Ươm mầm hạnh phúc dưới tán bồ đề

Chia sẻ

Một buổi sáng đầu mùa hè, mặt trời lên ấm áp. Khói bếp bốc lên từ những mái nhà sàn tại xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Chị Triệu Thị Liều, 34 tuổi, dậy sớm nấu cơm cho chồng là anh Triệu Kim Chu, 38 tuổi. Mùi cơm nấu từ gạo mới gặt tỏa ra thơm lừng gian bếp nhỏ. Sau khi ăn sáng xong, họ sẽ cùng nhau lên núi lấy nhựa cây bồ đề.

Trước đây, họ trồng cây bồ đề chỉ để lấy gỗ nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, họ đã nắm bắt được kỹ thuật lấy nhựa bồ đề, bán lại nhựa thô cho doanh nghiệp để sản xuất nước hoa, tinh dầu, có giá trị cao hơn nhiều so với trồng cây bồ đề lấy gỗ.

Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng chị Liều anh Chu dưới tán bồ đề. Ảnh: GREATNụ cười hạnh phúc của vợ chồng chị Liều anh Chu dưới tán bồ đề. Ảnh: GREAT

Lợi ích từ dự án sản xuất cánh kiến trắng

Chị Liều lấy chồng năm 20 tuổi. Nay đã có hai con, 12 và 14 tuổi. Gia đình chị làm ruộng như hầu hết người Dao trong bản.

Mọi công việc nặng nhọc dồn hết lên đôi vai những người phụ nữ trong nhà. Chị Liều cùng các chị em dâu phải dậy từ khi mặt trời chưa mọc. Họ nấu cơm cho cả gia đình rồi ra đồng làm việc từ sáng sớm.

Ở bản người Dao nói riêng và vùng nông thôn, miền núi nói chung, tình trạng trọng nam khinh nữ rất rõ rệt. Dù là lao động chính trong nhà nhưng những người phụ nữ như chị Liều không được quản lý tiền. Mọi của cải trong nhà do chồng chị giữ. Muốn mua gì chị cũng phải xin tiền chồng. Khi chồng và bố chồng ngồi trên ghế thì những người con dâu, con gái trong nhà không được ngồi ngang hàng mà phải ngồi dưới đất. Đôi lúc trái ý chồng hoặc khi chồng say rượu, họ còn bị chồng đánh mắng. Nhiều thế hệ người Dao đã sống như vậy. Những người phụ nữ Dao cũng cam chịu cuộc sống như vậy.

Cho đến khi vợ chồng chị Liều tham gia trồng và khai thác cây bồ đề, trong khuôn khổ dự án GREAT (Gender Responsive Equitable Agriculture and Tourism Program – Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch do Chính phủ Úc hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA), cuộc sống của chị đã hoàn toàn thay đổi.

Nhiều năm nay, gia đình chị cũng như người dân địa phương thường khai thác cây lấy gỗ, tuy nhiên loại cây này còn có công dụng bền vững hơn thế, đó là sản xuất ra benzoin (hay còn gọi là nhựa bồ đề, cánh kiến trắng), là một loại nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trên thế giới để sản xuất nước hoa. Nhu cầu về nhựa bồ đề ở các nước Châu Âu như Pháp, Đức đang ngày càng tăng. 

Dự án GREAT đang phối hợp với Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú chuyển giao mô hình khai thác nhựa cho người dân, tập huấn cho họ cách chăm sóc cây, kỹ thuật lấy nhựa và đảm bảo thu mua thành phẩm.

Bồ đề sinh trưởng trên núi cao, mặc dù chỉ cách nhà chị Liều độ 4km nhưng phải đi mất 40 phút mới tới nơi. Hai vợ chồng đi bằng xe máy đến chân núi thì đi bộ lên.

Trong khi anh Chu chuẩn bị dụng cụ leo lên cây lấy nhựa thì chị Liều đi quan sát xem cây sinh trưởng có tốt không. Với chiếc liềm trong tay, chị thoăn thoắt phát quang bụi rậm, nhổ cỏ và cây dại mọc cạnh cây bồ đề.

Những hạt bồ đề già sẽ được người dân nhặt lại để tiếp tục ươm thành cây mới. Ảnh: Ngô MinhNhững hạt bồ đề già sẽ được người dân nhặt lại để tiếp tục ươm thành cây mới. Ảnh: Ngô Minh

Vừa làm, chị vừa trò chuyện: “Năm nay là năm đầu tiên nhà tôi thu được nhựa cây bồ đề, chúng tôi phấn khởi lắm.”

Anh chị cho biết cây này dễ trồng, không lo sâu bệnh. Quan trọng nhất là kỹ thuật tạo vết thương trên thân cây để nhựa chảy ra.

“Tôi rạch vào vỏ cây, không được rạch sâu quá nếu không cây sẽ chết. Mỗi vết rạch cách nhau gần 1m. Từ đó thì nhựa sẽ chảy ra, đọng ở trên phần vỏ. Thu hoạch nhựa cũng đòi hỏi có kỹ thuật. Chỉ bóc tách nhựa ra khỏi vỏ cây thôi, không được đẽo cả vỏ đi không thì cây cũng chết,” anh Chu nói.

Chị Triệu Thị Liều (giữa) cùng các chị em trong bản thoăn thoắt sơ chế nhựa cây bồ đề thô sau khi thu hoạch. Ảnh: Ngô MinhChị Triệu Thị Liều (giữa) cùng các chị em trong bản thoăn thoắt sơ chế nhựa cây bồ đề thô sau khi thu hoạch. Ảnh: Ngô Minh

Khi nhựa thô được thu hoạch về, chị Liều lại cùng vài chị em trong bản sơ chế, cạo sạch các chất bẩn rồi gọi cho Công ty Đức Phú đến thu mua. Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là thời điểm thuận lợi để người dân rạch vỏ cây, tạo vết thương. Sau 15 ngày mới có những giọt nhựa đầu tiên, cứ như vậy đến tháng 12 thì thu hoạch. Năng suất nhựa của 1 cây bồ đề 7 đến 10 năm tuổi là khoảng 0,3kg/năm; giá thấp nhất là 150.000 đồng/kg. Giá nhựa bồ đề thô hiện nay là 200.000/kg.

Tính sơ bộ chỉ cần 1ha (bồ đề 7 tuổi) có 1.000 cây cho thu hoạch nhựa thì đã có thể cho thu nhập 60 triệu đồng/năm, đó là chưa kể sau khi thu hoạch nhựa khoảng 10 năm thì gỗ bồ đề lại được bán với giá gỗ lớn (khoảng 2 triệu/m3) ước đạt 80m3/ha thu nhập thêm khoảng 160 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy việc trồng cây bồ đề để định hướng lấy nhựa sẽ cho thu hoạch rất cao.

Cố vấn trưởng Dự án GREAT - ông Phil Harman cho biết, nhóm điều phối Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác và chính quyền địa phương để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Dự án nhằm phát triển bền vững diện tích cây bồ đề trên địa bàn huyện Văn Bàn (Lào Cai), góp phần nâng cao chất lượng rừng, chống xói mòn, sạt lở, hạn chế thiên tai, đồng thời mang lại sinh kế cho người dân, trọng tâm của dự án là phụ nữ.

Cuộc sống mới dưới tán bồ đề

Vì trồng bồ đề sau 7-8 năm mới lấy được nhựa nên dự án GREAT hướng dẫn người dân trồng xen gừng dưới tán cây bồ đề, vừa tiết kiệm diện tích, công sức lao động mà lại có thêm thu nhập trong thời gian ngắn.

“Vài năm trước, căn nhà dột nát quá, tôi phải vay ngân hàng 40 triệu đồng để sửa sang, nay thì nhờ có dự án GREAT, đời sống gia đình được cải thiện rất nhiều. Tôi vừa mới trả hết nợ rồi,” chị Liều vui vẻ nói.

Nhựa “cách kiến trắng” từ cây bồ đề. Ảnh: GREATNhựa “cách kiến trắng” từ cây bồ đề. Ảnh: GREAT

Từ khi tham gia tập huấn rồi cùng chị em địa phương lập nhóm sơ chế nhựa bồ đề, chị Liều lại có cơ hội tham gia sinh hoạt hội phụ nữ địa phương, cùng các chị em tập văn nghệ, hưởng ứng các phong trào như “5 không, 3 sạch”, liên hoan nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, tham gia các khóa học về phòng chống bạo lực gia đình.

“Ngày trước phụ nữ chúng tôi không có mấy ngày vui, giờ thì cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi cũng dùng điện thoại thông minh, cũng có Facebook, Zalo, cũng biết mua quần áo online rồi,” chị cười.

Anh Chu thấy vợ đang vui, liền nói thêm vào: “Dạo này vợ mình xinh ra đấy.”

Chị bật mí rằng bây giờ chồng mình rất chăm chỉ đi làm. Trong nhà, chị là người được giữ tiền rồi. Vợ chồng bình đẳng và tôn trọng nhau.

Mỗi ngày, hai vợ chồng chị lại cùng nhau lên núi chăm sóc cây bồ đề, nhặt những hạt già để ươm thành cây. Lớp lớp những cây bồ đề non rồi sẽ phủ xanh vạt rừng này, mang lại sự ấm no và hạnh phúc cho người dân địa phương.

Cuộc sống ấm no của người dân xã Nậm Tha thuộc huyện Văn Bàn (Lào Cai) dần ấm no hơn nhờ những giọt nhựa thơm. Núi rừng vang tiếng reo ca…

Nhựa cây bồ đề (storax, snowbell), tên khoa học là Styrax tonkinensis. Theo Đông y thường có vị cay, đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng khai khiếu, hành khí, hoạt huyết, an thần. Nhựa của cây bồ đề có mùi thơm vani, do đó nó được dùng để chế tạo ra một loại nước hoa. Ngoài ra, trong nhiều ngành công nghiệp, nhựa bồ đề còn được chế tạo làm các vật dụng cao su cứng.

 

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.