Xuất hiện nhiều sản phẩm chứa ma túy thế hệ mới
(PNTĐ) - Núp bóng dưới dạng trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây, kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi... ma túy thế hệ mới đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, tấn công giới trẻ, để lại hệ lụy nguy hiểm lâu dài.
“Kẹo lạ” gây ngộ độc, thuốc lá điện tử chứa ma túy bán công khai
Vụ việc 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn một loại “kẹo lạ” được bán ở ngoài cổng trường học xảy ra ngày 29/11 đã khiến dư luận một lần nữa hoang mang lo lắng. Nhất là trong bối cảnh, nhiều thông tin trên mạng xã hội lan truyền về sự xuất hiện của nhiều loại “kẹo lạ” chứa ma túy được đóng gói trong bao bì in tiếng nước ngoài, nhưng không có nguồn gốc xuất xứ. Tiếp đó, ngày 30/11, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hoá phối hợp cùng Đội cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Thanh Hóa) khám nơi cất giấu hàng hóa của ông Ninh Văn Tuấn (xã Long Anh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi kiểm tra đã phát hiện 16 loại bánh, kẹo (gồm 24.280 gói kẹo, bánh các loại và 90kg kẹo cân hoa quả) trên nhãn có chữ viết bằng tiếng nước ngoài, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đặc biệt qua test nhanh có một số loại kẹo dương tính với chất ma túy.
Theo lực lượng chức năng, ma túy thế hệ mới thường “núp bóng” trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc "nước dâu", "nước vui", cà-phê "White Coffe", "CHALI"... được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Số sản phẩm này được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, pub… Đáng báo động, các đối tượng còn bán tại các trường học nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy...
Năm 2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04, Bộ Công an) đã phát hiện nhiều bài quảng cáo và rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy trên các trang mạng xã hội. Mới đây, Cục C04 đã triệt phá thành công vụ án ma tuý lớn, do đối tượng Lê Anh Thơ, 28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cầm đầu. Thơ lên mạng tìm kiếm công thức, sau đó qua mạng xã hội liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội. Các đối tượng thực hiện pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi, sau đó, dán các nhãn thuốc lá điện tử Ampire chill và thuốc lá điếu Dominix. Sau khi cho ra điếu thuốc thành phẩm, các đối tượng đăng bài quảng cáo, livetream bán trên mạng xã hội với giá rẻ để thu hút khách hàng.
Ngoài thuốc lá điện tử chứa chất ma túy, Cục C04 cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây sản xuất ma túy thông qua việc pha chế, đóng gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi), trú tại TP Hồ Chí Minh cầm đầu. Hoài từng làm nghề DJ ở nước ngoài. Nhận thấy mặt hàng “nước vui” là siêu lợi nhuận, Hoài đã về nước tổ chức sản xuất "nước vui" và hàng cấm.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, các đối tượng thường dùng “nước vui” sau mỗi cuộc liên hoan, sinh nhật khi đã có rượu, bia theo “công thức” gói 6 hoặc gói 10 (tương ứng với 6 hoặc 10 người).
Thuốc lá điện tử chứa ma túy: Vấn nạn của học đường
Thực tế cho thấy, vì lợi nhuận, các đối tượng đã không từ các thủ đoạn để đưa ma túy xâm nhập vào đời sống, nhất là thủ đoạn “tấn công” đối tượng học sinh bằng thuốc lá điện tử thế hệ mới (có chứa ma túy). Ở lứa tuổi tò mò, thích khám phá, thể hiện bản thân, các em dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng thuốc lá điện tử. Điều này đã trở thành vấn nạn học đường thời gian gần đây, khiến nhiều trường học vất vả trong “cuộc chiến” phòng, chống thuốc lá điện tử.
Theo Điều tra của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ học sinh Việt Nam sử dụng thuốc lá điện tử tăng liên tục trong các năm qua với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13-17 tại 34 tỉnh, thành. Năm 2019, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là 2,6%, năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 3,5%.
Một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống của phụ huynh học sinh và giáo viên khi nghi ngờ và phát hiện con em và học sinh của mình cho thấy, có 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. 29,5% phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát biết một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Chỉ khoảng 13% phụ huynh và giáo viên biết rõ; 25% biết khá rõ về ma túy.
Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Việc nhận diện đó là loại ma túy nào và tác động ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như đều không nắm được.
Bên cạnh đó, kỹ năng để nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em, học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy ở phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát cũng rất thấp.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lo ngại, trong những năm gần đây, dạng ma túy núp bóng này đã nổi lên phức tạp hơn và có giai đoạn bán công khai trên mạng xã hội. Mẫu mã của các loại ma túy núp bóng này rất bắt mắt, mùi vị quyến rũ giới trẻ. Đặc biệt tâm lý của giới trẻ thích khám phá, tìm tòi và muốn thể hiện mình. Nhiều vụ ngộ độc ma tuý tổng hợp, gây tử vong, nhẹ cũng gây kích thích thần kinh gây ảo giác ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
Cần nhanh chóng lấp “khoảng trống” pháp lý
Tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe diễn ra không ít; thậm chí có thời điểm liên tiếp xảy ra. Điều này cũng gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy khi giới trẻ bị đầu độc bởi ma túy thế hệ mới thông qua thuốc lá điện tử. Trong khi, việc ngăn chặn thuốc lá điện tử bằng chế tài, quy định của pháp luật lại đang có “khoảng trống”. Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 chưa có điều khoản quy định về loại thuốc lá mới này.
Tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV, vấn đề học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới có chứa chất ma túy đã được các đại biểu đưa ra thảo luận. Hầu hết ý kiến đều cho rằng đây là vấn đề đáng báo động cần có những chế tài kiểm soát ngay để ngăn chặn hệ lụy lâu dài. Nhất là trong bối cảnh, vấn đề này đang được các cử tri, nhà trường, gia đình vô cùng lo lắng, quan tâm. Do đó, Quốc hội cần thiết phải nghiên cứu để đưa chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Mai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thực tế đang có một “khoảng trống” pháp lý vô cùng lớn đối với việc quản lý, giám sát thuốc lá điện tử, không có căn cứ pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm, mà phải dựa vào các văn bản khác. Các đối tượng có thể đang dựa vào “khoảng trống” này để trục lợi.
Luật sư Nguyễn Thị Mai cho rằng, để ngăn chặn tình trạng biến tướng của thuốc lá điện tử, cần xây dựng một Điều luật cụ thể hoặc sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, phải tăng chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử thì mới có thể cấm được.