COP-26: 197 nước đạt Thỏa thuận Khí hậu Glasgow vào phút chót

Chia sẻ

Sau hơn hai tuần làm việc (31/10-13/11), Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2021 (COP-26) đã đạt thoả thuận duy trì giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Với vai trò là Chủ tịch hội nghị COP-26, ông Alok Sharma bày tỏ sự xúc động khi thông báo không có tín hiệu phủ quyết từ gần 200 phái đoàn có mặt tại Glasgow. COP-26 được tổ chức tại Glasgow, Scotland, dự kiến ban đầu đến 12/11 nhưng do không đạt được thoả thuận chung nên đã phải kéo dài thêm một ngày. Đây là lần đầu tiên LHQ kêu gọi cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch - thứ đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nhiều nền kinh tế và cũng là nguyên nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân của sự “khó đạt thoả thuận” này là tranh cãi về văn bản cuối cùng, gọi là “Glasgow Climate Pact” (Hiệp ước Khí hậu Glasgow) xảy ra quanh yêu cầu bỏ dần năng lượng hóa thạch, cụ thể là than đá. Yêu cầu “xóa bỏ dần than” (coal phase-out) bị sửa thành “giảm dần than” (coal phase-down) vì một số quốc gia cho rằng dùng từ “xoá bỏ” là chưa phù hợp với tình hình đất nước. Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Ấn Độ, Bhupender Yadav cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để phản ánh “hoàn cảnh quốc gia của các nền kinh tế mới nổi”.

Chủ tịch COP-26 Alok Sharma xúc động khi thông báo không có tín hiệu phủ quyết từ gần 200 phái đoàn có mặt tại Glasgow.Chủ tịch COP-26 Alok Sharma xúc động khi thông báo không có tín hiệu phủ quyết từ gần 200 phái đoàn có mặt tại Glasgow.

Phía EU, Thụy Sĩ và một số đảo quốc như Marschall, Fiji vốn có nguy cơ cao bị biến mất do nước biển dâng đã tỏ ra thất vọng về điều này. Trong khi những nước còn sử dụng nhiều than cho nhu cầu năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ lại không muốn tiến trình bỏ than diễn ra quá nhanh gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia đều nhất trí “lùi một bước” vì lợi ích của thỏa thuận chung.

Mục tiêu tổng quát mà ông Sharma đặt ra trước hội nghị là “duy trì” mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015, theo đó, giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổng thư ký LHQ, ông António Guterres thừa nhận thỏa thuận không “đi đủ xa” để chống lại biến đổi khí hậu, nhưng nó đã tạo ra “các thành phần để kiến thiết sự tiến bộ”. Ông cũng nói thỏa thuận phản ánh “ý chí, quyền lợi và các mâu thuẫn vốn đang có trong chính trị quốc tế”.

Tuyên bố của COP-26 cũng kêu gọi loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và hối thúc các quốc gia tăng cường mục tiêu cắt giảm khí thải tới năm 2030 ngay từ năm sau trong nỗ lực ngăn tình trạng Trái đất ấm lên.

Các bên tham gia cùng ký thỏa thuận nhằm giải quyết những vướng mắc về phát thải carbon, mở ra một thị trường trị giá hàng nghìn tỷ đô la cho các dự án giúp hạn chế biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi: “Chúng tôi yêu cầu các quốc gia xích lại gần nhau vì hành tinh của chúng ta tại COP-26” sau khi thoả thuận được ký. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh thỏa thuận nhưng cảnh báo rằng thế giới vẫn đang đứng trước bờ vực của “thảm họa”. “Hành tinh mỏng manh của chúng ta đang bị treo bởi một sợi chỉ,” Guterres nói trong một tuyên bố ca ngợi sự tiến bộ tại hội nghị thượng đỉnh Glasgow, đồng thời nhấn mạnh rằng điều đó là “chưa đủ”.

Các đại biểu chụp ảnh tại COP-26 ở Glasgow.Các đại biểu chụp ảnh tại COP-26 ở Glasgow.

Các đại biểu tham dự đàm phán cũng có nhiệm vụ tìm nguồn tài trợ cho các quốc gia có nguy cơ cao nhất về hạn hán, lũ lụt và bão liên quan đến biến đổi khí hậu do nước biển dâng.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này là chưa đủ để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu hay giúp các quốc gia thích ứng hoặc bù đắp thiệt hại từ các thảm họa đang diễn ra trên toàn cầu. Laurence Tubiana, kiến ​​trúc sư của thỏa thuận Paris, cho biết: “Hiện nay COP đã thất bại trong việc cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho những người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu”. Nhà hoạt động môi trường Thụy Điển, Greta Thunberg khẳng định: “Những việc làm thiết thực hơn vẫn đang tiếp tục diễn ra bên ngoài hội trường này. Và chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.

Không đứng ngoài cuộc, Việt Nam cũng đã có những đóng góp tích cực, cụ thể là ký Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch tại COP-26. Theo Tuyên bố này, Việt Nam và một số quốc gia cam kết nhanh chóng mở rộng quy mô công nghệ và chính sách để sớm chấm dứt sử dụng điện than và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 từ đó dần đưa mức phát thải khí hiệu ứng nhà kính (CO2) về mức 0% vào năm 2050.

Việc Trái đất nóng lên, kéo theo hàng loạt thiên tai khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến mọi nơi trên toàn cầu. Do đó, việc đạt được một thoả chung là điều rất đáng khích lệ, mặc dù vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm, đặc biệt là sự nghiêm túc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguồn năng lượng thân thiện hơn với môi trường nhằm giúp giữ màu xanh cho Trái đất.

NGỌC HÀ

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đang bị “bỏ rơi” trong kỷ nguyên số

Phụ nữ đang bị “bỏ rơi” trong kỷ nguyên số

(PNTĐ) - Dù sống trong thời đại công nghệ 4.0, quyền được an toàn và tôn trọng của phụ nữ vẫn đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha, hàng nghìn phụ nữ đang là nạn nhân của các hình thức bạo lực tinh vi hơn, ẩn mình trong bóng tối kỹ thuật số và những môi trường tưởng chừng hào nhoáng như điện ảnh. Nhưng thay vì được bảo vệ, họ vẫn đang phải tự chiến đấu trong đơn độc.
Việt Nam - Kazakhstan: Quan hệ song phương bước vào “thời kỳ vàng”

Việt Nam - Kazakhstan: Quan hệ song phương bước vào “thời kỳ vàng”

(PNTĐ) - Từ ngày 5-7/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong hành trình công du châu Âu của Tổng Bí thư, đồng thời là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Kazakhstan trong vòng 13 năm và là lần đầu tiên Tổng Bí thư Việt Nam thăm Kazakhstan.
Mở rộng cơ hội hợp tác nghệ thuật toàn cầu

Mở rộng cơ hội hợp tác nghệ thuật toàn cầu

(PNTĐ) - Hội đồng Anh chính thức khởi động vòng đăng ký Chương trình tài trợ "Kết nối thông qua Văn hóa" (Connections Through Culture - CTC) năm 2025, một sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy kết nối, hợp tác và đồng sáng tạo giữa các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật tại Vương quốc Anh với 19 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Âu, trong đó có Việt Nam.