Nữ tiến sĩ “tuyên chiến” với tin đồn thất thiệt trong đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, sau những tranh cãi nảy lửa xung quanh tác dụng của chiếc khẩu trang thì giờ lại đến vắc-xin. Trong khi các nước đang chạy đua với thời gian nhằm phát triển vắc-xin một cách nhanh nhất thì trên thế giới bắt đầu xuất hiện rất nhiều những tin đồn thất thiệt về loại virus này.

Khi phong trào này ngày càng lan rộng, có một người đã dũng cảm đứng dậy để chống lại những tin đồn thất thiệt về việc tiêm phòng vắc-xin. “Nữ chiến binh” đó là tiến sĩ Herdi Larson.

Là nhà nhân loại học, đồng thời cũng là người sáng lập Dự án “Niềm tin vào Vaccine” ở London, tiến sĩ Herdi Larson hiểu điều quan trọng nhất để chống lại phong trào “bài vắc-xin” là phải giúp mọi người xây dựng niềm tin vào vắc-xin. Chính bởi quan điểm này nên nữ tiến sĩ đã dùng khoa học, dùng kiến thức và những nghiên cứu thực tế của mình để chống lại luận điệu của “những kẻ bài vắc-xin”.

Ở tuổi 63, bà được biết đến là người xử lý tin đồn thất thiệt hàng đầu thế giới. Tiến sĩ Larson đã dành tới 20 năm để đến những quốc gia bất ổn, nghèo đói hay bị chiến tranh tàn phá trên toàn cầu và cả những nước phát triển để tìm hiểu lý do khiến mọi người còn ngần ngại trong việc tiêm vắc-xin.

Đối với một “thợ săn" tin đồn thất thiệt như bà thì ở thời điểm này là thời gian bận rộn nhất do phong trào bài vắc-xin ngày càng phát triển mạnh, nhất là giữa lúc các quốc gia đang chạy đua thử nghiệm các loại vắc-xin phòng bệnh mới. Dự án mang tên “Niềm tin vào Vắc-xin” được thành lập vào năm 2010, chỉ gồm hơn 10 nhân viên có kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học chính trị, tâm lý, mô hình toán học, dịch tễ học và nhiều chuyên môn khác. Nhiệm vụ của “biệt đội” này là theo dõi tin tức trên các loại hình phương tiện truyền thông xã hội cũng như trong cộng đồng ở gần như mọi quốc gia với hơn 63 ngôn ngữ khác nhau, nhằm nhanh chóng phát hiện bất kỳ tin đồn thất thiệt nào về vắc-xin.

Vào hồi tháng 9, nhóm của tiến sĩ Larson cho đăng một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet, trong đó nhấn mạnh niềm tin vào vắc-xin ở 149 quốc gia đã thay đổi như thế nào từ năm 2015 đến 2019, những dữ liệu này được tổng hợp từ việc khảo sát 284.000 người trưởng thành. Ở một số nước ví dụ như Indonesia, quan điểm vắc-xin an toàn đã giảm từ 64% xuống 50% sau khi các lãnh đạo Hồi giáo hoài nghi về an toàn của vắc-xin ngừa sởi, quai bị và rubella, đồng thời tự cho rằng những loại thuốc này chứa các thành phần bị cấm sử dụng. Tương tự tại quốc gia châu Âu là Ba Lan, một phong trào bài vắc-xin nổ ra đã khiến niềm tin của người dân giảm từ 64% năm 2018 xuống 53% vào tháng 12/2019.

Tiến sĩ Larson cùng chồng - Peter Piot.Tiến sĩ Larson cùng chồng - Peter Piot.

Trong khi đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người thiệt mạng trên toàn cầu và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại thì hậu quả của việc nghi ngờ khả năng của vắc-xin là rất nghiêm trọng. Điều này là có căn cứ bởi theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ tính riêng ở Mỹ, tỷ lệ người nói rằng "chắc chắn" hoặc "có thể" tiêm vắc-xin đã giảm mạnh từ 72% hồi tháng 5 xuống 51% hồi tháng 9. Xu hướng này được cho là bắt nguồn từ làn sóng những thông tin đồn đoán vô căn cứ về những tác dụng phụ hay sự kém hiệu quả của vắc-xin được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Các mạng xã hội đã tác động tiêu cực đối với quyết định tiêm vaccine Covid-19 của nhiều người.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện với trên 3.000 người ở Anh, 54% trong số đó cho biết chắc chắn tiêm vắc-xin Covid-19 ngay sau khi nó được phát triển thành công. Tuy nhiên, cũng với chính nhóm người này, sau khi được cho tiếp cận với hàng loạt các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, như bài đăng của David Icke, người theo thuyết âm mưu, nói rằng "97% thành phần của vắc-xin Covid-19 gây vô sinh" thì tỷ lệ sẵn sàng tiêm đã giảm tới 6%. Con số 6% có vẻ là không nhiều, tuy nhiên theo tiến sĩ Larson, sự sụt giảm này là đủ để đe dọa tới mục tiêu đạt "miễn dịch cộng đồng" thông qua vắc-xin mà các nhà khoa học đang hướng tới. Giám đốc Viện An toàn Vắc-xin thuộc Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, Daniel Salmon cho biết: "Tự thân Vắc-xin không thể cứu được mạng người, nhưng việc chủ động tiêm chủng thì lại hoàn toàn có thể làm điều đó”.

Theo quan điểm của tiến sĩ Larson, nếu chỉ tập trung đối phó với tính không chính xác của các tin đồn thì sẽ không đủ để giải quyết làn sóng bài trừ vắc-xin. Cũng theo nữ tiến sĩ, việc gỡ các bài đăng thất thiệt, hay thậm chí “đóng cửa cả Facebook cũng khó có thể chấm dứt được phong trào bài vắc-xin” này, mà “Vấn đề ở đây là niềm tin", bà cho hay.

Các thành viên của Dự án Niềm tin vào Vắc-xin gặp gỡ nhóm nghiên cứu Quốc tế ORB vào tháng 1 năm 2019.Các thành viên của Dự án Niềm tin vào Vắc-xin gặp gỡ nhóm nghiên cứu Quốc tế ORB vào tháng 1/2019.

Tiến sĩ Herdi Larson đã dành trọn cả sự nghiệp của mình cho hàng loạt sứ mệnh nhân đạo trên khắp toàn cầu khi bà tham gia vào nhiều tổ chức như Save the Children hay Unicef. Cho đến năm 2000, bà phụ trách chiến lược và truyền thông cho chương trình triển khai các loại vắc-xin, đồng thời xây dựng các mối quan hệ đối tác, trong đó có việc thành lập Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng, nay là Liên minh GAVI, giúp trẻ em nghèo trên khắp thế giới có thể tiếp cận vắc-xin.

Đồng hành và trở thành “hậu phương” vững chắc của bà trong cuộc chiến cam go này là người chồng thân yêu, tiến sĩ Peter Piot, nhà nghiên cứu AIDS nổi tiếng. Ông cũng từng là người đồng phát hiện ra vi rút Ebola những năm 1970 và hiện đang là giám đốc Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London.

Việc các phong trào bài vắc-xin hay chống tiêm phòng vắc-xin không phải là vấn đề mới nổi, các phong trào này đã xuất hiện từ những năm 1850 ở Anh, khi chính phủ cố gắng triển khai tiêm bắt buộc phòng các bệnh đậu mùa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí đã phải đưa thái độ bài vắc-xin là một trong “10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu”. Tuy nhiên những phản ứng của cộng đồng y khoa thế giới vẫn chưa bắt kịp tốc độ của làn sóng này. "Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ rơi vào hỗn loạn. Thời gian đang cạn dần", tiến sĩ Herdi Larson cảnh báo.

Carol Bellamy, Giám đốc điều hành Unicef từ năm 1995 tới 2005 nhận xét về Larson: "Người phụ nữ này có thể thấy trước tương lai. Bà ấy sẽ không hét lên 'Bầu trời đang sụp đổ' mà bà ấy sẽ nói rằng 'Bầu trời sẽ sụp nếu chúng ta không làm gì đó'".

Tiến sĩ Larson chọn chiến lược đối phó với các tin đồn là xây dựng niềm tin bắt đầu bằng việc đặt ra các câu hỏi đúng, sau đó nghiên cứu kỹ lưỡng về chúng rồi đưa ra câu trả lời thích hợp. Đồng thời, bà cũng tự đặt mình vào vị trí của những người hoài nghi để hiểu được cảm giác của họ và giải quyết vấn đề theo cách họ mong muốn. Tiến sĩ cho rằng chỉ có khoa học thuần túy không sẽ là không đủ để thuyết phục mọi người mà để làm được điều này cần phải có niềm tin cũng như sự gắn kết cộng đồng và đồng cảm với mọi người. Cũng theo bà, một cầu nối có thể được xây dựng giữa chuyên gia và các thành viên cộng đồng hoài nghi về việc tiêm vắc-xin, "Hãy cùng nhau trao đổi", bà nói.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.