Mất cân bằng giới tính khi sinh:

Thách thức lớn từ việc chuộng con trai

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) -5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), trong đó vùng đồng bằng sông Hồng là khu vực xảy ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao nhất. MCBGTKS xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với chất lượng dân số cũng như sự phát triển xã hội nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó sớm.

Thách thức lớn từ việc chuộng con trai - ảnh 1
Tâm lý chuộng con trai là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính trầm trọng khi sinh Ảnh: Minh họa

Mất cân bằng giới tính vẫn còn diễn biến phức tạp
Tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) có xu hướng lan rộng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, TSGTKS là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1. Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, 21/63 tỉnh có TSGTKS từ 112 trở lên, 18/63 tỉnh có TSGTKS từ 109-112 và 24/63 tỉnh có TSGTKS dưới 109.

Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng MCBGTKS ở mức cao với 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt trong đó có 5 quận, huyện ở mức rất cao, trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Ba Đình, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín.

Hệ lụy của tình trạng MCBGTKS là rất lớn. Những cảnh báo từ hệ lụy của MCBGTKS đã được cảnh báo từ thực trạng của các nước đã trải qua tình trạng này như: Dư thừa nam giới, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực giới, bất bình đẳng…

Nghiên cứu "Có con trai và giữ gia đình quy mô nhỏ: Thách thức lớn đối với gia đình Việt Nam" cho thấy nguyên nhân làm nảy sinh và củng cố tâm lý ưa thích con trai chính là chế độ phụ hệ. Tâm lý ưa thích con trai bắt nguồn từ những quy tắc của chế độ phụ hệ và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt mà hiện nay vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở phía Bắc. Theo những quy tắc đó, con trai có vai trò và trách nhiệm tiếp nối dòng dõi gia đình, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già, duy trì tài sản và tiếp tục sự nghiệp của gia đình.

Đặc biệt MCBGTKS sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt phụ nữ và gây tác động lớn đến xã hội. Cụ thể, sự thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi hôn nhân sẽ có tác động làm cho việc tìm người bạn đời của đa số nam giới gặp khó khăn hơn. Do đó, nhiều người sẽ kết hôn muộn hơn và yếu tố này làm tăng tỷ lệ nam giới chưa lập gia đình trong xã hội tăng lên. Tuy nhiên, số nam giới không có khả năng lập được gia đình thường chủ yếu rơi vào nhóm người nghèo. Do đó, mâu thuẫn xã hội giữa nhóm người nghèo và các nhóm khá giả hơn trong xã hội sẽ tăng lên. Đây là nguy cơ tiềm tàng của những xung đột xã hội. Mất cân bằng giới tính cũng có tác động mạnh mẽ tới phụ nữ như: Tăng sức ép lấy chồng sớm, thời gian học hành và tham gia lực lượng lao động của phụ nữ sẽ có xu hướng bị rút ngắn lại. Yếu tố này làm gia tăng sự bất bình đẳng giới.

Cùng với đó, sự thiếu hụt phụ nữ ngày càng trầm trọng sẽ làm tăng nhu cầu mại dâm và thúc đẩy sự phát triển của các mạng lưới bắt cóc và buôn bán phụ nữ. Do đó, trật tự và an toàn xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tỷ trọng phụ nữ trong dân số giảm sẽ có tác động làm cho tiếng nói chính trị của phụ nữ bị giảm trọng lượng trong các quyết định về các chính sách công.

chuộng con trai: Thách thức lớn trong công tác kiểm soát MCBGTKS
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng MCBGTKS vẫn diễn biến phức tạp và tồn tại dai dẳng trong xã hội xuất phát từ tâm lý ưa chuộng con trai của đa số gia đình Việt. Thừa nhận thực trạng này, ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho rằng: Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam hơn nữ, mô hình gia đình truyền thống, trong đó coi trọng việc có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là giá trị nền tảng. Việc lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn xảy ra trong khi việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả.

Nguyên nhân bên cạnh, theo ông Mai Xuân Phương, trong thời gian qua, nhiều địa phương chưa thể triển khai toàn diện và đầy đủ các nhiệm vụ của Đề án Kiểm soát MCBGTKS, một số nhóm hoạt động trọng điểm được đưa vào triển khai thí điểm nhưng sau đó không có đủ tiềm lực để chú trọng duy trì và phát triển trong những năm tiếp theo. Công tác điều hành, chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã và sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện còn hạn chế do bất cập trong nguồn nhân lực và kinh phí phân bổ hàng năm. 

Theo nghiên cứu "Có con trai và giữ gia đình quy mô nhỏ: Thách thức lớn đối với gia đình Việt Nam" thực hiện tại địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ngãi và Cần Thơ của Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, thì chính áp lực vừa có ít con vừa phải có con trai dẫn đến lựa chọn giới tính. Trong bối cảnh mức sinh giảm và những thay đổi kinh tế-xã hội trong những thập kỷ gần đây, quy mô gia đình nhỏ đã trở thành một chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cách tổ chức gia đình vẫn chủ yếu tuân theo các quy tắc của chế độ phụ hệ. Vai trò của con trai và con gái hầu như không thay đổi. Vì thế các gia đình cố gắng thu xếp để đạt được cả hai mục đích: Có ít con và có con trai. Đạt được cả hai mục đích cùng một lúc có nghĩa là thành công. Giờ đây con trai không chỉ gắn liền với những vai trò trông đợi truyền thống mà còn là biểu tượng của sự thành công.

Đối với ông bà nội, ngoại, đứa cháu trai là bằng chứng về phúc đức của gia đình cả hai bên. Do đó, không ít trường hợp họ can thiệp khá sâu vào quyết định sinh đẻ của cặp vợ chồng. Đối với người đàn ông, đứa con trai khẳng định nam tính, sự thành đạt và là minh chứng về lòng hiếu thảo của anh ta với cha mẹ và tổ tiên. Tuy nhiên, phụ nữ mới chính là người phải chịu nhiều tầng áp lực nhất. Giá trị của họ giờ đây được đo bằng khả năng biết đẻ con trai. Những cố gắng của họ để làm tròn trách nhiệm với gia đình nhà chồng chỉ được thừa nhận nếu họ sinh được con trai. Vị thế của họ có thể sẽ bị đe dọa nếu họ chỉ sinh toàn con gái. Vì thế trong một số trường hợp, phụ nữ lại là người quyết tâm nhất để sinh bằng được con trai.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, dưới những áp lực như vậy, nhiều gia đình đã xây dựng các chiến lược để sinh bằng được con trai. Các biện pháp truyền thống và hiện đại đều được áp dụng. Tuy nhiên, công nghệ siêu âm mới thực sự là cứu cánh cho những người quyết tâm phải thành công: Có ít con và có con trai. Vì thế, các chiến lược sinh đẻ, kể cả công nghệ có thể đã được áp dụng để đảm bảo thành công ngay từ lần sinh thứ nhất và để giải tỏa tâm lý cho cả gia đình đối với lần sinh thứ hai. Nếu đứa con đầu lòng là con gái thì một kế hoạch chi tiết bao gồm cả chế độ dinh dưỡng, thuốc men, theo dõi chu kỳ rụng trứng, thời điểm và tư thế giao hợp sẽ được áp dụng cho lần mang thai thứ hai. Sau đó là siêu âm nhiều lần và quyết định giữ thai hay chấm dứt mang thai tùy theo giới tính của thai nhi và tùy theo mức độ áp lực trong gia đình.  

Giải pháp ứng phó
Từ những hệ lụy ấy, theo ông Mai Xuân Phương, chúng ta đã có những chính sách để kiểm soát MCBGTKS. Cụ thể, ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên. Sau 5 năm triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, đến nay đã có 62/63 tỉnh, thành phố có Đề án hoặc kế hoạch thực hiện Đề án. Các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án được tổ chức thực hiện tại hơn 669 huyện, thị xã và 9.558 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2020, TSGTKS là 112,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, đạt chỉ tiêu của Đề án giai đoạn 2016-2020 là TSGTKS ở dưới mức 115.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2030 theo mục tiêu được xác định tại Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, như sau: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, Đề án xác định các nhóm giải pháp trọng tâm cần được đẩy mạnh thực hiện tại các tỉnh, thành phố theo nhóm TSGTKS.

Còn theo ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, một trong những biện pháp cốt lõi để hạn chế tối đa sự gia tăng MCBGTKS là cần tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới, nâng cao quyền của phụ nữ. Cùng với đó là đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.