Bà nội “ít học”

CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bố mẹ lúc nào cũng lôi bà nội “ít học” ra để làm gương cho Tôm và Tép, “rằng nếu giống bà thì sau này chỉ có về quê làm ruộng mà thôi, chẳng được ngẩng cao thành người”. Nhưng với hai anh em, bà nội mới chính là “kho tàng” đầy những điều yêu thương mà cả hai lúc nào cũng nhớ mong được tìm về.

- Thằng Tép nó lại ốm, bà xem thu xếp việc nhà nhanh nhanh rồi xuống đây giữ nó nhé bà!

Mới sáng tinh mơ, bà Nhu đang xếp lại mấy bó rau cho đẹp để mang ra chợ bán, thì con dâu gọi điện về. Chưa cầm máy bà đã đoán ngay sẽ có việc gì, bởi bao lâu nay, hễ con trai con dâu mà chủ động gọi cho bà, thì chỉ có thể là nhờ vả. Từ thằng Tôm, giờ đến em nó - là Tép, hễ ốm đau, hay bố mẹ nó đi công tác không có ai trông, đều đến tay bà Nhu hết. Bà chẳng nề hà đâu, vì cháu mình mà. Có khi bà còn chuẩn bị sẵn tâm thế từ trước lúc nghe điện thoại rồi ấy chứ. Nhưng điều làm bà buồn, là thái độ của con trai và con dâu. Chúng cứ làm như bà luôn ở sẵn đấy, luôn luôn khỏe mạnh để hễ chúng gọi là bà phải có mặt ngay. Và bà thừa hiểu, mình luôn như thể “bị sai” là vì chúng xem bà “ít học”.

Bà nội “ít học” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tất tả soạn lại mấy bó rau - mà nếu bán được hết, thì hai ông bà Nhu đủ tiền ăn được mấy ngày, bà dặn dò chồng - đang sấp ngửa với mấy nồi cám lợn, rằng nhanh chóng thu xếp đi bán rau kẻo muộn chẳng còn ai mua. Còn bà, vơ vội ít quần áo, tất tả chạy ra đường lớn đón xe buýt xuống thành phố chăm cháu. Sáng đầu tuần, xe buýt đi đến chỗ bà đã chật như nêm. Bà len lỏi, một tay giữ đồ, một tay cầm chắc tay vịn để đứng vững. Trước đây bà Nhu say xe lắm, vì cả đời có mấy khi đi đâu bằng ôtô. Nhưng từ ngày trở thành “ô-sin cơ động”, bà còn không có cả thời gian chuẩn bị uống thuốc say xe, cứ xe đến là đi, thì cái sự say xe nó cũng phải chào bà mà đi cho bà đỡ… tội.

Hơn 1 tiếng cả đi xe buýt và xe ôm vào tới nhà con trai, bà thấy vợ chồng chúng nó đang ầm ĩ như mổ bò. Vợ quát chồng, mẹ quát con, chồng quát lại vợ. Nhà cửa mới sáng sớm mà lanh tanh bành. Thằng Tôm anh lớn thì đòi hỏi một kiểu, thằng Tép bé hơn - lại đang ốm mè nheo kiểu khác. Mẹ nó điên lên, mặc kệ chúng nó rồi xách túi ra cửa. Thấy bà đến, mẹ nó thở phào: “Ối giời, bà đi chậm thế, con muộn giờ làm rồi đây này!”. Chỉ có Tôm, Tép là reo vui chào đón bà: “À bà về!”. Bà Nhu quên hết mệt mỏi, dang tay chào đón hai đứa cháu đang chạy ùa ra. 

Lần nào xuống trông cháu, bà Nhu cũng kiêm thêm đủ việc. Từ dọn nhà, đến cơm nước, tắm rửa cho hai đứa, đốc thúc chúng nó đến giờ học bài, vì bố mẹ nó cứ có bà xuống là đi tít mít tới tối muộn. Vậy mà cứ khi về tới nhà, thấy còn gì chưa ưng, là bà lại bị các con lôi ra kiểm điểm. 

Bà nội “ít học” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ví như hôm rồi xuống trông cháu. Tép mới 3 tuổi nhưng bố mẹ nó đã lên lịch học cho nó kín ngày. Vì Tép ốm, nó kêu mệt suốt nên bà Nhu thương, nói với các con miễn cho cháu không phải học hôm đó. Ấy vậy mà các con bà đã nhảy dựng lên:

- Bà ơi, bây giờ trẻ con học từ lúc chưa chào đời, giờ mà cứ ít học như ông bà ngày xưa thì chỉ có đi ăn cám thôi. Với cả, một buổi học của nó ba bốn trăm nghìn chứ ít đâu. Từ giờ mẹ chỉ chăm các cháu thôi, còn lịch sinh hoạt của chúng nó ra sao, mẹ cứ để yên hộ vợ chồng con với!

Lần nào cũng vậy, cứ ngỏ ý điều gì với các con là bà lại bị chúng nó chê “ít học”. Chẳng biết là cố ý hay vô tình nữa. Nhưng trái tim bà đau nhói vì điều đó. Bà xuống đây chăm cháu, đơn giản chỉ vì đó là trách nhiệm và tình yêu thương vô điều kiện mà một người mẹ, một người bà luôn có, luôn sẵn sàng vì các cháu, các con. Thế mà cũng bị các con lôi ra để cân đo xem tình yêu đó là “ít học” hay “nhiều học”. Bà ngẫm lại, nhớ có lần cũng cháu ốm nhưng bà bận quá nhiều việc ở quê, mới ngỏ ý với con trai, con dâu xem nhờ bà ngoại các cháu 1, 2 hôm được không, rồi bà sẽ thu xếp xuống ngay. Ai ngờ, con trai bà nhảy dựng lên:

- Mẹ ơi, mẹ vợ con là cán bộ về hưu, đầy việc ra ấy chứ. Mẹ làm nông thì mới có thời gian, với cả việc đơn giản như chăm cháu, con mà nhờ lại nhỡ việc của mẹ vợ con ra ấy chứ!

Đấy, đến con trai còn vậy, bảo sao vợ chồng chúng nó chẳng xem bà hơn ôsin, giúp việc là bao. Nhưng bù lại, hai đứa cháu rất quấn quýt bà nội. Bà lên là mang cả thế giới quà quê cho các cháu. Bố mẹ chúng nó bảo bà ít học, nhưng bà có cả kho tàng ca dao, chuyện kể để rủ rỉ cho các cháu nghe. Bà là người duy nhất rơi nước mắt khi thấy hai đứa gầy nhẳng bị bố mẹ ép học cả ba buổi một ngày, đủ loại học. Hết Toán lại tiếng Anh rồi lại đủ kiểu mà theo như mẹ nó là “để thông minh, học thế mới thành người được”. Mà bố mẹ nó, cũng chỉ biết ép con học, rồi xách túi đi làm, có thèm ngoảnh lại xem con có muốn học hay không đâu?

Bà nội “ít học” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mỗi lần cháu khỏi ốm, là bà Nhu tự giác biết mình đã đến lúc về. Bà chưa từng được một lời mời ở lại chơi của các con, chưa từng được một câu quan tâm của con trai, con dâu xem sức khỏe dạo này thế nào. Chỉ khi cần chúng mới tìm đến bà. Còn lúc quây quần, ăn chơi, thì chúng mời bố mẹ vợ. Đơn giản, vì họ là người có “nhiều học”, chẳng “ít học” như bà.

Bẵng đi một thời gian, hôm nay, giữa trưa, đang ăn cơm sau một buổi sáng thăm đồng vất vả thì con dâu bà lại gọi điện. Bà thở dài, lại đứa nào ốm rồi. Nhưng không, tình hình nghiêm trọng hơn thế. Cả hai đứa đều nằm viện. Hai ông bà nghe tới chữ “viện” thì rụng rời tay chân, bỏ nhà bỏ cửa để xuống xem cháu thế nào. Thì ra, thằng Tôm có dấu hiệu trầm cảm, vì áp lực học hành quá nhiều. Còn Tép - bị rối loạn ngôn ngữ, vì bố mẹ nó ép học tiếng Anh giữa lúc tiếng Việt còn đang bập bẹ, nên bây giờ ai nói nó cũng chẳng hiểu gì. Cả nhà rối như tơ vò, bố mẹ nó cãi nhau tay đôi ngay bệnh viện để đổ lỗi cho nhau. Không ai nhận phần lỗi về mình, ai cũng cho rằng mình đã áp dụng cách giáo dục thông minh, giỏi giang nhất cho con. Chỉ đến khi bà Nhu ôm cái làn chạy đến, họ mới thôi cãi cọ. Thằng Tôm thấy bà, chạy ùa ra ôm. Tép nhìn theo anh, cũng lũn cũn chạy theo, miệng kêu “bà, bà”. Bỗng chốc, hai đứa trẻ như chẳng bệnh tật gì, hồn nhiên như vốn có. Bà Nhu rơi nước mắt, ôm lấy hai đứa cháu mà ôm hôn. Ông Nhu ngay cạnh, thấy tất cả, chỉ khẽ khàng: Anh chị thấy chưa, anh chị chê bà nó ít học, nhưng lúc nước sôi lửa bỏng thế này, chỉ có bà ấy mới làm dịu đi mọi thứ như thế.

Chỉ vậy thôi mà vợ chồng người con trai cúi gằm mặt xuống.

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.