Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo:

Dấu ấn nhà lãnh đạo kiệt xuất

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ông Abe Shinzo là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản nói riêng, cũng như thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong khu vực và thế giới.

Dấu ấn nhà lãnh đạo kiệt xuất - ảnh 1
Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo Ảnh: Int

“Nền kinh tế phụ nữ” - Di sản quý của Cố Thủ tướng Nhật Bản 
Với mong muốn giúp phụ nữ tỏa sáng, “Womenomics - Nền kinh tế phụ nữ” được xem là tâm huyết của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong suốt 8 năm cầm quyền, từ năm 2012.

Học thuyết “Womenomics” được cố Thủ tướng Abe phát động tại Nhật Bản trong cam kết thúc đẩy quyền năng của phụ nữ. Ông luôn khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và đưa nữ giới lên các vị trí quản lý. 

Dưới thời ông Abe, hàng loạt các chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế đã được thi hành. Đây được coi là trụ cột trong chiến lược phát triển trong bối cảnh dân số Nhật có xu hướng già hóa. 

Với chủ đề "Thúc đẩy hơn nữa học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ", tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Nhật Bản tháng 5/2017, cố Thủ tướng Abe đã hoan nghênh nỗ lực thực hiện và nhân rộng học thuyết kinh tế phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới của khu vực và trên thế giới. 

Chính quyền Nhật Bản cam kết tạo ra “Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng”. Ông Abe cũng khuyến khích phụ nữ nhanh chóng trở lại làm việc sau khi sinh con, yêu cầu các doanh nghiệp nâng tỷ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo.

Nhằm giúp phụ nữ có thêm thời gian cho bản thân, ông Abe có kế hoạch xây dựng mới hàng trăm nghìn nhà trẻ trên toàn quốc. Kế hoạch ngân sách năm 2017 bao gồm các chính sách tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ và các hộ gia đình có con nhỏ. 

Tình yêu sâu sắc với đất nước Việt Nam
Trong cả hai nhiệm kỳ Thủ tướng, ông Abe đều có chuyến thăm Việt Nam. Ngài đã đến Việt Nam trên cương vị Thủ tướng tổng cộng 4 lần (năm 1993, 11/2006, 1/2013 và 11/2017). Việt Nam có lẽ là nước được ông Abe đến nhiều nhất, nếu không kể Mỹ, với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản. Điều đó có thể cho thấy tình cảm của ông với Việt Nam.

Đối với người dân Việt Nam, cố Thủ tướng Abe Shinzo luôn là người bạn thân thiết, là cầu nối để quan hệ Việt-Nhật phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Dưới thời ông Abe, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá đã có những bước phát triển vượt bậc cùng những dấu ấn đậm nét, từ Tuyên bố chung “Hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược” năm 2006, đến Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng năm 2014 đến nay. 

Quan hệ Việt - Nhật liên tục phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề kinh tế thương mại đầu tư, vấn đề giao lưu tiếp xúc giữa 2 nước. Ông Abe cũng khuyến khích doanh nghiệp 2 nước hợp tác. 

Cố Thủ tướng cũng chú trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế. Năm 2016, ông đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh mở rộng. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 là khi Nhật Bản đảm nhận vai trò nước chủ nhà.

Năm 2019, khi Nhật Bản là chủ nhà của G20, chính phủ ông Abe lại một lần nữa mời Thủ tướng Việt Nam tham dự. Điều đó cho thấy Nhật Bản rất chú ý tới vai trò quốc tế của Việt Nam, và cũng hỗ trợ Việt Nam nâng cao vị thế đó. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.

Với tư cách là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản cho đến nay, ngoài thúc đẩy viện trợ ODA cho Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, Cố Thủ tướng Abe còn quan tâm tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục. 

Khi còn là Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã tích cực gia tăng ODA (viện trợ, vay ưu đãi...) cho Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2020, có năm nguồn vốn từ Nhật Bản lên tới 7 tỷ USD/ năm cho Việt Nam. Nguồn vốn này đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Năm 2019, bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản, ông Abe đã sắp xếp khéo léo, tạo điều kiện cho cuộc gặp mặt nhanh chóng giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp đó đã giải quyết phần nào những cáo buộc gian lận thương mại áp lên Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, dưới thời Thủ tướng Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 ở Nhật Bản. 

Cho đến cuối năm 2019, có tổng cộng khoảng 412.000 người Việt Nam đang cư trú tại Nhật - tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2012 - thời điểm cố Thủ tướng Abe mới quay lại nắm quyền. Đó một phần là nhờ các chính sách tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam của chính phủ Nhật Bản giai đoạn này.

Cố Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời, nhưng những tình cảm ông giành cho Việt Nam, những việc ông làm cho Việt Nam, những hoạt động ông đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mãi là những dấu ấn mang tính lịch sử của một con người giành cho một dân tộc.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.