Những "bóng hồng áo trắng" trong cuộc chiến chống đại dịch

Chia sẻ

“Chống chọi với Covid-19, nhân viên y tế phải trải qua vô vàn áp lực và vất vả, đặc biệt với nhân viên nữ. Nhưng hơn ai hết, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, làm việc bằng cái tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc. Không ai nghĩ rằng, mình làm là vì thành tích, để được khen thưởng” - đó là chia sẻ của điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mai Hương (khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội), và cũng là tấm lòng của nhiều nữ nhân viên y tế trong suốt thời gian chống dịch vừa qua.

Càng khó khăn, càng giữ vững quyết tâm, sự lạc quan

21 giờ ngày thứ Bảy, sau khi tranh thủ vài phút nghỉ ngơi ngắn ngủi để chia sẻ với phóng viên qua điện thoại đôi điều về công việc phòng chống dịch, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mai Hương lại cùng các chị em trong khoa cặm cụi xử lý chồng hồ sơ bệnh án của hơn 100 bệnh nhân, chuẩn bị đơn thuốc điều trị cho hôm sau… Guồng quay công việc với các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện Đống Đa dường như không lúc nào ngừng.

Dù được giao điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2, nhưng do lượng bệnh nhân tầng 3 ở Thủ đô gia tăng, từ tháng 11/2021, ngoài cơ sở ở Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã mở rộng khu vực điều trị tại khoa Truyền nhiễm trong bệnh viện và mạnh dạn điều trị vượt tầng với sự hướng dẫn của các chuyên gia để chia sẻ áp lực với các viện khác. Kíp bác sĩ được điều chuyển về đây từ chỗ chỉ có 4 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 1 hộ lý sau này do quá tải lượng bệnh nhân phải bổ sung thêm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng.

“Ở đây, nhân viên y tế không chỉ làm công việc điều trị, theo dõi sức khỏe đơn thuần mà phải “ứng phó” với không ít tình huống ngoài phạm vi chuyên môn, chẳng hạn: Tư vấn, chia sẻ với các gia đình có người thân nằm viện; tâm sự, động viên người bệnh có dấu hiệu trầm cảm khi mắc Covid-19; giám sát, xử lý tình huống khi bệnh nhân là con nghiện làm loạn trong khu cách ly… Có những trường hợp cả gia đình mắc Covid-19 nhập viện nhưng bố ở cách ly, mẹ phải chuyển tuyến vì diễn biến nặng, con còn nhỏ phải ở một mình. Những lúc ấy, nhân viên y tế làm thay công việc của người bố, người mẹ, từ dỗ dành tới chăm các cháu ăn uống, ngủ nghỉ” - điều dưỡng Mai Hương kể.

Khó khăn, vất vả, lại phải làm việc trong điều kiện, môi trường khắc nghiệt như vậy nhưng điều dưỡng Hương và đồng nghiệp luôn tự động viên nhau rằng, chỉ cần là việc có thể làm để giúp bệnh nhân thì phải làm hết sức có thể bằng cả tấm lòng, trách nhiệm người thầy thuốc chứ không phải vì thành tích hay khen thưởng. Có lẽ vì thế mà càng những lúc gian nan, khó khăn nhất, các chị càng giữ vững sự lạc quan, vui vẻ cũng như quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh. Và niềm vui, quyết tâm ấy lại được nhân lên gấp bội mỗi dịp chứng kiến bệnh nhân khỏi bệnh, khỏe mạnh ra viện.

“Còn nhớ dịp sắp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, tại khu vực điều trị Covid-19 ở khoa Truyền nhiễm có không ít bệnh nhân là người cao tuổi. Trong đó có bệnh nhân nữ 100 tuổi, khi vào viện đã rất nguy kịch, viêm phổi nặng, ngay cả người nhà cũng nghĩ khó qua khỏi và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần. Nhưng với quyết tâm “còn nước còn tát”, kíp bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực hết sức, bằng mọi cách cứu sống bệnh nhân.

Ngày bệnh nhân khỏi bệnh, chúng tôi đã cùng nhau mua một chiếc bánh sinh nhật để chúc mừng và cùng cụ bà đón tuổi thứ 101. Đó không chỉ là món quà cho người bệnh, mà cũng là món quà đặc biệt dành cho sự cố gắng của nhân viên y tế trước thềm năm mới; là động lực cho chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh để xã hội sớm quay lại trạng thái cũ, để các gia đình được quây quần, đoàn tụ bên nhau” - điều dưỡng Hương chia sẻ.

Y bác sĩ khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đống Đa chúc mừng và đón sinh nhật thứ 101 cùng bệnh nhân trong khu vực điều trị Covid-19	 Ảnh: NVCCY bác sĩ khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đống Đa chúc mừng và đón sinh nhật thứ 101 cùng bệnh nhân trong khu vực điều trị Covid-19 Ảnh: NVCC

Hy sinh việc gia đình để lo chống dịch

Cũng giống điều dưỡng Mai Hương, các nhân viên y tế cơ sở những ngày qua đã không ngừng chạy đua với thời gian để chiến đấu với dịch bệnh. Trạm y tế phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) có 9 y bác sĩ, đều là nữ, phụ trách 50.000 dân tại phường, hàng ngày làm việc từ lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà, khai báo y tế, tiêm chủng vắc-xin...
Những ngày cuối tháng 2/2022, điểm tiêm chủng nhà văn hóa của phường Định Công vẫn khá đông người tới tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3. Bên ngoài mưa, rét căm căm nhưng bên trong những giọt mồ hôi vẫn lăn dài sau lớp đồ bảo hộ của các nhân viên y tế.

Chị Trần Thị Nhàn - Trưởng trạm y tế phường Định Công, vừa khám sàng lọc, quản lý tại điểm tiêm chủng vừa kể: Đằng đẵng nhiều ngày rồi chúng tôi phải gồng mình để chống dịch. Phụ nữ còn khổ hơn vào những ngày “nhạy cảm” của kỳ nguyệt san, bụng đau, người mỏi, có lúc đứng còn không vững, chỉ mong có được 5-10 phút chợp mắt là sướng lắm.

Có hôm nhiều việc quá, tôi đã hết ca làm nhưng không thể về vì không nỡ để chị em một mình ở lại xoay xở. Đến khi xong xuôi và ngồi lại ăn với nhau một bát mì tôm, mọi người tự nhiên cảm thấy tủi thân, rồi khóc vì nhớ con lắm. Nhưng nhân lực ít, công việc nhiều, chị em chúng tôi vẫn phải cố gắng. Việc trong ngày dù có nhiều tới đâu cũng phải làm hết mới nghỉ. Bởi nếu để đến hôm sau, công việc bị dồn lại, có thể bỏ sót F0 và khiến họ không có mã số bệnh nhân. Khi đó, người bệnh không được bảo hiểm và nhà nước không giải quyết phí điều trị.

Chị Mai Thị Thanh Hợp hướng dẫn người dân tới khai báo tại trạm y tế phườngĐịnh Công	 Ảnh: T.HChị Mai Thị Thanh Hợp hướng dẫn người dân tới khai báo tại trạm y tế phường Định Công  Ảnh: T.H

Cách điểm tiêm chủng không xa là trụ sở của trạm y tế phường Định Công. Phía sau lớp kính chắn, chị Mai Thị Thanh Hợp, nhân viên của Trạm giọng khản đặc, cố gắng nói to hết sức qua lớp khẩu trang để hướng dẫn cho từng trường hợp tới khai báo y tế và lịch trình di chuyển cho người test nhanh dương tính tại nhà, rồi chỉ hướng đi tới phòng cách ly chờ xét nghiệm RT-PCR. Ở phòng khác, chuông điện thoại réo vang liên tục. Chị Hợp nhờ một sinh viên y khoa trực tại bàn tiếp dân rồi đi vào phòng, trả lời điện thoại, 3 phút sau quay lại, hướng dẫn sinh viên cách tư vấn y tế. Cạnh đó là một căn phòng với hồ sơ chất thành một chồng cao, cách vài phút lại có thêm giấy tờ mới chuyển vào để nhân viên xử lý.

Chị Hợp kể 9 người của trạm y tế đã làm việc từ hôm 30/4 đến nay, gần như không có ngày nghỉ. Từ cuối tháng 9, khối lượng công việc ở trạm y tế dần trở nên căng thẳng vì cần chia nhân lực cho tiêm chủng vắc-xin. Mỗi người phải làm việc từ 7h sáng và kết thúc khi quá nửa đêm, chỉ kịp về nhà tắm rồi đi ngủ, đến nỗi đã quên mất khái niệm ngày tháng, lễ Tết.

Người chuyên trách nhập liệu đôi khi chỉ ngủ được 2-3 tiếng một ngày, đến bữa quên ăn và không thể rời khỏi máy tính vì có quá nhiều giấy tờ, vài ngày mới về nhà một lần. Nếu số F0 tăng quá cao, người trực gần như phải thức trắng đêm sắp xếp mẫu bệnh phẩm để gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) xét nghiệm.

Không có nam giới hỗ trợ, chị em phải làm cả những công việc nặng nhọc. Đến đêm, họ thu gom rác thải y tế và chở đến khu vực tiêu hủy ở khu đô thị Linh Đàm hoặc mang vác bình oxy, các vật tư y tế để tiêm chủng. Nếu có F0 cần hỗ trợ tại nhà, kíp hai người sẽ mang theo bộ bảo hộ đến tận nơi theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ cấp cứu 115 chuyển đến bệnh viện.

“Áp lực từ công việc có thể khắc phục, nhưng buồn nhất là nhiều người dân tới trạm không hợp tác. Một số người tỏ thái độ khó chịu, phàn nàn vì phải cách ly ở nhà do liên quan F0 hoặc khi được yêu cầu tra lại ngày tháng cụ thể đã tiếp xúc F0. Một số nổi giận khi chậm có kết quả test PCR; dùng mạng xã hội phản ánh nhân viên không chăm sóc, không thăm hỏi dù đã có số điện thoại của y bác sĩ và nằm trong nhóm hỗ trợ y tế online qua zalo của trạm. Vài người báo bận, không đi tiêm khi đến lịch, rồi tự hẹn ngày đến điểm tiêm và gây náo loạn, đe dọa để được tiêm chủng...” - vừa nói, chị Hợp vừa lấy tay lau vội giọt nước mắt nghẹn ngào vì tủi thân.

Chị Hợp chia sẻ thêm rằng, các nữ nhân viên trong trạm đều có hoàn cảnh gia đình riêng. Con thứ 2 của chị Hợp mới 14 tháng tuổi đã phải tách mẹ. Một nhân viên khác nhà ở Long Biên, mỗi ngày đều cố gắng đi hơn chục cây số để về nhà. Nhân viên nhập liệu thường ngày 2-3h sáng mới xong việc, có chồng mắc bệnh mạn tính phải đi viện quanh năm nhưng vẫn hy sinh việc gia đình để lo chống dịch. Hay như chị Nhàn không về nhà ít nhất một tháng. Nhưng tất cả các chị đều vẫn thầm nhủ phải cố gắng hết mình để hoàn thành trách nhiệm được giao phó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt qua.

“Khó mà nói hết những vất vả của nhân viên y tế trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành. Có người đã phải bỏ việc vì thực ra quá vất vả, trong khi nhiều người không hiểu còn trách móc nên sinh chán nản.

Nhưng đó chỉ là số ít, bởi đa phần khi đã xác định theo nghề y là dấn thân, là làm vì yêu nghề. Cũng may chúng tôi được gia đình thông cảm, động viên. Mong muốn mỗi gia đình được đoàn tụ, xã hội bình an là động lực để từng nhân viên y tế có thêm động lực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam go này” -Trưởng trạm y tế phường Định Công Trần Thị Nhàn bày tỏ.

 THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.