1.079 năm ngày mất Đức vua Ngô Quyền: Vị vua có công chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hằng năm, đến ngày 14/8 âm lịch - ngày mất Đức vua Ngô Quyền, cán bộ, nhân dân và du khách thập phương lại về xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây để dâng hương, tưởng nhớ vị Vua gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm xưa. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi của dân tộc, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; là cơ sở để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ dân tộc.

Ngày 28/9 (tức ngày 14/8 âm lịch), tại đền thờ và lăng Ngô Quyền, ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức Lễ dâng hương nhân 1079 năm ngày mất Đức vua Ngô Quyền (944-2023). Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ công lao của Đức vua Ngô Quyền - vị vua đã có công chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền (897-944) sinh ra và lớn lên ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm. Từ nhỏ, ông được nuôi dưỡng, được luyện tập cung kiếm, văn võ song toàn, trưởng thành. Mến mộ tài đức của ông, đã có hàng ngàn trai trẻ quanh vùng tập hợp làm quân sĩ. Ông được tướng Dương Đình Nghệ gả con gái và giao cho trông giữ đất Ái Châu, vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.

Tháng 3 năm Đinh Dậu (937) Kiều Công Tiễn phản nghịch giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết Độ Sứ nên khắp nơi lòng người đều oán ghét. Ngô Quyền đã kéo quân từ Thanh Hóa ra đóng quân vùng Hải Phòng để chiêu mộ thêm binh lực, luyện tập binh sĩ, chờ ngày diệt quân tham bạo. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã hèn nhát cho tay sai đem vàng bạc châu báu sang cống nạp vua Nam Hán xin cầu cứu.

Cuối năm 938 – Hoằng Thao là con trai Vua Nam Hán thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng Đông Bắc ồ ạt tiến vào nước ta. Ngô Quyền bí mật cử quân đi giết Kiều Công Tiễn trừ họa bên trong, ông hạ lệnh cho quân sỹ cùng nhân dân địa phương vùng Thủy Nguyên – Hải Phòng chặt gỗ, đẽo nhọn rồi đóng vào nơi cửa sông Bạch Đằng, bày thế trận đánh giặc.

1.079 năm ngày mất Đức vua Ngô Quyền: Vị vua có công chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc - ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố dâng hương tại Đền thờ Đức vua Ngô Quyền.

Ông cho chuẩn bị 200 thuyền nhẹ tới chỗ giặc đóng quân để khiêu chiến, giả thua chạy, lừa chiến thuyền giặc lọt vào trận địa. Chiến thuyền của giặc do Hoằng Thao chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, đuổi theo. Chờ cho nước thủy triều rút, ngô Quyền hạ lệnh phản công từ các mũi, vừa lúc nước thủy triều rút mạnh thuyền giặc càng lao nhanh, đâm vào mũi cọc bị vỡ tan tành.

Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam; chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, là cơ sở để mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, xây dựng Nhà nước độc lập, tự chủ. Ông xưng Vương hiệu là Tiền Ngô Vương, định đô ở Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944.

Sau khi vua Ngô Quyền mất, đền thờ ông được xây dựng ở nhiều địa phương dọc sông Bạch Đằng. Tại Đường Lâm, nhân dân xây dựng cả đền thờ và lăng (tương truyền là nơi đặt mộ của vua). Hàng năm, cứ đến ngày 14/ 8 âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cùng du khách thập phương trong cả nước lại tề tựu về Đường Lâm trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông; ghi nhớ công ơn của vị “Anh hùng dân tộc” Ngô Quyền và các bậc tiền bối của dân tộc.

Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Đền có quy mô gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung1. Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh. Đại Bái đền thờ là một nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán "Tiền vương bất vong" (Vua Ngô Quyền sống mãi).

Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu Cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá... gian giữa có đặt tượng thờ Đức vua Ngô Quyền.

1.079 năm ngày mất Đức vua Ngô Quyền: Vị vua có công chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc - ảnh 2
Đền thờ Vua Ngô Quyền ở xã Đường Lâm. ẢNH: INT

Lăng mộ Vua Ngô Quyền được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874) và trùng tu năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). Lăng được xây kiểu nhà bia có mái che, cao khoảng 1,5m. Giữa lăng là ngai, trong có bia đá ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương Lăng" (Lăng mộ Vua Ngô Quyền).

Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, có 18 cây duối cổ - tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa - đã được công nhận là "Cây di sản" cấp quốc gia vào năm 2011.

Hiện nay, thị xã Sơn Tây đang xây dựng thực hành tín ngưỡng Tục thờ đức vua Ngô Quyền gắn với Lễ kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc – Đức vua Ngô Quyền tại Đường Lâm.

Trên quê hương đã sinh ra hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, cho đến ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ và 90 ngôi nhà cổ có niên đại hơn 100 năm và hơn 1.000 ngôi nhà truyền thống. Làng cổ Đường Lâm là di tích hiếm có, thuộc dạng độc nhất vô nhị của cả nước. Năm 2005, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm hướng dẫn được hơn 36,5 vạn lượt khách tham quan tại các di tích trên địa bàn thị xã Sơn Tây, trong đó, di tích Làng cổ ở Đường Lâm đón hơn 8,5 vạn lượt khách, di tích Văn Miếu đón khoảng 1 vạn khách, riêng di tích Thành cổ Sơn Tây và phố đi bộ bờ hào Thành cổ đón 25 vạn khách.

Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, các trường học trên địa bàn và các công ty du lịch trên địa bàn Thành phố thực hiện chương trình tìm hiểu giá trị di tích xứ Đoài, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn. 9 tháng đầu năm 2023 đã đón tiếp hơn 4.000 học sinh tại các trường THCS và Tiểu học trên địa bàn thị xã và hơn 10.000 học sinh của các trường  thuộc các tỉnh, thành phố lân cận đến tham quan và tìm hiểu các di tích tại địa phương như: Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu Đường Lâm, di tích làng cổ ở Đường Lâm trong đó có đền và lăng Vua Ngô Quyền.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.