Bạn đang... “thuê chồng” với giá đắt
(PNTĐ) -Người phụ nữ trẻ ấy gọi điện thoại nói rằng chị đang đi lang thang vì quá sốc, không biết tới đây cuộc sống của chị và các con sẽ ra sao khi trong mấy năm chồng chị “phá” của chị hơn tỉ bạc, giờ lại thêm cái “giấy đòi nợ” của “xã hội đen”. Họ nói, trong một tuần không trả đủ sẽ… ăn đòn. Chị muốn nhảy xuống dòng sông kia để thoát nợ, nhưng lại nghĩ đến hai đứa con…
Chúng tôi tỉ tê với chị, rằng mạng sống của con người mới là vốn quý, nợ nần thì xem xét để trả dần, trả hết, trả góp, xin khất, xin giảm. Chúng tôi “gạ”, có gì cứ đến văn phòng chúng tôi, cùng uống trà và nói chuyện cho “rõ đầu đuôi”, đi lang thang thế nguy hiểm mà nợ thì vẫn còn.
Rồi chị ấy cũng đến. Chị kể rằng: “Ông trời phú cho cháu (chị đổi xưng hô khi biết người tư vấn đã có tuổi) cái máu làm ăn, kinh doanh, kiếm tiền từ bé”. Theo lời kể của chị thì hồi mới học lớp 2 chị đã biết đi đến nhà bà con cô bác họ hàng để xin dọn dẹp, tích cóp mấy cái hộp các tông, lon bia, vỏ chai… để bán lấy tiền. Học cấp hai, chị đã biết ra tòa soạn báo để mua cuốn báo Hoa học trò tận gốc, xem trước, rồi mang đến lớp bán lại cho các bạn cùng lớp và cả lớp khác, có tăng giá một chút. Học xong lớp 12, chị không thi đại học, mà theo bà chị họ đi buôn. Chị buôn đủ thứ, từ điện thoại, sim, thẻ, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, cuối cùng chị trụ lại ở kinh doanh vật liệu xây dựng. Chưa lấy chồng mà chị đã có cửa hàng sắt thép, xi măng, gạch đá và các vật liệu xây dựng “to vật vã”, lúc nào trong cửa hàng cũng túc trực mấy anh bốc vác, kiêm chở hàng bằng xe xích lô, sau này là xe kéo, xe bán tải. 25 tuổi, chị đã có vàng đeo khắp người, xe máy xịn.
Chị lấy chồng năm 26 tuổi. Chồng chị kém chị 1 tuổi, đẹp trai như diễn viên, trắng trẻo. Anh cũng là dân “không thi đại học” như chị, nhưng không làm ăn gì đến nơi, đến chốn, chỉ lang thang, lêu lổng, đá bóng, đi hát karaoke và ăn cơm của bố mẹ. Bố mẹ anh cũng là “dân nghèo thành thị”, bố về hưu non, lương đủ mua gạo, mẹ có mẹt thuốc lá, bật lửa, kẹo cao su… bán ở đầu phố. Nắng thì bê ra bán, mưa thì chạy về và nghỉ luôn, nên thu nhập ít ỏi. Bố mẹ anh cũng chán việc “đứa tóc bạc nuôi đứa tóc xanh”, nhưng nhắc anh đi làm, anh bảo không kiếm được việc gì phù hợp.
Chị lấy anh vì tội “mê giai đẹp”, chị thú nhận thế. Anh lấy chị là có chỗ nương nhờ. Anh lấy chị bố mẹ anh thở phào nhẹ nhõm vì đã… thoát nợ. Bố mẹ chị ngăn cản, bảo rồi đời chị sẽ khổ, đẹp trai không mài ra mà ăn được, phụ nữ nên lấy người đàn ông tự lập, tự tin, có sức khỏe, có ý chí, có tiền bạc, chứ lấy làm gì cái loại “thân mình còn không nuôi nổi”. Mặc kệ, chị cá tính mạnh, từ bé đã muốn gì là làm bằng được. Cuối cùng bố mẹ chị đành buông tay!
Uống ngụm nước, chị hỏi: “Cháu được trò chuyện với bác trong bao lâu?”. Khi cán bộ tư vấn nói chị cứ thoải mái, trò chuyện đến khi nào thấy “hết chuyện” thì thôi, chị lại kể tiếp.
Khi chị sinh đứa con đầu lòng, một hôm chồng chị về nói rằng bị mất trộm chiếc xe Spacy, mà xe ấy, hồi ấy giá 6, 7 chục triệu chứ có ít đâu. Anh kể anh dừng xe bên đường, chạy vào mua bao thuốc lá, quên không rút chìa khóa, quay ra kẻ gian đã lên xe phóng đi mất. Chị động viên anh “của đi thay người”, đừng buồn vì trời đã cho đứa con “đẹp trai như bố”. Sau này chị biết anh ấy cắm xe lấy tiền trả nợ vì chơi tá lả ăn tiền.
Hồi đứa con trai đầu lòng được 3 tuổi, chồng chị về kêu rằng: “Vợ ơi, cứu anh với. Anh trót tham gia cá độ, nhưng không may bị thua. Anh không muốn em biết, nên đành vay nặng lãi để trả. Nhưng vài lần vay, vài lần thua, lãi mẹ sinh lãi con, hai năm rồi, giờ số tiền nợ lên đến gần 1 tỉ. Em không cứu anh thì anh trốn sang Ukraine bán hàng thuê cho thằng bạn, đồng thời trốn nợ. Em ở nhà cẩn thận nhé”. Đắng cay, chua xót, bất ngờ, nhưng rồi chị nghĩ đến cảnh chồng đi xa, bỏ vợ con ở lại, đầu gấu có thể đến quấy rầy, nên chị đã “ra tay cứu chồng”. Gom góp tiền tiết kiệm, đòi nợ một vài chỗ, thế là cũng đủ cho chồng “trả nợ cho xong”. Chồng chị quỳ xuống, ôm chân chị hôn hít, nói lời cảm ơn, yêu vợ, nhất vợ.
Tưởng cố một lần trả nợ cho xong, nhưng đấy không phải là lần cuối. Trong 4 năm vừa rồi “nhà cháu phá của cháu hơn tỉ nữa”. Chị biết chồng chị không đầu tư, kinh doanh gì, mà chỉ chơi cờ, bạc, lô đề, cá độ, bởi trong người anh không có một “tế bào kinh doanh” nào, chị nói thế. Xót tiền, nhưng chị cũng không muốn chồng bị hành hung, bị đầu gấu đến làm ầm lên, ảnh hưởng tới uy tín của cửa hàng. Chị cũng không muốn chồng chị phải đi đâu trốn, vì chị vẫn thích chồng. Chồng chị vẫn đẹp trai, khéo nói, yêu vợ, ngoài phá tiền ra, anh không vướng vào ma túy, gái gú. Thế là chị lại bỏ ra tiền tỉ “giải cứu chồng”.
Rồi tối hôm qua, sinh nhật 2 tuổi thằng con thứ hai của chị. Chồng chị ôm hôn ba mẹ con và chìa ra tờ giấy ghi nợ 400 triệu nữa. Lại bài ca cũ, rằng anh không muốn làm phiền em, vì anh đã làm khổ em quá nhiều. Em giúp anh nốt đợt này, anh hứa sẽ thay đổi, sẽ không chơi bời gì nữa. Tuy nhiên, chị đã nghe quá nhiều lần chồng hứa hẹn như thế, chị biết rồi được đằng chân, lân đằng đầu, anh sẽ lại tiếp tục phá của chị hết lần này đến lần khác.
“Cháu không dám nói chuyện với ai vì khi lấy anh ấy, cả gia đình cháu ngăn cản, nhưng cháu không nghe. Bỏ anh ấy thì cháu sợ con cháu không có bố, mà cứ hết lần này đến lần khác thế này thì bao giờ cháu mới được yên tâm làm ăn, tích cóp tiền bạc còn cho con cái ăn học sau này nữa chứ. Cháu không hiểu sao chỉ chơi cờ bạc, cá độ mà anh ấy thua nhiều đến thế? Có khi nào anh ấy lấy lý do thua bạc, vay nợ để moi tiền của cháu cất đi làm của riêng, nuôi bồ hay cho bố mẹ anh ấy giữ? Cháu bây giờ rối trí quá, bỏ thì thương, vương thì tội, có chuyện gì xấu xảy ra thì chỉ con cháu khổ, một đứa mới 5 tuổi, một đứa mới hơn 2 tuổi”- người phụ nữ ôm đầu than thở.
Nghe hết câu chuyện của người vợ trẻ có chồng ham mê cờ bạc, chúng tôi khẳng định vui với cô ấy rằng: “Chắc bạn chỉ lo lần trả nợ này không phải là lần cuối cùng, chứ bốn trăm triệu lần này vẫn trả được đúng không? Chưa đến nỗi sẽ trắng tay, đứng đường, phá sản?”. Người phụ nữ trả lời đúng. Chị ấy tính tất cả các đợt trả nợ cho chồng là hết hơn hai tỉ rồi, lần này nữa là 2 tỉ rưỡi. Nhưng chị muốn làm sao để chồng “nốt lần này là lần cuối cùng”.
Thấy tâm trạng người phụ nữ đã nhẹ nhõm hơn, chúng tôi nói vui rằng 6 năm vừa qua chị “thuê chồng hết hai tỉ rưỡi”, giá khá đắt, nhưng đã lãi ở chỗ “ôm trai đẹp 6 năm, có hai thằng cu làm lãi”. Chị cũng cười và đồng ý.
Chúng tôi nói việc chồng đi đến tình trạng hiện nay, một phần trách nhiệm ở người vợ. Thứ nhất, lấy chồng lêu lổng, vậy mà sau khi thành vợ chồng rồi không chịu đưa chồng vào con đường làm ăn, trong khi mình kinh doanh, có bao việc phải thuê mướn người làm. Đơn giản nhất là trông coi cửa hàng, nhận điện thoại khách hàng, ghi hóa đơn bán hàng, ghi sổ theo dõi, giám sát hàng đi, đến. Cao hơn nữa là chở hàng cho khách. Thứ hai, chị là người vợ dễ tính quá. Chồng vay nợ, thiếu nợ, chơi bạc thua, bao nhiêu tiền cũng đưa chồng mà không kiểm tra, giám sát xem có đúng hay sử dụng vào mục đích khác như chị đã từng nghĩ tới như nêu trên. Nợ tiền tỉ mà vẫn chấp nhận thanh toán nợ cho chồng hết lần này đến lần khác, không “làm ầm lên”, cũng là quá dễ dãi.
Đúng là không ai dám tin rằng lần trả nợ này sẽ là lần cuối cùng. Những người chơi lô đề, cờ bạc, cá độ dễ bị nghiện, cai nghiện cũng khó không kém cai nghiện ma túy. Chơi cờ bạc mà mất có hơn hai tỉ là … không quá nhiều. Không ít người còn bán nhà ra đê mà ở nữa cơ!
Nếu vẫn còn tình cảm với “trai đẹp”, vẫn muốn “con có bố”, muốn cứu chồng nốt lần này rồi thôi thì người phụ nữ phải khắc phục những sai lầm, thiếu sót kể trên. Nói chuyện với chồng, nói sẽ trả nợ cho lần này nhưng sẽ ghi nợ, chồng có nghĩa vụ “trả góp”. Rồi bắt đầu chiến dịch đưa chồng vào khuôn khổ. Hãy để chồng làm việc cùng mình, luẩn quẩn trong tầm giám sát của mình. Tất nhiên, không người đàn ông nào muốn thế, nhưng chồng chị là người đàn ông không trưởng thành, chưa “thành người”, sống không có trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, thì phải chấp nhận “hình thức kỷ luật” như vậy. Nếu anh ấy không hợp tác, tiếp tục lêu lổng, không bỏ được cơn nghiện cờ bạc, thì người phụ nữ có quyền “không tiếp tục thuê chồng với giá đắt đỏ nữa”.
Người vợ trẻ ấy cười, chắc vì cách nói dí dỏm, làm nhẹ vấn đề của “bác chuyên gia tư vấn”. Nhưng chúng tôi hy vọng, sau đợt này chị ấy sẽ bắt đầu lập lại trật tự cho cuộc sống gia đình mình, không thể “dại trai” mãi được!