Việt Nam cần khoảng 9 tỷ USD để giảm ô nhiễm nhựa
(PNTĐ) - Báo cáo tại Hội thảo Nhóm công tác triển khai NPAP Việt Nam lần thứ sáu do Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức cho biết, Việt Nam liên tục nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về rò rỉ rác thải nhựa.
Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Nhóm công tác triển khai NPAP Việt Nam lần thứ sáu do Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức. Đại diện Công ty kiểm toán KPMG dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp hàng đầu thế giới vào ô nhiễm nhựa đại dương khi liên tục nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về rò rỉ rác thải nhựa.
Theo ước tính của WB, năm 2018, Việt Nam thải khoảng 3,7 triệu tấn rác nhựa, dự báo đến 2030 con số này là 7,6 triệu tấn. Chỉ có 0,4 triệu tấn trong số này được tái chế, trong khi hầu hết nhựa bị đốt cháy, đổ hoặc chôn lấp.

Để đạt được các mục tiêu giảm nhựa như giảm hơn 43% nhựa rò rỉ vào năm 2030 và đạt mức giảm 75% rác thải nhựa ra biển, theo ước tính của KPMG, Việt Nam cần nguồn tài chính khoảng 8-9 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong đó, 2-2,5 tỷ USD phục vụ việc giảm, thay thế nhựa ở đầu nguồn; 1,4-2 tỷ USD cho thu thập, phân loại; 2,8-3,4 tỷ USD cho tái chế; khoảng 1 tỷ USD cho các biện pháp can thiệp; 700-900 triệu USD cho biện pháp xử lý cuối cùng.
Nhóm nghiên cứu nhận định, sau khi trừ đi các khoản đóng góp từ Chính phủ, hợp tác đa phương, song phương, doanh nghiệp tư nhân thì nguồn tiền thiếu hụt khoảng 6-7 tỷ USD.
Để có nguồn bổ sung, nhóm chuyên gia đưa ra 6 khuyến nghị cho Việt Nam, trước hết là cải cách và tối ưu hóa khung trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất; tăng cường tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng; thúc đẩy đầu tư cho đổi mới trong nhựa tái chế và nhựa thay thế; chính thức hóa và hỗ trợ khu vực phi chính thức; thiết lập hệ sinh thái tái chế có thể mở rộng thông qua các cụm công nghiệp và tăng cường quản lý chất thải đô thị và nông thôn.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam và Phó Trưởng Nhóm Công tác đánh giá, nếu như mười năm trước, Việt Nam thường được xếp vào nhóm các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới thì ngày nay câu chuyện đó đang thay đổi, không phải vì vấn đề đã được giải quyết hoàn toàn, mà vì Việt Nam đang có những bước đi thực chất và đo lường được để giải quyết vấn đề.
"Chuyển đổi sang một mối quan hệ đối tác thực sự bền vững sẽ cần thời gian. Điều này đòi hỏi hệ thống vận hành hiệu quả, sự dẫn dắt tích cực ở cấp quốc gia, và nguồn tài chính ổn định. Dẫu vậy, điều này là hoàn toàn khả thi nếu tất cả các bên cùng chia sẻ trách nhiệm và duy trì hợp tác", bà Ramla Khalidi nói.

Trong diễn biến liên quan, Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) đã chính thức ra mắt Nhóm kỹ thuật chính sách NPAP. Đây là một cơ chế được thiết kế thúc đẩy tính thống nhất giữa các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hành động về nhựa và tính tuần hoàn. Nhóm quy tụ 15 thành viên là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đối tác phát triển.
Trưởng Nhóm kỹ thuật chính sách NPAP Việt Nam - ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, cho biết trong thời gian tới, nhóm sẽ hoạt động chặt chẽ với hai Nhóm kỹ thuật hiện hành của NPAP (Đổi mới sáng tạo và Tài chính, và Bình đẳng giới và Bao trùm xã hội), nhằm củng cố cách tiếp cận tích hợp và toàn diện để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Hoạt động của nhóm nhằm củng cố nền tảng chính sách cần thiết cho những thay đổi dài hạn, mang tính hệ thống và đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, NPAP Việt Nam đã kết nối hơn 200 tổ chức và hỗ trợ trên 160 dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này cũng đã thúc đẩy hơn 570 giải pháp sáng tạo, huy động tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD.