Quỹ thời gian giải quyết vấn đề khí hậu đang cạn dần

Chia sẻ

Ngày Trái đất (22/4) ra đời cách đây hơn 50 năm có ý nghĩa đặc biệt, với những hoạt động bảo vệ môi trường rộng rãi tại trên 190 nước và sự tham gia trực tiếp của hàng chục triệu người.

“Khôi phục Trái đất của chúng ta” là chủ đề của Ngày Trái đất 2021 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19 và hướng tới khôi phục lại cuộc sống bình thường, khôi phục kinh tế và khôi phục môi trường Trái đất.

Chủ đề "Khôi phục Trái đất của chúng ta" tập trung vào quá trình tự nhiên và công nghệ xanh mới nổi có thể khôi phục các hệ sinh thái trên thế giới. 

Hãng tin AFP dẫn thông báo của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhấn mạnh, quỹ thời gian cho thế giới giải quyết vấn đề khí hậu đang cạn dần.

Thế giới phải chạy đua với thời gian để giải quyết vấn đề khí hậu.Thế giới phải chạy đua với thời gian để giải quyết vấn đề khí hậu. (Ảnh: minh hoạ)

Trong thông báo, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang bên bờ vực thẳm trong vấn đề khí hậu. Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 2020 là một trong 3 năm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch COVID-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế. Mực nước biển dâng nhanh, các đợt nắng nóng khắc nghiệt, thiên tai nghiêm trọng, nhiều vụ cháy rừng...

Ông Guterres nhấn mạnh: "Năm 2021 phải là năm hành động, đây là năm quyết định tương lai của nhân loại trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050. Thế giới cần hành động nhanh và nỗ lực hơn để chấm dứt cuộc chiến với thiên nhiên”.

Nhân Ngày Trái đất, Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu. 40 nhà lãnh đạo thế giới đã được mời tham dự, trong đó có 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại Hội nghị này.

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cũng đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (12/12/2015).

Đây sẽ là cơ hội để tân Tổng thống Mỹ cam kết ý định chống biến đổi khí hậu thông qua cuộc cách mạng năng lượng sạch cho các doanh nghiệp và tạo việc làm cho người dân. Sự kiện sẽ được phát trực tiếp để công chúng theo dõi.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.