn có tính triết lý, ẩn dụ cao rồi lại quay về thần thoại, cổ tích. Ở bất cứ giai đoạn sáng tác nào, chị cũng đều chú trọng làm mới cách viết của mình. Chính vì thế, sau nhiều năm gắn bó với hoạt hình, Sông Đông đã có một phong cách riêng. Các kịch bản chị viết đều mang tính triết lý cao cùng chất trữ tình bay bổng được chuyển tải khéo léo qua ngôn ngữ giàu tính ước lệ của hoạt hình.

Gần đây, các kịch bản của Phạm Sông Đông đã được in thành sách. Năm 2014, cuốn Xe đạp và những kịch bản hoạt hình đặc sắc của chị đã được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc. Tiếp đó, năm 2017 là cuốn Sự tích hoa Phượng. Đọc các cuốn sách của Phạm Sông Đông, độc giả dù đã xem hoặc chưa xem phim đều có cơ hội tiếp xúc với những nhân vật sống động qua trang sách với ngôn ngữ giàu biểu cảm. Ý nghĩa hơn và cũng là điều làm cho chị vui nhất, đó là bằng cách này chị đã theo nghiệp cha - sáng tác cho thiếu nhi, viết về thế giới cỏ cây, hoa lá, những món đồ vô tri, và giữ trọn niềm tin về cái đẹp, sự thiện lương và lòng nhân ái.

Nhà biên kịch Phạm Sông Đông tên khai sinh là Phạm Thị Sông Thu, sinh năm 1961 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chị công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từ năm 1991, hiện đã nghỉ hưu.

Một số kịch bản tiêu biểu đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam:

Xe đạp, Xe đạp và ô tô, Cái ô đỏ, Đôi bạn, Cậu bé cờ lau, Cậu bé Ma-nơ-canh…

Vân Thảo/HNMCT

Theo http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/822576/nha-bien-kich-pham-song-dong-doi-mat-tre-tho-cua-hoat-hinh

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.
Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

(PNTĐ) - Học Viện Phong Thái Á Đông được thành lập năm 2019 dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Quỳnh Trang, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Phong thái và Khí chất dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đào tạo cho hơn 10.000 học viên và hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp trên cả nước…
Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

(PNTĐ) - Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức đoàn kiều bào về nước tham dự Lễ Giỗ Tổ; đồng thời bà con kiều bào trên toàn thế giới sẽ tổ chức ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu với chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.