Bài học đầu cho con

Chia sẻ

Trong số những bài hay về quê hương, không thể không nói đến "Bài học đầu cho con" trong tập thơ "Cỏ hoa cần gặp" (1991) của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài viết tái hiện bức tranh quê hương bằng ngôn từ qua những hình ảnh phong phú, bình dị, bộc lộ tình yêu quê tha thiết, sâu lắng.

Bài học đầu cho con - ảnh 1

LỜI BÌNH

Trong số những bài hay về quê hương, không thể không nói đến "Bài học đầu cho con" trong tập thơ "Cỏ hoa cần gặp" (1991) của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài viết tái hiện bức tranh quê hương bằng ngôn từ qua những hình ảnh phong phú, bình dị, bộc lộ tình yêu quê tha thiết, sâu lắng.

Dùng thể thơ lục ngôn, mượn lời đối thoại giữa bé và mẹ, tác giả nêu lên những định nghĩa về quê hương mới mẻ, thú vị. Nói quê hương là nói đến địa danh ta sinh ra, lớn lên; nơi lưu giữ mọi vui buồn thời thơ ấu và khi xa thường nhớ thương da diết. Tình yêu bao giờ cũng bắt đầu bằng nỗi nhớ. Nhớ quê là nhớ những hình ảnh, cảnh sắc sự vật, con người quê hương gần gũi, thân thiết hằng ngày. Lời đề từ - là những câu văn thơ nằm ngoài văn bản ngay sau nhan đề: “Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy hãy yêu?/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Đây là những câu hỏi tu từ dưới hình thức em bé hỏi mẹ và cũng là tác giả hướng tâm thế người đọc vào lời đáp của mẹ.

Mấy khổ đầu lời thơ liên tiếp trả lời em nhỏ đồng thời nêu rõ khái niệm "quê hương là": Chùm khế ngọt, đường đi học, bướm vàng bay, cánh diều biếc, con đò nhỏ, hương hoa đồng nội. Hàng loạt những hình ảnh đẹp, bình dị mà nên thơ, thân thiết với mỗi người theo nhau xuất hiện, khơi gợi trong lòng người đọc những kỷ niệm gần gũi, đẹp lung linh trong cảm nhận tuổi thơ. Theo mạch cảm xúc của bài, khái niệm về quê hương tiếp tục được triển khai rộng mở tới những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hương sắc và âm thanh sống động. Đó là: Đêm trăng tỏ, hoa cau rụng và cả “tiếng ếch râm ran"con nằm nghe giữa mưa đêm". Khái niệm quê hương được tiếp nối như một vòng tròn xoáy chôn ốc, gần gũi và sâu sắc hơn: "Quê hương là bàn tay mẹ/ Dịu dàng hái lá mồng tơi/ Bát canh ngọt ngào toả khói/ Sau chiều tan học mưa rơi". Quê hương gắn liền với ngôi nhà thiết thân với mỗi người, nơi ấy có mẹ - hạt nhân kiến tạo và nuôi dưỡng ngọn lửa ấm áp của gia đình qua tình yêu thương, sự chăm sóc mỗi ngày.

Bài thơ cứ gia tăng hơn nữa: Quê hương không chỉ là nơi sinh dưỡng ta lớn lên với dòng sữa mẹ ngọt thơm, qua từng bữa ăn hằng ngày; quê hương còn vun bồi cho tâm hồn ta phong phú, biết cảm nhận cái đẹp quanh mình từ các hình ảnh của hoa cỏ gần gũi: "Quê hương là vàng hoa bí/ Là hồng tím giậu mồng tơi/ Là đỏ đôi bờ dâm bụt/ Màu hoa sen trắng tinh khôi". Các màu: vàng, hồng tím, đỏ, trắng làm nên bức tranh ngũ sắc về quê hương thật rực rỡ, ấn tượng. Đáng chú ý nhất là hình ảnh hoa sen, loài hoa sinh trưởng từ đầm lầy nhưng lại trong sạch tinh khôi. Điều kỳ diệu khác nhà thơ muốn gửi tới bạn đọc là "Quê hương mỗi người đều có/ Vừa khi mở mắt chào đời"; mỗi chúng ta hãy nhớ lấy và trân quý bởi "Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người". Hai câu kết bài cô đọng như một châm ngôn, hàm chứa triết lý nhân sinh thật sâu sắc. Năm 1990, bài thơ này được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc (theo bản in năm 1986) lấy nhan đề là “Quê hương” và trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người yêu mến.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.