Áo ai

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Áo ai như là áo

Anh buồn suốt bấy nay

Tiếng ai như là tiếng

Mưa đi sông vẫn đầy

 

Anh muốn nói một câu

Chẳng nơi nào khuất gió

Em ở chớm mùa trăng

Có nhớ người đang nhớ

 

Có gập áo gấp khăn

Xếp vào kho mộng mị

Có một mình so chỉ

Khâu lành cho không gian

 

Tiếng ai như là tiếng

Đường dài nín bóng xe

Áo ai như là áo

Em về đưa Xuân về?

                            2.000

                     Hữu Thỉnh

Áo ai  - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH

Nhà thơ Hữu Thỉnh là người làm thơ rất tinh tế. Cách vào đề của ông luôn bất ngờ bởi nó đơn giản nhưng khá bất ngờ và duyên dáng như ca dao:

Áo ai như là áo

Anh buồn suốt bấy nay

Tiếng ai như là tiếng

Mưa đi sông vẫn đầy

Bốn câu thơ mà có đến hai câu thơ ví von rất đặc biệt. Chữ “áo” thứ nhất chỉ là trang phục nhưng chữ “áo” thứ hai đã thành tín hiệu. Tương tự như thế, “tiếng ai” cũng đã thành một dấu hiệu để nhận biết mất hay còn. Chỉ khác nhau là, trong mắt người đang yêu, dẫu có biến động nào thì cái bất biến ấy là niềm tương tư ẩn chứa sau câu thơ: “Mưa đi sông vẫn đầy”. Và, với tâm trạng ấy, mọi sự liên tưởng đều bất ngờ, bởi thế mạch liên kết của tứ thơ cũng biến hóa, ảo diệu trong khổ thơ thứ hai:

Anh muốn nói một câu

Chẳng nơi nào khuất gió

Em ở chớm mùa trăng

Có nhớ người đang nhớ

Khổ thơ này là hai mảng màu tâm trạng. Ở mảng màu thứ nhất: Nhân vật trữ tình anh muốn được nói lời gan ruột nhưng cuộc đời này đầy xô bồ, ồn ã, chẳng rõ sẽ có ai tin mình, nghe mình (Chẳng nơi nào khuất gió). Ở mảng màu thứ hai: ở phía cô gái lại là sự im lặng đến mất liên lạc, đến lo âu: “Có nhớ người đang nhớ”. Một khổ thơ tưởng như rời rạc về hình ảnh nhưng lại mạch lạc trong mạch cảm xúc.

Có gập áo gấp khăn

Xếp vào kho mộng mị

Có một mình so chỉ

Khâu lành cho không gian.

Từ cái tứ chiếc áo ấy, nhà thơ khéo léo dẫn dắt chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hai câu thơ đầu tiên gợi nhớ đến tình yêu truyền thống, “áo khăn” thương nhớ ấy xếp vào “kho mộng mị” như một sự cất giữ, ấp ủ chứ không phải vùi chôn kỷ niệm. Nhưng, đến hai câu sau (Có một mình so chỉ/ Khâu lành cho không gian) lại là một triết lý ẩn chứa sau hình ảnh biểu tượng. “Khâu lành” là vá víu, là lo toan hay là tự an ủi trái tim mình. “Không gian” ở đây thật khó hiểu: Có thể là tâm hồn, có thể là khoảng cách… chỉ biết rằng còn đầy những mơ hồ mông lung.

Khổ thơ cuối cùng lặp lại cách ví von đặc biệt ở khổ thơ đầu:

Tiếng ai như là tiếng

Đường dài nín bóng xe

Áo ai như là áo

Em về đưa Xuân về?

Chắc hẳn, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phải trăn trở nhiều lắm để chọn chữ “nín” ở câu thứ hai (nín bóng xe) khi gợi ta đến câu thơ của Đoàn Thị Tảo: “Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh…”. Có điều ở  đây “nín bóng xe” lại là sự cô đơn, thiếu vắng khác hẳn với cảm xúc của nữ thi sĩ họ Đoàn. Bóng xe ấy vừa là hy vọng, vừa hư ảo vừa nhen lên nhưng cũng chứa đầy âu lo, thất vọng.  Và khi nhà thơ thú nhận: “Áo ai như là áo/ Em về đưa Xuân về?” thì cũng là lúc chính anh đã thú nhận chỉ cô gái ấy, chỉ người ấy mới mang tới hạnh phúc cho mình…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái

Tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái

(PNTĐ) - Việc lựa chọn chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay, trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Mở rộng, thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới

Mở rộng, thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại khá phổ biến, tuy nhiên, phần lớn phụ nữ bị bạo lực vẫn chưa tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức, hoặc từ chính quyền địa phương. Việc mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực, nhất là huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, địa phương là cần thiết và cấp bách hiện nay.
Thắp lại lửa lòng đã nguội

Thắp lại lửa lòng đã nguội

(PNTĐ) - Rất nhiều lần, bà Tuyết dừng đôi đũa đang nhanh thoăn thoắt xào nấu trên bếp, chỉ để ngó ra ngoài sân và ngắm mãi cảnh ông Ninh đang chơi đùa cùng đàn cháu nội, ngoại. Vừa ngắm, trong thâm tâm bà lại vọng về câu hỏi, mà tựa như ước ao: “Cứ thế này thôi có được không?”
Mảnh ghép cuối đời

Mảnh ghép cuối đời

(PNTĐ) - Đã từng dang dở hạnh phúc vợ chồng, nhưng cả ông và bà vẫn luôn sống vui vẻ, hướng tới ngày mai. Họ đặt niềm tin vào một tình yêu bền chặt cho dù đó là tình yêu ở tuổi xế chiều.