Tổ chức Khí tượng Thế giới đã gỡ bỏ đường lưỡi bò

THANH HẰNG
Chia sẻ

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây đã cắt đi phần bản đồ đường lưỡi bò trong bài đăng trên trang facebook của tổ chức này.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có trụ sở đặt tại Geneve là một tổ chức liên chính phủ với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên. Tổ chức này có nguồn gốc từ Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO).

Được thành lập bởi sự phê chuẩn của Công ước WMO vào ngày 23/3/1950, và một năm sau đó, WMO chính thức trở thành cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về khí tượng (thời tiết và khí hậu), hoạt động thủy văn và các hoạt động khoa học địa vật lý liên quan.

Ngày 23/8, Tổ chức Khí tượng Thế giới khi cập nhật tình hình nắng nóng tại Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh bản đồ có hình “đường lưỡi bò”. Được biết, đây là bản đồ mà tổ chức này đăng lại từ Cục Khí tượng Trung Quốc.

Tổ chức Khí tượng Thế giới đã gỡ bỏ đường lưỡi bò - ảnh 1
Bản đồ sóng nhiệt của Tổ chức Khí tượng Thế giới sau khi được chỉnh sửa đã không còn “đường lưỡi bò” Ảnh: WMO

Cùng ngày, một bài đăng khác của tổ chức này trên nền tảng Twitter tuy không hiển thị toàn bộ đường 9 đoạn, nhưng vẫn có vài nét đứt của đường lưỡi bò. Hình ảnh được đăng tải đã gây ra bức xúc trong cộng đồng mạng không chỉ ở Việt Nam mà còn từ nhiều nước trên thế giới.

Sau khi truyền thông cũng như các cơ quan chức năng lên tiếng về vụ việc, ngày 27/8, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã gỡ bỏ bản đồ đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong bài đăng trên trang facebook của tổ chức này và thay thế bằng hình ảnh khác. 

Theo ghi nhận của hãng truyền thông Ấn Độ ANI, bản đồ minh họa cho một bài viết về đợt nắng nóng đang diễn ra ở Trung Quốc đã được chỉnh sửa để chỉ hiển thị phần đất liền, bỏ đi phần biển có đường chín đoạn.

Cập nhật mới nhất từ Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, hình ảnh bản đồ hiển thị kể từ ngày 27/8 đã được cắt sát vào phần lục địa Trung Quốc. Điều này cho thấy yêu cầu của Việt Nam đề nghị WMO gỡ bỏ bản đồ đường lưỡi bò và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ở Biển Đông đã được lắng nghe.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam là bác bỏ cũng như không thừa nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

“Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn, cũng như các yêu sách biển trái với các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”- bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ quan điểm không chấp nhận mọi hình thức tuyên truyền xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và phủ nhận giá trị pháp lý của những nội dung vi phạm trắng trợn tuyên bố chủ quyền của Hà Nội ở Biển Đông.

 “Việt Nam cho rằng, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá, đăng tải nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là vô giá trị”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Các cơ quan như đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve (Thụy Sĩ) cũng đã trao đổi với Tổ chức Khí tượng Thế giới về vấn đề này.

Có thể nhận định rằng, việc Việt Nam lên tiếng phủ nhận các hành vi tuyên truyền, quảng bá, đăng tải nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông như tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 25/8 vừa qua là chính xác, đúng đắn, kịp thời.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu Tổ chức Khí tượng Thế giới tôn trọng chủ quyền, gỡ bỏ bản đồ chứa đường lưỡi bò của Trung Quốc đã được lắng nghe. Tiếng nói được tôn trọng. Điều này cho thấy vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục