Bất bình đẳng giới gia tăng do Covid-19
Các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các tác động tiêu cực của đại dịch đến xã hội và kinh tế so với nam giới.
Phụ nữ và trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19. Điều này đã dẫn tới việc tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Nghiên cứu được thực hiện bởi viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy phụ nữ phải chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhiều hơn nam giới. Đồng thời, giới chuyên gia cảnh báo những tác động này có nguy cơ làm đảo ngược những tiến bộ trong nhiều thập kỷ về bình đẳng giới.
Trong thời kỳ đại dịch trên toàn cầu, trẻ em gái có khả năng bỏ học nhiều hơn trẻ em trai Ảnh: Theguardian
Trước đây, những nghiên cứu về bất bình đẳng giới liên quan đến dịch bệnh chỉ tập trung chủ yếu vào các tác động đến sức khoẻ. Ví dụ, tỷ lệ nam giới nhập viện và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu cao hơn, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Cho đến nay gần như không có nhiều nghiên cứu xem xét những tác động gián tiếp của dịch bệnh đến vấn đề bình đẳng giới.
Nghiên cứu phân tích dữ liệu của 193 quốc gia từ tháng 3/2020 - 9/2021 về sức khỏe và hạnh phúc trong thời kỳ đại dịch. Ở mọi nơi trên thế giới, phụ nữ đều phải trải qua tỷ lệ mất việc làm cao hơn nam giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chỉ trong tháng 9/2021, có 26% phụ nữ toàn cầu đã bị mất đi việc làm trong khi con số này ở nam giới chỉ là 20%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái bỏ học hơn cũng như phải gánh chịu nạn bạo lực giới cũng gia tăng. Bất bình đẳng cao nhất được thể hiện ở các khu vực Trung Âu, Đông Âu và Trung Á với tỷ lệ phụ nữ bỏ học cao gấp 4 lần nam giới. Nhìn chung, 54% phụ nữ và 44% nam giới cho biết họ nhận thấy bạo lực trên cơ sở giới đã gia tăng nhanh chóng trong cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu.
Áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng, khoảng cách giới trên một số lĩnh vực ngày càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến các thành tựu về công tác bình đẳng giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Dịch bệnh cũng khiến cho tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng. Ước tính có khoảng 87,8% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tâm lý, 80,9% phụ nữ chịu hành vi kiểm soát và 59% phụ nữ đã từng bị bạo lực thể chất, 25% tiết lộ từng bị bạo lực tình dục, 51% tiết lộ từng có ý định tự tử. Phần lớn phụ nữ được phỏng vấn cho biết tất cả các hình thức bạo lực diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh đại dịch.
Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Emmanuela Gakidou nhận định, thực tế nghiên cứu là bằng chứng cho thấy Covid-19 có xu hướng làm trầm trọng thêm những vấn đề bất bình đẳng cũng như chênh lệch về kinh tế - xã hội đã tồn tại dai dẳng từ trước đó.
Tiến sĩ Luisa Flor, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cũng khẳng định những tác động kinh tế ảnh hưởng tới nam giới ít hơn so với phụ nữ ở nhiều nước do việc tuyển dụng không công bằng, chẳng hạn như trong các ngành nhà hàng khách sạn hoặc giúp việc gia đình. Hơn nữa, nhiều nước vẫn còn giữ quan niệm phụ nữ chỉ cần chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình và con nhỏ. Điều này cũng góp phần làm giảm thời gian và khả năng tham gia lao động được trả lương của họ.
ĐỖ HỮU