Nhiều chính sách pháp luật mới dành cho cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong chính sách về quốc tịch, hộ tịch, đất đai, nhà ở, bầu cử và ứng cử đại biểu quốc hội...

Nhiều chính sách pháp luật mới dành cho  cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu - ảnh 1
Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật

Đây là nội dung được cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu nêu tại tọa đàm về chính sách pháp luật với cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu, được tổ chức tại nhà làm việc của Quốc hội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là cuộc tọa đàm thứ 2 trong chuỗi các tọa đàm sẽ được tổ chức để lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật. Trước đó, ngày 12/7/2022, tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc về chính sách pháp luật quốc tịch đã được tổ chức thành công tốt đẹp.

Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Tham dự tọa đàm có hơn 100 đại biểu và gần 20 điểm cầu, với sự tham gia của Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan đại diện Việt Nam, đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại một số nước châu Âu có đông người Việt Nam định cư như Pháp, Đức, Anh, Nga, Séc, Ba Lan, Hungary... và các kiều bào đang làm việc, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề kiều bào quan tâm, còn vướng mắc, khó khăn. Về vấn đề quốc tịch, ông Cấn Văn Kiệt (85 tuổi), đại biểu lớn tuổi nhất, đại diện Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết cộng đồng kiều bào tại Pháp có nhu cầu giữ quốc tịch Việt Nam cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Còn, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho rằng cần quy định cụ thể về cơ quan chức năng nào của Việt Nam có thẩm quyền xác nhận các giấy tờ chứng minh điều kiện “có công lao đặc biệt” để được nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

 Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với NVNONN cho rằng kiều bào ta ở nước ngoài chỉ xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài ở những nước mà pháp luật sở tại yêu cầu phải thôi quốc tịch gốc. Theo xu thế pháp luật quốc tịch hiện đại, nhiều nước (Séc, Đức, Nga, Ba Lan...) trước đây theo nguyên tắc một quốc tịch hiện nay đã có sự điều chỉnh, cho phép công dân đồng thời có quốc tịch nước ngoài, không buộc người xin nhập quốc tịch phải thôi quốc tịch gốc, thì các cơ quan chức năng trong nước cần xem xét thuận lợi để bà con được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài. Việc này phù hợp với nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo được quy định tại Luật Quốc tịch năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014, cũng như thực tiễn đời sống.

Liên quan đến quốc tịch, hộ tịch, các đại biểu ở hầu hết các địa bàn đều quan tâm đến các vấn đề như: Quy định xác định quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em lai Việt Nam sinh ra ở nước ngoài hoặc trẻ em Việt Nam sinh ra ở những nơi xác định quốc tịch theo nơi sinh; việc cấp mã số định danh cá nhân cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài...

Bà Lê Võ Phương Nga, Tiến sỹ, Giám đốc Tài chính và Đối tác của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng để phát huy tốt nguồn vốn đầu tư của kiều bào, cần mở rộng phạm vi quyền sử dụng đất của NVNONN vào mục đích sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, không chỉ giới hạn trong các dự án phát triển nhà ở; cần có cơ chế cởi mở, minh bạch và ưu đãi hơn về quỹ đất cho NVNONN đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là các ý kiến nêu về sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu về NVNONN, chính sách đối với thanh niên VNONN trong Luật Thanh niên, các quy định bảo vệ người lao động ở nước ngoài khi ký kết trực tiếp với chủ lao động nước ngoài, quy định về đầu tư của người Việt Nam ở sở tại được coi là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài...

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, cho biết Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã đề ra chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN. Trong hai năm 2022-2023, sẽ tổ chức giám sát ở các địa phương, tổ chức lấy ý kiến và tiếp xúc trực tiếp với kiều bào tại một số nước. Thời gian tới, dự kiến Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức tọa đàm với cộng đồng NVNONN tại các địa bàn khác như Đông Bắc Á, châu Mỹ, châu Úc.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho rằng, công tác thể chế hóa các chủ trương chính sách, phổ biến pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp là việc làm cần tiến hành thường xuyên, đây là nhiệm vụ đã được nhấn mạnh trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới. Là cơ quan quản lý Nhà nước đối với NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã kết hợp nhiều hình thức để lấy ý kiến của bà con kiều bào. Những ý kiến đóng góp của kiều bào là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong xây dựng hòa bình

(PNTĐ) - Báo cáo mới nhất của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình hòa bình mang lại kết quả bền vững hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các cuộc đàm phán chính thức, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với việc giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình.