Câu chuyện vắc-xin mRNA: Từ ý tưởng bị gạt bỏ trở thành vũ khí hàng đầu chống Covid-19

Chia sẻ

Hiệu quả vượt trội của công nghệ mRNA đã được khẳng định khi lần đầu tiên được sử dụng trong vắc-xin phòng bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng công nghệ này của một phụ nữ từng bị coi là “điên rồ” và “phi thực tế”.

Một trong những “tấm lá chắn” hiệu quả nhất của con người trong cuộc chiến chống Covid-19 là hai loại vắc-xin của Pfizer và Moderna. Hàng tỷ liều vắc-xin sử dụng công nghệ này đã được sản xuất và Katalin Karikó - Phó chủ tịch cấp cao của công ty dược phẩm BioNTech chính là một trong 2 “tác giả” đã đặt nền móng cho công nghệ vắc-xin hiện đại mới này.

Giáo sư Katalin Karikó.Giáo sư Katalin Karikó.

Từ ý tưởng “điên rồ”

Bà Karikó đã đưa ra khái niệm đầu tiên về việc “dạy” cho hệ miễn dịch trong cơ thể con người cách thức nhận biết các tế bào protein lạ (của virus) khi chúng xâm nhập vào cơ thể bằng cách chèn các phân tử RNA thông tin (mRNA) vào trong một cơ thể bình thường. Ý tưởng này khi vừa được bà đưa ra đã phải hứng chịu không ít những lời nhạo báng ngay chính từ phía các đồng nghiệp cũng là các chuyên gia. Họ cho rằng đây là một ý tưởng “điên rồ”, bất khả thi với khả năng thành công “gần như bằng không”.

Không nao lòng trước những lời nhạo báng cùng những bình luận tiêu cực, bà Karikó tiếp tục dấn thân, tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn với quyết tâm biến ý tưởng lớn của mình trở thành sự thật. Tuy nhiên, những thách thức vẫn liên tiếp bủa vây, có những lúc, cách cửa đi đến thành công đang dần hé mở lại đóng sập lại. Người cộng sự đắc lực nhất của bà cũng không chịu được sự đả kích mà đột ngột rời bỏ dự án, để lại một mình bà vật lộn trong tứ bề khó khăn từ không có đủ tài chính cho đến không có phòng nghiên cứu và các phương tiện cần thiết. Bên cạnh đó, do bị đánh giá là không có khả năng thành công nên dự án của Karikó không nhận được bất cứ khoản tài trợ nào, bà thậm chí còn bị trường Đại học Pennsylvannia (Mỹ) sa thải vào năm 1995. Tồi tệ hơn, trong chính khoảng thời gian khốn khó ấy, nhà khoa học nữ lại nhận thêm tin bản thân đang mang căn bệnh ung thư quái ác.

Katalin Karikó và Drew Weissman nhận một liều vắc-xin COVID-19 do chính họ tạo ra.Katalin Karikó và Drew Weissman nhận một liều vắc-xin COVID-19 do chính họ tạo ra.

Đến vũ khí chống dịch hàng đầu

Trong lúc bế tắc, giáo sư Katalin Karikó từng có lần nghi ngờ bản thân: “Tôi đã nghĩ đến việc đi đâu đó khác hoặc làm một điều gì đó khác. Tôi cũng từng nghĩ có lẽ mình không đủ giỏi, không đủ thông minh”. Tuy nhiên, bà đã không bỏ cuộc: “Tôi đã cố gắng tưởng tượng: mọi thứ đều ở đây, và tôi chỉ phải làm thêm một vài thí nghiệm khác một cách tỉ mỉ hơn”. Thế rồi bà gặp gỡ giáo sư Drew Weissmen (giáo sư y khoa tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania) - một trong số rất ít người khi ấy còn tin vào ý tưởng công nghệ mRNA. Cả hai nhà khoa học cùng hợp tác tiếp tục nghiên cứu công nghệ này bất chấp những chối từ của giới khoa học.

Sau hàng ngàn cuộc thử nghiệm thất bại, đến năm 2005, dự án đã kêu gọi được nguồn tài trợ và bước đầu tạo ra đột phá khi thử nghiệm thành công trên động vật. “Mỗi đêm tôi đều làm việc chăm chỉ”, Karikó nhớ lại khi đề cập đến nỗ lực của mình để có được nguồn tài trợ. Y học đạt được bước tiến lớn khi giải mã thành công bộ gen của virus SARS-CoV-2. Nhờ đó, kết hợp cùng công nghệ mRNA, con người đã tạo ra tấm khiên vững chắc chống lại virus, giúp cứu sống hàng tỉ người.

Derrick Rossi, nhà sinh học tế bào gốc người Canada và đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học Moderna đã gọi sự thành công của Katalin Karikó là “một bước đột phá” và rằng bà xứng đáng nhận giải Nobel hóa học. “Nếu có ai hỏi tôi tên người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hoá học cao quý, tôi sẽ không ngần ngại mà gọi tên cô ấy, bởi những nỗ lực đó sẽ là tiền đề để tạo ra các loại thuốc giúp ích cho thế giới trong tương lai”, ông cho biết.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã mơ về khả năng được coi là vô tận của RNA thông tin (Mrna). Giới khoa học cho rằng vai trò của nó giống như một cuốn bách khoa toàn thư về hàng nghìn tỷ tế bào của cơ thể. Do đó, chỉ bằng cách thực hiện các chỉnh sửa chính xác đối với mRNA tổng hợp và tiêm vào một vật chủ (cơ thể người), bất kỳ tế bào nào trong cơ thể đó cũng có thể được biến đổi thành một nhà máy sản xuất thuốc theo yêu cầu. Nếu như ngày ấy, Katalin Karikó buông bỏ nghiên cứu của mình vì những khó khăn thì giờ đây thế giới có lẽ còn phải chịu nhiều cảnh đau thương hơn do dịch bệnh tàn phá. Bà xứng đáng nhận được sự biết ơn của toàn thế giới.

MINH THƯ

Tin cùng chuyên mục