Hội LHPN Nam Từ Liêm:

An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phụ nữ làm nghề thu gom, phân loại rác thải môi trường được gọi là lao động “ve chai”. Họ là đội ngũ lao động không chính thức, có nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế…

Tái chế rác thải: Nghề thầm lặng!

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh và bảo vệ môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom rác thải và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về truyền thông sức khỏe, an toàn môi trường xã hội cho nhóm phụ nữ thu gom rác thải và phế liệu, lớp tập huấn cho phụ nữ tham gia thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa quận Nam Từ Liêm do Hội LHPN quận phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng (CECR) tổ chức vừa qua đã thu hút sự tham gia của 55 cán bộ Hội Phụ nữ quận, phường và 50 chị em làm công tác thu gom ve chai, phế liệu trên địa bàn quận. 

Các chị được các chuyên gia truyền đạt, hướng dẫn, tập huấn về giáo trình để triển khai các lớp tập huấn tại các phường với nội dung chia sẻ về kết quả khảo sát, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ năng thương thảo giá, kỹ năng truyền tải thông tin hiệu quả, thông tin tổng quan về các văn bản pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, thách thức trong vấn đề thu gom phân loại rác thải tại nguồn…, từ đó, nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom “ve chai”. 

An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 1
Bà Lê Thị Bích Hà - Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm phát biểu tại hội nghị tập huấn

Tại hội nghị tập huấn, bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, phụ nữ làm nghề “ve chai” đang gặp nhiều thách thức khi làm nghề. Đó là thiếu hướng dẫn, chính sách cụ thể về phân loại rác, thiếu dụng cụ kỹ thuật để phân chia các loại rác; bảo hộ lao động không bảo đảm; điều kiện lao động ô nhiễm, độc hại; phương tiện lao động thô sơ; bị ảnh hưởng tới sức khỏe; kỹ năng thương thảo giá cả còn hạn chế.

Còn theo ông Nelson Bustamante - chuyên gia về An toàn xã hội và môi trường của Hiệp hội Tái chế rác thải toàn diện tại Colombia (iWRc), thì những người thu gom phi chính thức không giống nhau. Họ có những cách riêng để thu gom rác thải tốt nhất theo khả năng, năng lực và nhu cầu cá nhân. Trong đó, một số người sử dụng xe đạp để đi khắp đường phố thu gom rác thải  từ các hộ gia đình và các hộ kinh doanh. Trong khi một số người có các mối liên hệ tốt hơn để tiếp cận các địa điểm có rác thải giá trị cao (Ví dụ: Công trường xây dựng, bãi chôn lấp...). Họ kiếm khoảng 100-200 nghìn đồng mỗi ngày, nhận việc thu gom rác thải, đem lại nguồn thu nhập bổ sung từ các công việc khác. Một số người làm việc trên đường phố để nhặt rác, một số người làm việc tại các cửa hàng phế liệu để buôn bán chất thải có giá trị, một số khác là chủ doanh nghiệp và là một phần của chuỗi cung ứng chất thải.

Những người thu gom chất thải phi chính thức dù có đóng góp đáng kể cho xã hội nhưng không được đối xử với giá trị và sự tôn trọng mà họ đáng có. Tuy nhiên, ngày nay, càng có nhiều sự công nhận về mặt pháp lý đối với công việc này, đảm bảo các thành viên nhận thức được rằng, mọi người ở nơi làm việc phải được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng. 

An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 2
Những phụ nữ làm nghề thu gom rác thải nhựa và cán bộ phụ nữ tham gia lớp tập huấn

Theo ông Nelson Bustamante, cần đảm bảo các thành viên nhận thức được rằng mọi người ở nơi làm việc phải được đối xử công bằng trong ngành nghề thu gom rác thải. An toàn, sức khỏe và điều kiện làm việc tốt hơn sẽ cải thiện năng suất lao động của người thu gom rác thải. Họ có quyền được an toàn, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc tại nơi làm việc; quyền được trải nghiệm an toàn khi làm việc, kể cả làm việc độc lập.

“Để giữ an toàn, người lao động nên quan tâm đến sự an toàn của chính họ; chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi hoặc thiếu sót của họ; tuân thủ các hướng dẫn an toàn; sử dụng các thiết bị an toàn và thiết bị bảo hộ một cách chính xác”, ông Nelson Bustamante khuyến nghị người lao động.

Ông cũng phân tích những rủi ro chung mà người lao động cần nhận biết, đó là kim tiêm, thủy tinh, kim loại và phế liệu sắc nhọn, chất thải y tế, chất thải thực phẩm, chất thải hóa học, nguy hiểm về mặt sinh học, nguy hiểm từ động vật (cắn, đốt và bệnh dại)… cùng các rủi ro khác.

Đặc biệt, ông Nelson Bustamante nhấn mạnh các vấn đề kỳ thị xã hội, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, mất cân bằng quyền lực, phụ thuộc (ma túy, rượu), bạo lực trong cộng đồng; bạo lực tại nơi làm việc và gia đình, khối lượng công việc tăng gấp đôi/gấp ba mà người lao động cần biết. Ông cũng mong muốn truyền tải tới các phụ nữ lao động "ve chai" tự bảo vệ chính mình khỏi những rủi ro khi tiếp xúc với các rác thải độc hại và tăng cường việc thu gom rác thải hiệu quả hơn.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Bà Lê Thị Bích Hà – Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm cho biết, dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững” thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cùng đơn vị tài trợ là Tổ chức Bảo tồn Đại dương được triển khai tại quận Nam Từ Liêm từ năm 2020 đến nay với sự tham gia tích cực của các cấp Hội Phụ nữ.

Các hoạt động đã và đang được triển khai trong trong giai đoạn I của dự án với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của Hội như: Mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác thải giá trị thấp từ hộ gia đình; chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 200 phụ nữ thu gom phế liệu ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền 800 triệu đồng và tổ chức ra quân làm sạch ao Bồ Đề hưởng ứng ngày Nước thế giới 22/3 và tổ chức chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng. 

An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 3
Phụ nữ nhặt ve chai gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi làm nghề

Tiếp tục triển khai giai đoạn II của dự án, sau khi Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng triển khai phối hợp với Hội LHPN quận khảo sát để nắm bắt các thông tin về an toàn lao động và vệ sinh môi trường, ngày 9/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Nam Từ Liêm phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Môi trường (CECR) và Cộng đồng tổ chức tập huấn cho phụ nữ tham gia thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa tại quận Nam Từ Liêm. 

“Trong thời gian triển khai dự án giai đoạn I gắn với hoạt động công tác Hội, các chị đã có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thu gom phế liệu, ve chai. Giai đoạn II của dự án sẽ nhằm nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh và bảo vệ môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về truyền thông sức khỏe, an toàn môi trường xã hội cho nhóm phụ nữ thu gom rác thải và phế liệu, các chuyên gia đã truyền đạt, hướng dẫn, chia sẻ về kết quả khảo sát, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ năng thương thảo giá, kỹ năng truyền tải thông tin hiệu quả, thông tin tổng quan về các văn bản pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, thách thức trong vấn đề thu gom phân loại rác thải tại nguồn…” – bà Lê Thị Bích Hà cho biết.

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly cũng khuyến nghị: Cần tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia vào thu gom, phân loại, tái chế rác giá trị thấp tại cấp cơ sở. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ để khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý chất thải nhựa, đặc biệt là ở giai đoạn phân loại và thu gom. Tổ chức và tập hợp lại nhóm lao động này lại thành các hợp tác xã/hiệp hội/tổ đổi công/câu lạc bộ về thu gom rác thải, có tư cách pháp nhân để cải thiện điều kiện lao động, sức khỏe, có cơ hội nhận hỗ trợ từ các cấp.

Tại hội nghị Hội LHPN quận đã công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ thu gom phế liệu với 23 thành viên gồm 13 cán bộ Quận Hội và cơ sở với 10 nữ thu gom ve chai của 10 phường. Câu lạc bộ có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường và hướng dẫn các phụ nữ lao động thu gom ve chai đảm bảo an toàn lao động khi thực hiện công việc.

Các thành viên câu lạc bộ và đại biểu tham gia hội nghị đã được hướng dẫn thảo luận để lập kế hoạch triển khai hoạt động “Dấu vân tay xã hội” tại các phường nhằm tăng cường nhận thức về an toàn lao động cũng như trao đổi, thảo luận để giải quyết những khó khăn của công việc thu mua đồng nát. Bằng phương pháp, hình thức tập huấn phong phú, đa dạng và thảo luận tích cực, Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như huy động được sức mạnh của tập thể Hội và phụ nữ thu gom ve chai chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời đảm bảo an toàn lao động trong công tác thu gom phế liệu. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.