Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.

Bà Sheikh Hasina được bầu làm Thủ tướng Bangladesh lần đầu vào năm 1996, song đã không thể tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2001. Phải đến năm 2009 bà mới tái đắc cử và đã lãnh đạo đất nước 170 triệu dân này thêm 3 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ đó đến nay. Nếu tính nhiệm kỳ sắp bắt đầu của bà Hasina sẽ là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp và là nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc đời bà.

Trên cương vị của mình, bà Hasina đã kêu gọi người dân thể hiện niềm tin vào tiến trình dân chủ. Bà nói: “Đất nước của chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và độc lập... Tôi đang cố gắng để đảm bảo rằng nền dân chủ sẽ tiếp tục ở đất nước này. Không có dân chủ, bạn không thể tạo ra bất kỳ sự phát triển nào”.

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới - ảnh 1
Bà Sheikh Hasina bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Int

Với năng lực và tầm nhìn của mình, bà đã đưa Bangladesh từ việc phải chật vật để nuôi sống người dân, trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn với GDP tăng từ 71 tỷ USD năm 2006 lên 460 tỷ USD vào năm 2022.

Trong các nhiệm kỳ của mình, bà đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Hàng loạt các chính sách đã được đưa ra, các cơ sở giáo dục được xây mới và nâng cấp..., kết quả là 98% trẻ em gái ngày nay được học tiểu học và có khoảng 4 triệu học sinh từ lớp 1 đến đại học tại nước này được nhận học bổng thường xuyên.

Bên cạnh đó, các chỉ số xã hội cũng được cải thiện khi bà đã thúc đẩy mạnh mẽ chính phủ trong việc xây dựng mới 9 vạn ngôi nhà làm chỗ ở cho những người vô gia cư. Theo các dữ liệu được công bố, tổng cộng có 91 vạn người, bao gồm góa phụ, người ly hôn, người già và người khuyết tật... đang được hưởng trợ cấp xã hội. Bà cũng thúc đẩy áp dụng chế độ nghỉ thai sản cho phụ nữ trong độ tuổi lao động tăng từ 4 tháng lên 6 tháng.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, bà Sheikh Hasina cũng đã đưa Bangladesh bắt kịp nhanh chóng với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 khi quốc gia này trong thập kỷ qua đã ghi nhận "sự trỗi dậy" của hơn 1 triệu doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo ra việc làm cho hàng triệu người dân. Bangladesh hiện trở thành một "quốc gia kỹ thuật số", lợi ích của Internet và công nghệ thông tin đã đến với từng ngôi làng. Đặc biệt, có khoảng 5 triệu nông dân, công nhân và người lao động Bangladesh bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đại dịch Covid-19 đã nhận được tiền hỗ trợ thông qua hệ thống số hóa.

Bà Sheikh Hasina luôn tâm niệm: "Sự phát triển của đất nước Bangladesh, trong đó người dân không còn chịu cảnh đói nghèo phải là mục tiêu chính". Nhằm thực hiện các cam kết với những cử tri luôn ủng hộ mình, bà đã coi việc bảo đảm cho người dân Bangladesh có một cuộc sống tốt đẹp hơn là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của mình. Để bắt kịp thế giới trong kỷ nguyên số, bà Sheikh Hasina nhấn mạnh mục tiêu xây dựng chính phủ, nền kinh tế và xã hội thông minh vào năm 2041.

Các thành tựu của bà dành cho đất nước đã được quốc tế ghi nhận. Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2019, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khi đó đã nhận định Bangladesh là “hình mẫu của sự phát triển”. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn dành sự đánh giá cao đối với các đề xuất giảm thiểu biến đổi khí hậu do bà Sheikh Hasina đưa ra tại Liên hợp quốc.

Với tầm nhìn, nhiệt huyết, cùng sự nỗ lực của mình, bà Sheikh Hasina được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, đứng thứ 26 trong danh sách "Những phụ nữ quyền lực của thế giới" vào năm 2018 của tạp chí Forbes. Bà cũng được vinh danh trong danh sách "100 nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu" của thập kỷ hiện tại do tạp chí Foreign Policy (Mỹ) bình chọn.

Bà Sheikh Hasina còn là thành viên của Hội đồng các nhà lãnh đạo thế giới là phụ nữ - một mạng lưới quốc tế gồm các nữ tổng thống - thủ tướng đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.