NSƯT Phạm Bằng: Cuộc đời không phải vở kịch hài

Chia sẻ

Tôi đến thăm, dù mệt, ông vẫn có những chia sẻ đầy tâm huyết về nghề : “Trên sân khấu, người nghệ sĩ diễn hài giỏi nhưng ngoài đời là cuộc sống, không thể đem sân khấu ra đời thực”.

 
NSƯT Phạm Bằng: Cuộc đời không phải vở kịch hài - ảnh 1
NSƯT Phạm Bằng (giữa) cùng nghệ sĩ Kim Xuyến và Công Lý
trong một tiểu phẩm hài
 
PV: Xin chào NSƯT Phạm Bằng, sức khỏe ông dạo này đã khá hơn chưa?

- NSƯT Phạm Bằng: Năm vừa rồi tôi phải nằm viện mất 4 tháng, mổ hai lần, đến giờ cũng đã ổn định nhưng đôi khi di chứng vẫn làm mình khó chịu. Thế nên tôi cũng hạn chế đi diễn.

- Và đó là lý do khiến ông vắng bóng trên cả sân khấu kịch và màn ảnh?

- Cả năm qua tôi cũng chỉ cộng tác với Công ty nghe nhìn Thăng Long làm một đĩa hài với tiểu phẩm “Cụ tổ hiển linh”. Còn chương trình Thư giãn cuối tuần, tôi đã cộng tác cùng ê-kip của đạo diễn, NSND Khải Hưng 7 năm, đóng cặp với “hội” Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh. Khi dừng lại chúng tôi cũng tiếc lắm, nhưng đúng là không còn vấn đề gì để khai thác nữa. Nhưng không có nghĩa là chất hài trong nghệ sĩ chúng tôi đã cạn. Nếu bây giờ có những nhân vật mới, cách khai thác mới và được các đạo diễn mời, tôi vẫn tham gia.

-  Ông thấy lớp diễn viên hài trẻ hiện nay ra sao?

- Tôi thấy có nhiều diễn viên trẻ cứ diễn đi diễn lại những dạng vai na ná như nhau, xem xong chả nhớ, chả phân biệt được phim nào với phim nào. Tôi cho đó là đi vào đường mòn, như vậy anh cũng không thể sáng tạo làm mới được bản thân. Một bộ phận diễn viên trẻ hiện nay rất thiếu sự sáng tạo và cả độ nhẫn nại để nghĩ. Bây giờ các đạo diễn thường làm phim dài tập, 30, 40 thậm chí lên tới 70 tập nhưng diễn viên mải chạy “sô”, có khi kịch bản còn chả đọc hết thì làm sao diễn nổi. Nhưng cũng không phải tất cả các diễn viên trẻ đều vậy. Vẫn có những người chịu học, chịu khó nghiên cứu. Tôi cho đó là điều nên hướng tới. Một khi anh đã có năng lực thì khi anh thể hiện ra với công chúng bằng tâm huyết nghề nghiệp, nó sẽ trở thành những giá trị được mọi người ghi nhận.

- Quả thực nếu ông không chia sẻ thì có lẽ cũng không nhiều người biết ông đã từng diễn chính kịch, bởi hầu như không bao giờ thấy ông xuất hiện ở “mảng” này!

- Thực ra quan niệm của những người làm chính kịch thường ngại khi mời anh em hài vào đóng lẫn vì sợ gây cười. Cứ giả dụ thế này thôi, bây giờ tôi bước ra sân khấu, nhưng chỉ nhìn thấy họ đã cười, chưa biết nếp tẻ thế nào. Nhưng khi ấy tôi lại đóng một vai bi kịch. Như thế đạo diễn ngại là phải. Họ ngại sự phá cách ngược kiểu ấy. Vì thế bao năm nay, tôi làm hài là chủ yếu. Các đạo diễn cũng chẳng mời tôi đóng chính kịch. Cho dù tôi có nói là tôi đủ khả năng để khống chế vai diễn thì họ vẫn cứ ngại.

- Nhiều nghệ sĩ, chất hài hiện cả ở ngoài đời, nhưng để ý thấy ông không vậy?

- Tôi quan niệm rằng, vai diễn là cuộc sống của nhân vật trên sân khấu còn ngoài đời, người nghệ sĩ phải sống thật với đời thực. Chính vợ tôi là người đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều để rút ra điều này. Tôi nhớ có lần về nhà, tôi cũng đem cái hài để trêu vợ nhưng bà ấy nghiêm mặt bảo rằng “ông diễn ở đâu thì diễn, về nhà thì đừng diễn”. Lúc ấy tôi hiểu rằng, không thể đánh đồng hai cuộc sống. Càng sau này ngẫm ra tôi càng thấy đúng. Nếu anh không rạch ròi giữa sân khấu và đời sống thì chắc chắn, cuộc sống với anh không thể vui vẻ được.

- Hiện nay đang có một xu hướng các đạo diễn thường mời ca sĩ, người mẫu tham gia các tiểu phẩm hài để thêm gia vị mới. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Theo tôi đó cũng là điều nên làm nhưng cần phải chọn lọc, thử thách. Không thể vì cô ca sĩ kia hát hay quá, nhiều người hâm mộ mà mời đóng. Hay cô người mẫu ấy đẹp quá mà chọn tham gia. Cần phải thử vai. Dù gì đi chăng nữa, diễn xuất vẫn phải là trung tâm. Tất nhiên đẹp là quý nhưng phải song song với khả năng diễn xuất. Khi hai yếu tố ấy quyện vào nhau thì sẽ như diều gặp gió. Chứ đẹp mà không có khả năng diễn xuất thì cũng chẳng để làm gì.

- Xin cảm ơn NSƯT Phạm Bằng.

Theo ANTĐ

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.