Ánh dương kiêu hãnh

Chia sẻ

Đã 4 năm Lam không về nhà, kể từ lần bị bố đuổi đi, trong một buổi chiều cuối đông rét căm căm, buốt da buốt thịt. Lam bướng, nên bố đuổi thì cô đi, mà đã đi là đi xa, đi hẳn, vào tận miền Nam xa xôi, nơi quanh năm chỉ có ánh nắng ấm áp để vỗ về.

Suốt 4 năm qua, cứ mỗi lúc biết tin ở quê nhà trở rét đậm, rét hại, Lam lại nhớ về ngày bị tống khứ ra khỏi nhà. Vì bố bảo, một gia đình gia giáo không thể chứa chấp một đứa con gái hư hỏng được. Mẹ Lam không thể nói gì để bênh con gái, đứng không vững, suy sụp dựa vào thành cửa mà khóc thương con. Lam ghét bố vì cái tư tưởng cổ hủ đến mức khắc nghiệt, quay đầu một mạch đi thẳng, mang theo chiếc túi quần áo nhỏ cùng đứa con đang lớn dần trong bụng. Chỉ vài ngày sau khi tá túc tạm ở nhà đứa bạn thân, Lam lên đường bỏ vào Nam.

Lam không muốn lấy chồng, nên quyết định chỉ sinh con và tự nuôi mà không cần một người đàn ông nào ở bên cả. Cô ghét hôn nhân, ghét sự ràng buộc với một người đàn ông xa lạ, kéo theo sự quan tâm cả nhà anh ta nữa. “Sao phải vậy khi tự mình có thể nuôi sống chính bản thân mình, mà cuộc sống vẫn đẹp tươi?”, Lam luôn đấu khẩu lại như vậy mỗi khi bố mẹ hỏi cô về chuyện lập gia đình.

Cũng chính vì kiên định quá, mà nhiều lần Lam và bố cãi nhau ngay trong bữa cơm. Ông cho rằng cái lối suy nghĩ của Lam là vớ vẩn, là nhiễm dăm ba thứ văn hóa ngoại lai bên ngoài rồi nghĩ mình hay. “Thử nay mai mày già đi xem, không có chồng con ở bên, rồi lủi thủi cho đến lúc chết!”, ông đay nghiến khi không thể bình tĩnh mà khuyên nhủ con gái được nữa. Ngược lại, Lam vẫn ngoan cố: “Bây giờ thời thế khác nhiều rồi bố ạ, con cũng không chủ đích lấy chồng lúc trẻ để hy vọng ba mươi năm sau có người ở bên, có đứa con hầu hạ mình. Ngày ấy còn xa lắm!”.
Cứ như vậy, mỗi lần Lam về nhà là một lần căn nhà vốn yên ắng lại tanh bành cả lên. Mắng con không được, bố Lam quay sang xỉa xói mẹ Lam, rằng bà không biết dạy con, “nó hỏng rồi đấy, chứ chả phải hư nữa đâu!”. Là người ở giữa, nhưng mẹ Lam cũng đành chịu kẹt, vì bà không dám cãi lại chồng mình. Bao nhiêu năm nay, người phụ nữ ấy cất đi tiếng nói của mình phía sau lưng chồng, sống một cuộc đời an phận đến mức nhẫn nhục. Thế nên, muốn bênh con gái lắm, nhưng lực bất tòng tâm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy không khí trong nhà chẳng còn vui vẻ gì nữa, được một hai ngày, Lam lại xách túi, bắt xe lên thành phố đi làm. Cô cũng không hề muốn mang tiếng là đứa con mất dạy, hỗn láo, nhưng cứ bị tư tưởng cũ của bố “chặn” lại, không được mẹ ở bên động viên, không được bất kỳ ai thấu hiểu cho mình, là “con ngựa hoang” trong cô lại trỗi dậy, vẫy vùng để thể hiện bản lĩnh. Nhưng vẫy vùng thì đau, mà đau thì rơi nước mắt, lúc ấy, Lam lại chỉ có một mình.

Những ký ức ngày xưa lại hiện về. Tâm hồn bé bỏng của cô bé Lam đã sớm nhạy cảm với những chuyện riêng tư của bố mẹ. Lam từng thấy bố mắng mẹ, đánh mẹ, nhưng mẹ chỉ im lặng. Lam biết bố có người khác ở ngoài, bố đi vắng đến cả tuần mới về, nhưng mẹ cũng không nói gì, mẹ chỉ khóc. Bố cũng chẳng mấy khi hỏi thăm xem Lam học hành thế nào. Những chuyện như thế, Lam không hề thấy đúng như trong sách vở hay những cuốn truyện cô bé được đọc, nơi mà hạnh phúc gia đình tràn ngập, bố mẹ yêu thương nhau, yêu thương con cái mình. Nên càng lớn, trong Lam càng có suy nghĩ, hạnh phúc gia đình là thứ gì đó xa vời với mình, như kiểu không hề có thật, chỉ là vỏ bọc, là thứ tưởng tượng ra mà thôi.

Lớn lên, Lam chọn cho mình một công việc có thể giúp cô hướng ngoại, được nay đây, mai đó để trải nghiệm và cũng là vỗ về những nỗi buồn khó nói của tuổi thơ kia. Nhưng bố lại không đồng ý, luôn chì chiết và chê bai đó là công việc không hề ổn định như làm nhà nước, giống con ông này, ông nọ trong làng. Bố bảo đàn bà phải biết an phận chứ bay nhảy lắm thì chỉ có hư. Lam càng ghét bố.

Đã gần tuổi 30 và cũng có chút vốn liếng để dành sau những năm tháng đi làm, Lam quyết định sẽ can thiệp y học để làm mẹ đơn thân. Cô nghĩ mình đã đủ trưởng thành nên đi làm luôn mà không cần xin phép ai cả. Thành công, cô mới về báo cáo bố mẹ. Đó chính là nguồn cơn để bố Lam tuyên bố đuổi Lam ra khỏi nhà, “tao không có thứ con gái như mày!”.

Đó là câu nói cuối cùng Lam nghe được từ bố, suốt 4 năm qua. Đến một vùng đất mới và tất cả đều là xa lạ, Lam thấy dễ thở hơn nhiều. Cô nhanh chóng đi làm, sinh con, nuôi con một mình mà không bị quá nhiều ánh mắt dòm ngó, chê bai hay bỉ bôi gì cả. Lam từng nghĩ đó là những ngày mình được sống là chính mình nhất.

Cho đến khi những bối rối, trục trặc trong quá trình nuôi con thật sự bắt đầu. Lam không nghĩ mình lại có nhiều vấn đề đến vậy khi nuôi nấng một đứa trẻ. Không chỉ về kinh tế, cô còn phải xoay sở nhiều thứ trong cách dạy con, cân bằng giữa công việc và con để không bỏ bê con gái mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tất nhiên, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua nhưng chẳng hiểu sao, mỗi khi hai mẹ con cùng nhau vượt qua một giai đoạn nào đó, Lam lại thấy mình trầm hơn và nhớ nhà nhiều hơn một chút. Có lẽ khi đã làm mẹ, người ta sẽ tự cho mình bao dung nhiều hơn, tha thứ nhiều hơn và nhìn cuộc đời bằng ánh mắt dịu hiền hơn hẳn? Phải chăng Lam bắt đầu giống mẹ mình rồi? Lam lại nghĩ đến bố, không được, mình không thể giống mẹ, như thế thì sẽ là một vòng tròn luẩn quẩn mất thôi!

Mẹ vẫn gọi điện hỏi han Lam đều đều, bà rất day dứt vì chẳng thể bên con gái những ngày vượt cạn. Lam thấy bà vẫn thế, như bao nhiêu năm nay, an phận, nhẫn nhục bên người chồng nhiều quy tắc đến đáng sợ của mình. Mẹ hay nhắc tới bố với Lam, dù cho cô cãi lại rằng không muốn nghe đến ông ấy. Nhưng mẹ cứ kể, còn bảo rằng bố đã biết sai rồi. Lam chẳng tin.

4 năm xa nhà, con gái Ánh Dương của Lam cũng đã gần 4 tuổi, được mẹ dẫn đi khắp đó đây khám phá. Chỉ duy nhất một nơi chưa thể về. Mùa đông năm nay lại bước vào những ngày rét nhất rồi, chương trình thời tiết bảo vậy mà lòng Lam bỗng xót xa. Cô nhớ lại tấm ảnh chiều hôm trước mẹ gửi, là bố đang lúi húi rửa bát hộ khi tay mẹ lại phát cước mỗi đợt rét về. Có chút gì đó đổi thay trong nhà mình ư? “Tết này con về nhà được không mẹ?”, Lam dè dặt hỏi mẹ. Bà sung sướng: “Được chứ, nhà mình mà, về đi, bố không đánh nữa đâu!”. Lam đùa lại mẹ: “Ừ nhỉ, giờ bố già rồi, có đuổi theo con để đánh cũng chẳng được!”.

Niềm vui hân hoan, háo hức đánh thức Lam dậy rất sớm. Bình minh vừa chớm ở thành phố, ánh dương đã le lói những giọt nắng ban đầu. Và Ánh Dương của cô thì đang ngủ say, vẫn chìm vào một giấc mơ xinh xinh nào đó. Lam sẽ về nhà, xin lỗi bố, và mong bố hiểu cho lối đi riêng của mình. Miễn là cô được sống thật hạnh phúc, không hối tiếc với những gì bản thân đã chọn, thì dù thế nào, cô sẽ vẫn là một ánh dương kiêu hãnh!

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.