Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em là cách bảo vệ cộng đồng tốt nhất

Chia sẻ

Khi các chiến dịch tiêm chủng cho người trưởng thành đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều quốc gia đã tính đến việc sẽ tiêm vắc-xin cho trẻ em.

Tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết

Theo cổng thông tin trực tuyến cung cấp dữ liệu về nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu Statista, tính đến giữa năm 2020, có khoảng 26% dân số thế giới là trẻ em dưới 15 tuổi. Mặc dù thuộc nhóm được đánh giá có nguy cơ thấp, ít bị bệnh nặng và tử vong nhưng trẻ em vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc lây bệnh cho người lớn khi nhiễm Covid-19.

Giáo sư trường Y tế Công cộng thuộc đại học Haifa ở Israel, Manfred Green nhận định tiêm chủng cho trẻ em chính là cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch, nhất là trước sự khó lường của biến chủng Delta.

Là “hình mẫu” tiêm chủng của thế giới, Israel đã thực hiện tiêm phủ vắc-xin cho trẻ trên 12 tuổi từ tháng 6, sau khi phát hiện nhiều ổ dịch tại các trường học. Tương tự, hàng loạt các quốc gia châu Mỹ, châu Âu cũng cấp phép các loại vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi. Và ở châu Á, Indonesia, Singapore, Philippines cũng đã sớm triển khai tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi này, thậm chí, Trung Quốc còn cấp phép tiêm cho nhóm trẻ dưới 11 tuổi.

Nói về những tác động của vắc-xin đến trẻ, Giáo sư William Schaffner tại Trung tâm Y tế đại học Vanderbilt, Mỹ cho rằng, một số triệu chứng có thể xuất hiện ở trẻ sau khi tiêm là đau cánh tay, mệt mỏi và một số tác dụng phụ khác. Tuy nhiên, ông khẳng định những tác dụng phụ này “không đáng kể” so với những lợi ích mà vắc-xin mang lại trong việc bảo vệ trẻ, cũng như gia đình và cộng đồng.

Báo cáo gần đây của CDC về sự an toàn của vắc-xin Covid-19 đối với thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi - dựa trên số liệu theo dõi của 8,9 triệu thanh thiếu niên Mỹ đã được tiêm vắc-xin Pfizer cũng tiết lộ, chỉ có 9.246 trường hợp gặp các tác dụng phụ sau tiêm chủng, tương đương tỷ lệ 1/1.000 bệnh nhân được tiêm. Trong đó, có tới hơn 90% tác dụng phụ được đánh giá là “không nghiêm trọng” như chóng mặt và đau đầu. Báo cáo cũng ghi nhận không có trường hợp nào tử vong do viêm cơ tim như một số đồn đoán trước đây.

"Do sự xuất hiện của biến thể Delta, giờ đây chủng ngừa cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trở nên cấp bách hơn khi những thử nghiệm lâm sàng đã bước đầu hoàn tất và vắc-xin được chứng minh là an toàn và hiệu quả", bác sĩ bệnh truyền nhiễm Monica Gandhi ở đại học California, San Francisco, nói.

Đối với các bậc cha mẹ, có thể khó mà đưa ra quyết định tự tin giữa vô vàn nghiên cứu và thống kê. Tuy nhiên một số phụ huynh đã cảm thấy an tâm hơn khi con mình được tiêm chủng.

Brendan Lo (13 tuổi) được tiêm một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen của Northwell Health ở New Hyde Park, New York.Brendan Lo (13 tuổi) được tiêm một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen của Northwell Health ở New Hyde Park, New York. (Ảnh: Reuters.)

Quốc gia đầu tiên bắt buộc tiêm vắc-xin cho trẻ em

Costa Rica đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng bắt buộc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Việc tiêm vắc-xin ngừa cho các đối tượng thuộc nhóm tuổi này sẽ bắt đầu vào tháng 3 năm 2022.
Tờ báo địa phương The Tico Times cho biết, hồi tháng 10, Chính phủ nước này công bố mua 3,5 triệu liều vắc-xin của Pfizer. Khoảng 1,5 triệu liều trong số đó sẽ dùng để tiêm cho trẻ em, số còn lại là liều thứ ba cho người lớn. Trước đó, chính quyền Costa Rica đã yêu cầu tiêm vắc-xin Covid-19 vào danh sách bắt buộc kể từ tháng 3, nhưng không áp dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhất là các biến chủng mới liên tục xuất hiện, giới chuyên môn kết luận việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc chiến chống đại dịch. Họ khẳng định vắc-xin không chỉ bảo vệ chính sức khỏe của trẻ em mà còn mang lại lợi ích xã hội to lớn.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.