Trung Quốc vẫn kiên trì chiến lược “Zero Covid”

Chia sẻ

Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã bắt đầu “sống chung” với Covid-19, coi đó là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại thì Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược không Covid (Zero Covid).

Nhiều lợi ích

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng ca ngợi Trung Quốc bởi những thành công trong việc kiểm soát đại dịch. Trong một bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, việc kiên trì với chiến lược Zero Covid là cần thiết nhưng phải được thực hiện một cách linh động, kiểm soát đà lây nhiễm càng sớm càng tốt. Quan điểm của Bắc Kinh về đại dịch là nhất quán kể từ khi virus mới xuất hiện. Chính quyền cho rằng virus luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, do đó, nhiều loại vắc-xin đã được phát triển nhưng vẫn cần duy trì các biện pháp nghiêm ngặt để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống y tế.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn yêu cầu cách ly ít nhất hai tuần đối với người nước ngoài, các ổ dịch nhỏ nhất tiếp tục được xử lý bằng phương pháp xét nghiệm truy vết và cách ly, thậm chí sử dụng biện pháp phong toả nếu số ca nhiễm tăng mạnh. Cách tiếp cận này được giới chức nhận định sẽ giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm gây bùng phát dịch trên diện rộng. Ước tính Trung Quốc đã tránh được khoảng 1 triệu ca tử vong và 50 triệu ca nhiễm nhờ kiên trì với chiến lược “Zero Covid”.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng thể hiện tính ưu việt khi giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt mong đợi. Theo Bloomberg, doanh số bán lẻ của quốc gia tính tới cuối tháng 2 đạt mức 6,7%, tăng mạnh từ mức 1,7% vào ngày 31/12/2021, sản lượng công nghiệp tăng từ 4,3% lên 7,5%. Trước các thách thức địa chính trị mới, Trung Quốc đang thay đổi chiến lược “Zero Covid” để thích ứng.

Theo đó, một hệ thống khép kín được đưa ra nhằm hỗ trợ các nhà máy có thể tiếp tục hoạt động. Các công nhân trong nhà máy sẽ được quản lý theo mô hình “bong bóng cách ly”, họ sẽ ở lại ký túc xá của công ty, được đưa đón và xét nghiệm đo thân nhiệt thường xuyên.

Biến thể Omicron gây ra nhiều thách thức đối với chiến lược Biến thể Omicron gây ra nhiều thách thức đối với chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc  Nguồn: China Daily

Cần có sự thay đổi

Sự biến đổi nhanh chóng của virus khiến tần suất các đợt bùng phát ngày càng dày, kéo theo các đợt phong tỏa kéo dài hàng tuần dẫn tới tình trạng thiếu lương thực và chăm sóc y tế như ở Tây An hồi đầu tháng 1 hay sự phong toả tại thủ phủ công nghệ Thâm Quyến. Bên cạnh đó, lệnh hạn chế đi lại khiến người tiêu dùng dần “xa lánh” với các kỳ nghỉ, mua sắm và ăn uống bên ngoài, kéo theo doanh số bán lẻ giảm.

Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 có thể giảm 0,5% do biến chủng Omicron, thậm chí tăng trưởng kinh tế có thể giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ (1,5%) nếu Trung Quốc phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn dịch.

Trên phương diện quốc tế, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Đợt phong toả vừa qua ở Thâm Quyến khiến Foxconn (công ty sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới) phải tạm dừng hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn, nhà máy sản xuất chip hàng đầu Micron Technology và Samsung Electronics cũng phải dừng hoạt động khi Tây An bị phong toả một tháng.

Việc liên tục phong toả có thể khiến Trung Quốc bị “cô lập” với thế giới trong một thời gian dài, tuy nhiên, theo giới chức Trung Quốc, nếu không có chính sách “Zero Covid”, nhiều gián đoạn lớn hơn có thể xảy ra khi người lao động nhiễm bệnh và không thể đi làm, nhất là khi quốc gia này được xem là “đại công xưởng của thế giới”.

Nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc) Wei Nanzhi trong một cuộc phỏng vấn đã khẳng định chính phủ có thể sẽ cân nhắc từ bỏ chiến lược “Zero Coivid” khi nó không còn phù hợp. Ông cũng kêu gọi lấy mô hình mở cửa của Anh và Singapore để rút kinh nghiệm.

Nhiều chuyên gia khác khẳng định, chính phủ Trung Quốc sẽ cần điều chỉnh chiến lược ứng phó với Covid-19 khi các biến chủng mới dễ lây lan hơn xuất hiện. Theo các chuyên gia, trong trường hợp biến thể mới xuất hiện mà không gây ra triệu chứng nghiêm trọng, chính phủ có thể thay đổi chiến lược "Zero Covid" mà không gây nhiều khó khăn cho người dân.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.