SOS: Hỏa hoạn tại các nhà ống không lối thoát hiểm

Chia sẻ

Liên tiếp chỉ trong 5 ngày, tại Hà Nội và TP HCM đã xảy ra 2 vụ cháy nhà ống khiến 10 người tử vong, trong đó có 1 phụ nữ mang thai. Đây là thực tế đau xót về an toàn cháy nổ, đặc biệt đối với các nhà có thiết kế hình ống, không có lối thoát hiểm.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội khiến 4 người trong 1 gia đình tử vongHiện trường vụ hỏa hoạn tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội khiến 4 người trong 1 gia đình tử vong

Bạn học mang hoa hồng trắng tiễn biệt bé gái 10 tuổi tử vong trong vụ cháy kinh hoàng ở Hà NộiBạn học mang hoa hồng trắng tiễn biệt bé gái 10 tuổi tử vong trong vụ cháy kinh hoàng ở Hà Nội

Những bông hồng trắng tiễn đưa bạn học

Rạng sáng 4/4, một vụ hoả hoạn khiến bốn người trong một gia đình tử vong xảy ra tại số nhà 311 Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Các nạn nhân gồm: ông Nguyễn Thạc T (SN 1940, bố anh V); chị Nguyễn Ánh H (SN 1981, đang mang thai khoảng 3 tháng tuổi), là con gái của ông T. Anh Đinh Hùng V (SN 1983, là chồng của chị H); cháu Đinh Hà T.M (SN 2011, con gái của chị H và anh V).

Anh Q, người thân của gia đình nạn nhân cho biết, rạng sáng 4/4, anh bất ngờ nhận được thông tin về vụ hoả hoạn. Vô cùng lo sợ, anh đến ngay hiện trường. Tuy nhiên, khi đến nơi, ngọn lửa đã bao trùm khắp căn nhà. Bốn người mắc kẹt trong căn nhà không còn lối thoát ra ngoài. Hơn 10 chiếc xe cứu hoả nỗ lực dập lửa cũng không thể dập tắt được đám cháy đang ngùn ngụt bốc lên. “Nhìn thấy người thân gặp nguy hiểm mà tôi không thể cứu được, lửa quá to, ngôi nhà xây kiên cố, chuồng cọp lại không có lối thoát hiểm" - anh Q nghẹn ngào.

Theo thông tin từ UBND quận Đống Đa, đây là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, mặt tiền rộng khoảng 3,2m, nhà có lối vào duy nhất là cửa chính. Ngôi nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa…). Các mặt hàng xếp trên các kệ tủ hàng ở tầng 1. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum cũng chứa hàng và là nơi sinh hoạt của gia đình. Khoảng 0h25 phút, lực lượng chức năng nhận được thông tin báo cháy, ngay lập tức, các đội cứu hoả đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, đến 3h40 phút, đám cháy mới được khống chế. Hơn 1h sau, đội cứu hoả mới tìm thấy cả gia đình ở tầng tum của toà nhà. Như vậy, dù là nhà ở mặt phố lớn, xe cứu hoả, các phương tiện, lực lượng cứu hộ cứu nạn khá dễ dàng triển khai công tác cứu hộ, thế nhưng cũng phải mất hơn 2h mới dập tắt được đám cháy.

Bà Dương Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Hàng Bột, quận Đống Đa cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cán bộ, hội viên phụ nữ phường và quận đã tổ chức xuống thăm hỏi gia đình, đồng thời, hỗ trợ kinh phí để gia đình tổ chức ma chay cho các nạn nhân xấu số. Đây là một vụ việc vô cùng đau lòng. Trước đó, chúng tôi phối hợp với công an liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng chống cháy nổ tại các gia đình, đặc biệt là việc tạo ra các hệ thống thoát hiểm trong các nhà dân. Nhiều chị em còn mua bình chữa cháy đặt tại nhà. Sau vụ việc, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền nhiều hơn nữa, chú trọng đến những hộ kinh doanh trên địa bàn.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/4, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Giám đốc các Sở, ngành, Công an TP Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Chủ tịch UBND quận Đống Đa về việc khẩn trương khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo: Giao Công an TP chủ trì phối hợp với UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan, hỗ trợ, thăm hỏi gia đình nạn nhân, đảm bảo kịp thời theo quy định. Sở Y tế, Công an TP và UBND quận Đống Đa theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo vệ sinh, môi trường tại khu vực xảy ra cháy và hồ sơ liên quan đến các nạn nhân.

Ẩn hoạ cháy nổ khôn lường từ nhà ống mặt đất

Trước khi vụ việc thương tâm này xảy ra, báo chí đã từng thông tin không ít vụ cháy xảy ra trên khắp cả nước, nhất là các đô thị mà hiện trường là công trình chỉ có một lối ra, vào. Vào ngày 30/3/2021, dư luận còn chưa hết bàng hoàng về vụ hỏa hoạn xảy ra tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khiến 6 người trong một gia đình tử vong thương tâm. Căn nhà được lợp mái tôn kẽm bít bùng, bốn bức tường xi măng vây lại, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng lại bị 5 chiếc xe máy chắn ngang. Khi ngọn lửa bùng lên, 6 người trong gia đình đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn và bị ngạt khói, dẫn đến tử vong. Người duy nhất sống sót nằm ngủ bên ngoài cũng bị bỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân.

Điều đau lòng là trong những vụ cháy khủng khiếp này, nhiều người dân quanh nhà các nạn nhân đều bất lực trước việc cứu người ra khỏi biển lửa. Bởi cửa chính ngôi nhà bị nhiều lớp cửa khoá chặt, toàn bộ mặt tiền và các tầng được hàn khung lồng thép hoặc tường bao kiên cố, người ngoài không thể vào được.

Ths. Kiến trúc sư Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kiến trúc và xây dựng HTA cho biết, đặc điểm của các dạng nhà ống là một mặt tiền phía trước tiếp xúc được với đường giao thông bên ngoài, lấy ánh sáng chủ yếu của ngôi nhà. Các mặt còn lại đều là tường kín xây tiếp giáp với các nhà xung quanh. Hầu hết các gia đình đều tận dụng lối ra đó để kinh doanh buôn bán, hoặc bị bịt kín bởi các loại xe máy, vật dụng dễ cháy nổ. Vụ việc xảy ra lại chủ yếu vào ban đêm, khi mọi người đang ngủ. Các nạn nhân có mặt trong nhà khi cháy nổ xảy ra không thể thoát ra ngoài.

“Nguyên nhân gây ra cháy và tử vong chủ yếu không có lối thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra. Lối thoát duy nhất là cửa chính đều có vật cản, như cửa chính ở tầng 1 bị khoá, hệ thống biển quảng cáo phục vụ nhu cầu kinh doanh ở tầng 2,3 hoặc bị vướng cản bởi vật liệu dễ cháy hay các phương tiện giao thông như xe máy có chất dễ cháy nổ ở phía cửa” - ThS.KTS Hoàng Văn Tuấn nhận định.

Theo KTS Tuấn, đa số các vụ cháy nổ chủ yếu là do chập điện. Điều này cho thấy hệ thống điện trong nhà ở có thể bị quá tải hoặc bị xuống cấp trong một thời gian sử dụng lâu dài mà người sử dụng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề bảo hành hoặc thay thế. Do đó, khi thiết kế không gian trong nhà, người dân phải tính đến bài toán thoát hiểm khi có sự cố ở từng phòng, từng tầng của công trình, như bố trí lối thoát hiểm phía trước nhà hoặc kết hợp với hệ thống giếng trời trong nhà để thoát hiểm lên mái và có thể di chuyển qua mái nhà hàng xóm xung quanh. Khi treo biển quảng cáo phía trước phải tính đến việc thoát hiểm, không làm biển quảng cáo che lấp lối di chuyển để thoát hiểm ra phía trước. Khi xây dựng nhà ở và kinh doanh, người dân cần hạn chế sử dụng những vật liệu dễ cháy nổ nếu thật sự không cần thiết. Cửa mặt tiền nên sử dụng những loại vật liệu chống cháy. Bản lề cửa lắp những lại bản lề dễ mở ở phía trong khi có sự cố xảy ra. Bố trí thiết kế hệ thống phòng cháy cục bộ khi xảy ra hỏa hoạn như bình chữa cháy… ở các tầng. Việc bố trí nội thất bên trong căn nhà không được để các vật cản hạn chế lối di chuyển…

“Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra, vào như phần lớn nhà có kiến trúc dạng ống hiện nay. Nếu sử dụng khung sắt để chống trộm đột nhập, cũng cần để một khoảng đóng mở được. Khi thiết kế, cần có giếng trời tạo thông thoáng trong sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng là nơi để khói, hơi độc phát tán khi xảy cháy… Chủ sử dụng nên có sẵn phương án thoát hiểm khi gặp sự cố để có thể tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng có mặt"- KTS Tuấn khuyến cáo.

TS Vũ Thu Hương, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Cá Siêu Quậy nhận định, đối với các nhà ống đang khá phổ biến hiện nay, việc phòng chống cháy nổ vô cùng quan trọng. Thực tế, cháu T.M và gia đình luôn có ý thức về việc phòng chống cháy nổ, học kỹ năng thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra. Tuy nhiên, căn nhà chứa nhiều bỉm, sữa, các vật liệu dễ cháy, nên khi cháy xảy ra, cả gia đình không thể thoát ra ngoài. Do đó, trong trường hợp này, bên cạnh việc học các kỹ năng thoát hiểm, việc thiết kế căn nhà là vô cùng cần thiết. Như các nhà luôn phải để thoáng lối ban công ra đường, khi có hoả hoạn xảy ra, đó sẽ là nơi thoát hiểm quý giá.

“Bạn tôi có gửi các hình ảnh chấn song cửa sổ quá chắc chắn, bằng thép kín… Điều này phòng trộm tốt nhưng cản trở việc thoát hiểm khi gặp sự cố. Tốt nhất, chúng ta hãy làm chấn song nhưng mở được và có khoá, khi cần thiết có thể đập ổ quá để thoát ra dễ dàng” – TS Vũ Thu Hương nhận định.

Để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy và lối thoát hiểm tại các nhà ống mặt đất, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, lồng ghép quy định khi xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giải pháp thoát hiểm hoặc nhắc nhở chủ công trình lưu tâm thực hiện.

Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.