Phụ nữ đang bị “bỏ rơi” trong kỷ nguyên số
(PNTĐ) - Dù sống trong thời đại công nghệ 4.0, quyền được an toàn và tôn trọng của phụ nữ vẫn đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha, hàng nghìn phụ nữ đang là nạn nhân của các hình thức bạo lực tinh vi hơn, ẩn mình trong bóng tối kỹ thuật số và những môi trường tưởng chừng hào nhoáng như điện ảnh. Nhưng thay vì được bảo vệ, họ vẫn đang phải tự chiến đấu trong đơn độc.

Phụ nữ trong cuộc chiến với tội phạm tình dục deepfake
Năm 2021, Ruma (cựu sinh viên đại học) bất ngờ khi nhận được hình ảnh khiêu dâm ghép mặt mình được tạo bởi AI và phát tán qua Telegram. “Tôi hoảng loạn và mất ngủ suốt nhiều tuần”, cô kể. Khi đến đồn cảnh sát, cô chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Chúng tôi không thể làm gì”.
Sau đó, Ruma phát hiện thủ phạm cũng là một cựu sinh viên họ Park. Người này đã tạo ra 1.852 hình ảnh nhạy cảm từ ảnh của 61 phụ nữ khác. Cùng đồng phạm Kang, hắn phát tán ảnh qua nhóm chat, tự xưng là “chuyên gia sáng tác ảnh”. Tòa án sơ thẩm tuyên phạt Park 10 năm tù và Kang 4 năm, nhưng đến tháng 4/2025, phiên phúc thẩm giảm án còn lần lượt 9 năm và 3,5 năm.
Vụ việc của Ruma chỉ là một lát cắt trong bức tranh đen tối về tội phạm tình dục kỹ thuật số tại Hàn Quốc. Năm 2024, có hơn 18.000 vụ được ghi nhận, tăng gần 13% so với năm trước. “Nhiều thủ phạm là trẻ vị thành niên và nạn nhân cũng vậy. Cảnh sát chỉ hỏi nạn nhân có nghi ngờ ai không, rồi kết luận không có bằng chứng. Vì vậy rất nhiều vụ đã bị gác lại”, giảng viên giáo dục giới tính Lee Han cho biết.
Theo luật sư Jo Yoon-hee, cảnh sát vẫn chủ yếu dựa vào nạn nhân để tìm ra thủ phạm. “Thiếu công cụ truy vết, họ thường yêu cầu nạn nhân tự điều tra, điều đó gây thêm tổn thương tinh thần”, bà nói.
Hàn Quốc đã nâng mức phạt với hành vi phát tán nội dung khiêu dâm deepfake lên 7 năm tù và 50 triệu won. Dù vậy, tình trạng vẫn không thuyên giảm. “Chúng ta cần đối diện với gốc rễ của vấn đề này, đó là sự bất bình đẳng giới”, Tổng thư ký Trung tâm Ứng phó bạo lực tình dục trên mạng Lee Hyo-rin nhấn mạnh.
Im lặng và sợ hãi
Không chỉ tồn tại trong không gian mạng, bạo lực giới cũng đang âm thầm len lỏi trong ngành công nghiệp văn hóa. Tại Tây Ban Nha, một báo cáo năm 2024 từ Hiệp hội các nhà làm phim nữ tiết lộ: cứ 10 phụ nữ thì có 6 người từng là nạn nhân của bạo lực tình dục. Trong đó, gần 50% bị tấn công thể xác, 81% bị quấy rối bằng lời nói, và hơn 22% bị lạm dụng qua hình thức kỹ thuật số.
“Dù xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhưng nỗi sợ bị trả thù, bị đổ lỗi hay tái trở thành nạn nhân vẫn là nguyên do chính khiến phụ nữ im lặng. Ngay cả khi họ muốn lên tiếng, cơ chế tố cáo còn thiếu minh bạch và hiệu quả”, báo cáo cho biết. Báo cáo kêu gọi ngành điện ảnh cần có những chương trình đào tạo bắt buộc về bạo lực giới, tăng cường giám sát nơi làm việc và thúc đẩy chiến dịch nâng cao nhận thức. Những đề xuất này nhằm xóa bỏ tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân và tạo ra một môi trường an toàn cho phụ nữ.
Tại Pháp, một cuộc điều tra tương tự cũng chỉ ra tình trạng quấy rối, bắt nạt và bạo lực tình dục mang tính hệ thống trong ngành văn hóa. Điều này cho thấy đây không còn là vấn đề của riêng một quốc gia.
Ruma, Judy và hàng nghìn phụ nữ khác chỉ là những nạn nhân có tên trong một danh sách ngày càng dài. Với sự phát triển của AI, các hình thức bạo lực giới không chỉ tinh vi hơn mà còn khiến việc truy cứu trách nhiệm trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Từ mạng xã hội, các nhóm chat ẩn danh cho đến môi trường nghệ thuật, phụ nữ đang đứng trước một thực tế đáng lo ngại. “Chúng ta cần bắt đầu từ giáo dục. Học sinh đã trở nên vô cảm. Nhiều em không nhận ra những gì mình làm là tội ác. Chúng ta cần dạy về quyền công dân kỹ thuật số,” Lee Han chia sẻ.
Từ những bức ảnh deepfake giả mạo gây tổn thương tinh thần đến sự im lặng ép buộc trong hậu trường nghệ thuật, một thông điệp chung đang vang lên: "phụ nữ xứng đáng được sống trong một thế giới nơi quyền con người, sự an toàn và phẩm giá của họ không còn là thứ có thể bị bóp méo hay bỏ mặc. Luật pháp cần mạnh hơn, công lý phải gần hơn và quan trọng nhất là xã hội phải ngừng quay lưng lại với những người yếu thế.