Phụ nữ chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Trong hai năm qua, liên tiếp những làn sóng bùng phát mới của đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt cuộc sống. Trong đó, phụ nữ là đối tượng phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực nhất.

Mất việc, giảm thu nhập và những gánh nặng gia đình

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) mới đây đã công bố báo cáo toàn diện về những tác động gây ra bởi Covid-19 đối với phụ nữ, từ mất thu nhập và giáo dục, bạo lực gia đình cho đến tảo hôn, trách nhiệm chăm sóc trẻ em và người thân bị bệnh. Ông Francesco Rocca, Chủ tịch IFRC nhấn mạnh: “Trong một cuộc khủng hoảng, phụ nữ luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất”. Mặc dù tỷ lệ mất việc làm trên toàn cầu đối với nam giới cao hơn do họ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động nói chung, nhưng phụ nữ vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhất là khi nữ giới thường tham gia vào công việc có nguy cơ bị ảnh hưởng cao như các lĩnh vực bán lẻ, giúp việc gia đình và du lịch.

Báo cáo nêu một số quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động từ đại dịch bao gồm Tây Ban Nha, Philippines và Jamaica. Ngay cả ở những quốc gia phát triển như Tây Ban Nha, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ 18% phụ nữ bị mất việc làm so với 14% nam giới, phụ nữ thậm chí còn phải lao động không công trong thời gian giãn cách xã hội.

Số liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ đã chỉ ra trong tháng 9/2021, khi 182.000 nam giới độ tuổi từ 20 trở lên bắt đầu tham gia lực lượng lao động thì có tới 309.000 phụ nữ độ tuổi tương đương mất đi việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá cuộc khủng hoảng do Covid-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã “thổi bay” 62 triệu việc làm trong năm 2020. Trong đó, tỷ lệ mất việc làm của phụ nữ là 4,1% còn nam giới chỉ 3,6%. Báo cáo “Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021” của diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng nhận xét sự bất bình đẳng về giới tại nơi làm việc đang gây ra nhiều khó khăn cho các nền kinh tế đang phát triển của châu Á.

Những phụ nữ di cư ở Venezuela đang nhận hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ Colombia.Những phụ nữ di cư ở Venezuela đang nhận hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ Colombia. (Ảnh: Reuters)

Những hỗ trợ từ xã hội

Trong thời kỳ đại dịch, đời sống của nhiều phụ nữ đã được duy trì và cải thiện đáng kể ở các quốc gia áp dụng chính sách hợp lý nhằm giúp phụ nữ không bị mất việc làm, hoặc cho phép họ sớm trở lại thị trường lao động càng sớm càng tốt.

Một ví dụ cụ thể ở Chile, Chính phủ đã áp dụng các chính sách trợ cấp tiền lương cao hơn cho các lao động nữ, đặc biệt là những người mới được tuyển dụng. Colombia và Senegal là một trong những nước đã tạo ra hoặc tăng cường hỗ trợ cho các nữ doanh nhân. Một số quốc gia khác như Mexico hoặc Kenya, một chính sách được thiết lập nhằm đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi từ các chương trình việc làm trong các hệ thống công lập.

ILO đã nêu ra một số biện pháp nhằm hỗ trợ phụ nữ phục hồi sau đại dịch bao gồm đưa bình đẳng giới vào trọng tâm của những nỗ lực phục hồi và các chiến lược đáp ứng giới. Đầu tư vào các lĩnh vực y tế, công tác xã hội và giáo dục là những nguồn tạo ra việc làm đối với phụ nữ, bố trí làm việc linh hoạt có thể khuyến khích sự phân chia công việc ở nhà giữa phụ nữ và nam giới một cách đồng đều hơn.

Tổ chức này nhấn mạnh, cần phổ cập bảo trợ xã hội toàn diện, đầy đủ và bền vững cho tất cả mọi người nhằm làm giảm khoảng cách giới hiện nay trong phạm vi bảo trợ xã hội, đồng thời thúc đẩy trả lương ngang nhau cho các công việc có giá trị như nhau. Đặc biệt là cần phải loại bỏ bạo lực và quấy rối trong môi trường lao động với nữ giới để đảm bảo họ có một môi trường làm việc an toàn.

Đại dịch đã khiến phụ nữ phải chịu thêm nhiều gánh nặng, do đó, rất cần có sự chung tay từ cả chính quyền và xã hội nhằm trợ giúp phụ nữ nói riêng và những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nói chung có cuộc sống ổn định, an toàn hơn và có thể nhanh chóng phục hồi, cùng xã hội tiến tới bình thường mới.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục