Các nước bảo vệ bản quyền quốc ca như thế nào?
Việc xã hội ngày càng “số hoá” đã dẫn đến nhiều hệ luỵ, trong đó có vi phạm bản quyền trên không gian số. Một trong vi phạm nghiêm trọng nhất là vi phạm bản quyền về quốc ca – quốc hồn của một đất nước. Nhiều nước đã có những chế tài đặc thù trong việc xâm phạm bản quyền quốc ca.
Những lùm xùm tác quyền quốc ca
Dư luận Singapore đã từng có thời kỳ dậy sóng khi ca khúc "We Can Achieve" của nhạc sĩ Ấn Độ Joseph Mendoza sáng tác giống hệt bài "Count on Me, Singapore" vốn nằm trong số các ca khúc của quốc gia trong đó có quốc ca. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Edwin Tong tuyên bố cơ quan này sẵn sàng dùng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp tác quyền về bài hát với Mendoza. Sau hàng loạt tranh cãi kéo dài hàng tháng trời, Mendoza chấp nhận rút lại mọi tuyên bố bản quyền bài hát vì không đủ chứng cứ và yêu cầu các bên liên quan cũng như các nền tảng mạng xã hội gỡ tất cả video bài hát này. Đơn vị phát hành bài hát cũng thừa nhận sai sót sau đó gửi lời xin lỗi đến chính phủ Singapore.
Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ sở hữu bản quyền quốc ca riêng biệt. (Ảnh: Reuters)
Estonia và Phần Lan cũng từng có những tranh chấp về tác quyền quốc ca khi ca khúc của hai nước có chung một giai điệu. Trong khi quốc ca của Argentina cũng bị cáo buộc là giống với một bản nhạc của Clementi – nhà soạn nhạc người Anh. Vụ lùm xùm kéo dài suốt hàng thập kỷ trước khi có kết luận cuối cùng nghiêng về phía Argentina.
Người dân Singapore tham dự sự kiện Diễu hành Ngày Quốc khánh tại khu vực Padang vào năm 2019. (Ảnh: Singapura Berita Harian)
Có nhiều chế tài thích hợp
Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã thông qua hẳn một dự luật về vi phạm bản quyền quốc ca, trong đó quy định người xúc phạm quốc ca Trung Quốc sẽ phải đối mặt với án tù lên tới ba năm hoặc bị phạt tiền lên đến 6.450 USD (gần 150 triệu đồng).
Bắc Kinh hồi tháng 9/2017 cũng thông qua Luật chống chế nhạo quốc ca, với mức phạt có thể lên tới 15 ngày tù, thậm chí người xúc phạm quốc ca còn bị xử phạt hình sự với mức án lên tới ba năm tù. Yang Kaili, 21 tuổi làm nghề phát video trực tuyến với 44 triệu người theo dõi trên nền tảng Huya đã bị bắt và phạt tù 5 ngày do có hành động được cho là “xúc phạm” quốc ca khi vừa đeo băng đô vừa nhẩm theo bài hát bà diễn như một nhạc trưởng.
"The Star-Spangled Banner" được quốc hội Mỹ tuyên bố là quốc ca năm 1931. Mặc dù ca khúc này đã được trao bản quyền cho toàn dân nhưng các quyền phát hành và trình diễn vẫn được áp dụng. Những quyền này bao gồm bảo vệ bản quyền phần phối khí cho các tổ chức, cá nhân đã đầu tư công sức, tiền bạc để ghi lại hoặc “làm mới” phiên bản quốc ca. Suiter Swantz IP, cổng thông tin của hãng luật chuyên về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho biết, mặc dù không còn thuộc quyền của một tác giả cụ thể nào nhưng hệ thống luật pháp liên bang vẫn tôn trọng các nhà sản xuất tái xuất bản ca khúc này.
Ca sĩ Lady Gaga trình diễn quốc ca Mỹ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1. (Ảnh: AP)
Một ví dụ cụ thể là giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL) đã tự tổ chức ghi âm, phối khí lại bản quốc ca Mỹ để trình diễn trước mỗi trận đấu và phát sóng trên truyền hình. Do đó, theo luật pháp liên bang, NFL sẽ sở hữu bản quyền riêng cho việc sử dụng và phát hành lại bản quốc ca đã được “làm mới” của mình. Các tổ chức cá nhân có như cầu sử dụng phiên bản quốc ca này phải được sự đồng ý của NFL.
Giải pháp của Singapore nhằm giải quyết các tranh chấp bản quyền quốc ca là chủ động thu âm ca khúc, sau đó thực hiện đăng ký bản quyền rồi lưu trữ trên nền tảng số quốc gia. Bằng cách này, một khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng sẽ phải tìm đến những nền tảng số thuộc sự quản lý của chính phủ mới có thể tải về và sử dụng được. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore, Edwin Tong cho biết bản quyền các bản ghi quốc ca hầu hết đều thuộc sở hữu của chính phủ hoặc được chính phủ quản lý. Bên thứ ba muốn sử dụng phải nhận được sự đồng ý của chính phủ trong mọi trường hợp.
Mô hình này cũng được áp dụng tại Úc với ca khúc "Advance Australia Fair" - quốc ca Úc từ năm 1984. Chính phủ nước này sẽ toàn quyền giữ bản quyền phần lời bài hát và một số bản trình diễn, tất cả sẽ được lưu trữ trên cổng thông tin chính phủ nhằm giúp nhân dân thuận lợi tiếp cận. Đối với những cá nhân, tổ chức sử dụng quốc ca (một phần hoặc toàn bộ bài hát) cho mục đích thương mại thì cần phải có sự phê chuẩn của chính phủ. Mọi đơn xin phép phải có dấu phê chuẩn của Văn phòng Thủ tướng và Nội các Úc.
Quốc ca thể hiện “quốc hồn” của một đất nước, do đó mọi sự xâm phạm đều đáng bị lên án và trừng trị. Bảo vệ quốc ca cũng giống như bảo vệ chủ quyền đất nước, vì vậy cần phải có những chế tài thích hợp, đủ sức răn đe và ngăn chặn sự xâm phạm.
NGỌC HÀ