Bài tháng tư

Chia sẻ

“Tháng tư rồi sẽ qua” là câu thơ ở khổ kết của bài thơ này. Nhưng bây giờ vẫn là những ngày đầu tiên của một tháng đặc biệt đó, chúng ta cùng đọc lại bài thơ và nghĩ suy.

Tôi nghe đầy trong mắt
Một rừng thông gió phai
Cỗ xe nào đã khuất
Trên đường cát bụi bay.

Rồi tháng tư bước đến
Nhè nhẹ như một người
Rồi tháng tư bước đến
Nặng trĩu như một người.

Rừng thông xa xa vắng
Phấn thông phấn thông vàng
Tôi nghe hồn ấm nắng
Nhịp hồn vừa khua vang

Thở một lần như núi
Núi cao như trời mây
Người một lần qua khỏi
Trăm năm buồn không hay.

Trăm năm là cơn sóng
Vỗ ầm ĩ trong lòng
Lất lây như hình bóng
Rồi cũng về hư không

Tôi như cành thạch thảo
Mùa thu đã chết rồi
Người qua theo màu áo
Bài thơ buồn không nguôi

Bài thơ buồn đứng lại
Tháng tư rồi sẽ qua
Ôi một thời trẻ dại
Rồi cũng sẽ bao la...
                       Từ Kế Tường

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:

“Tháng tư rồi sẽ qua” là câu thơ ở khổ kết của bài thơ này. Nhưng bây giờ vẫn là những ngày đầu tiên của một tháng đặc biệt đó, chúng ta cùng đọc lại bài thơ và nghĩ suy.

Từ Kế Tường có một giọng thơ nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Khó có thể tìm thấy ở thơ ông một điểm nhấn câu chữ nào nhưng cảm xúc luôn đằm thắm. Cảm xúc tựa như gió bay qua những ngọn núi tháng tư, nào là:

Tôi nghe đầy trong mắt
Một rừng thông gió phai
Cỗ xe nào đã khuất
Trên đường cát bụi bay.

Rồi tháng tư bước đến
Nhè nhẹ như một người
Rồi tháng tư bước đến
Nặng trĩu như một người.

Ban đầu, tất cả khung cảnh đều mờ nhạt, vô thường lắm từ “rừng thông gió phai” đến cỗ xe trên đường cát bụi. Ấy vậy mà khi tháng tư đến lại như một người đầy mâu thuẫn mà thống nhất, vừa “nhè nhẹ” vui đấy mà đã lại “nặng trĩu” âu lo. Và rồi, khi tháng tư đã chiếm lĩnh đất trời, trong tâm hồn con người có một sự thay đổi nhẹ nhàng:

Rừng thông xa xa vắng
Phấn thông phấn thông vàng
Tôi nghe hồn ấm nắng
Nhịp hồn vừa khua vang

Phấn thông vàng của sắc màu được điệp hai lần như âm thanh vang lên nhưng lại càng gợi sự vắng lặng xa xôi. Trong nắng tháng tư nồng ấm, ta như nghe được cả nhịp tâm hồn mình. Nhịp đập ấy là của con tim, của những cung bậc cảm xúc, của nhưng âu lo…

Nếu đều đều và yên ả như thế thì đâu phải là Từ Kế Tường. Ông bất ngờ chuyển mạch mau lẹ, lạ và đầy trí tuệ trong thi phẩm này:

Thở một lần như núi
Núi cao như trời mây
Người một lần qua khỏi
Trăm năm buồn không hay.

Trăm năm là cơn sóng
Vỗ ầm ĩ trong lòng
Lất lây như hình bóng
Rồi cũng về hư không

Có điều gì đó vừa chuyển hoá vào nhau tinh tế và ám ảnh. Hơi thở, mây trời, “một lần qua khỏi”… để mà trăm năm hoá hư vô. Và, dẫu có lúc nào cồn cào tha thiết như con sóng (Vỗ ầm ĩ trong lòng) thì cũng không thể vượt qua hư không ấy-giới hạn của tháng tư.

Chỉ còn một cành thạch thảo còn lại, nhà thơ ngỡ đó là hoá thân của mình: “Tôi như cành thạch thảo/ Mùa thu đã chết rồi”. Cành thạch thảo chứng kiến một quy luật của tạo hoá: Thế nhân đổi thay như màu áo, chỉ nỗi buồn như bài thơ đọng lại. Tháng tư là thế, trong cái gấp gáp sang hè vẫn có chút gì trầm lắng, se sắt từ năm ngoái, tự ngày xưa còn vương vấn neo lại. Điều đặc biệt là, câu kết của bài thơ không bi quan, không tàn úa mà mở ra dài rộng với nhiều liên tưởng thú vị: “Ôi một thời trẻ dại/ Rồi cũng sẽ bao la...”.

Rồi tháng tư sẽ qua đi, để lại những bao la vương vấn và nhớ thương trong lòng mỗi người chúng ta. Cùng bước và tháng tư và cảm nhận…

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.