Bàn tay em

Chia sẻ

Xuân Quỳnh (1942-1988) là gương mặt thơ nữ tài danh của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Thơ chị lúc thủ thỉ tâm tình khi dạt dào cảm xúc, hấp dẫn người đọc ở vẻ đẹp nữ tính, thiên chức làm vợ, làm mẹ, tâm hồn tinh tế, chăm lo cho gia đình.

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở...
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em
                          Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984
                                                        XUÂN QUỲNH

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Bài thơ "Bàn tay em" rút trong tập thơ "Tự hát" (NXB Tác phẩm mới, 1984) là một sáng tác như thế. Thi phẩm với 32 câu thơ đan xen bảy và tám chữ phù hợp với cảm xúc khi tâm tình, lúc lắng sâu: "Gia tài em chỉ có bàn tay/ Em trao tặng cho anh từ ngày ấy". Nghệ thuật tu từ ẩn dụ và hoán dụ xuyên suốt trong bài khiến lời thơ cô đọng, gợi cảm. Nói đến gia tài là để chỉ của cải riêng, thứ tài sản lớn nhất của em khi gắn bó cuộc đời cùng anh. Bài thơ là tiếng lòng tự bạch khát khao hòa hợp. Xưa nay, để tôn vinh người phụ nữ, các nghệ sĩ thường ngợi ca khuôn mặt, vóc dáng, làn da, mái tóc.

Là người thông minh, khéo léo, đảm đang, Xuân Quỳnh hiểu rõ giá trị của đôi bàn tay phụ nữ, lấy cảm hứng từ bàn tay em, nhờ đó đã chọn được tứ thơ khác lạ, độc đáo. Nói đến bàn tay là nói đến bộ phận cơ thể cầm nắm dụng cụ lao động, làm mọi công việc trong sinh hoạt và cuộc sống, nó là đại diện cho “em”. Đôi bàn tay còn giao lưu tình cảm ôm ấp, vỗ về, âu yếm người thân. Hình ảnh đôi bàn tay xuyên suốt bài thơ chuyển tải đến người đọc nhiều thông điệp quý về bản chất và tâm hồn người phụ nữ. Sau câu mở đầu nhắc khéo người bạn đời nếu chỉ biết những biểu hiện bề ngoài thường nhật, không hiểu thế giới nội tâm của vợ dù hiển hiện gần gũi.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Thực tế tình yêu của em dành cho anh không chỉ qua những gì anh thấy bằng mắt: "Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em/ Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng/ Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng/ Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?", mà còn thể hiện rất nhiều qua bàn tay em. Tả đôi tay "Ngón chẳng thon dài/ Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả", khẳng định đó là "gia tài em" nghĩa là người vợ ấy rất tự tin về khả năng, giá trị của bàn tay em. Tục ngữ có câu: "Giàu đôi con mắt khó đôi bàn tay", nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng từng viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả”.

Trong thực tế, đôi bàn tay của người vợ, người mẹ Xuân Quỳnh đã làm rất nhiều việc chăm lo cho gia đình, biểu đạt tâm tư, tình cảm với chồng, với mẹ, với con... Đôi tay ấy in dấu vất vả, cô đơn, lam lũ từ thơ ấu: “Hái rau rền, rau rệu nấu canh/ Tập vá may, tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ". Đôi tay như biết nói ấy là biểu hiện của một tâm hồn phụ nữ giàu tình cảm, biết trân trọng giá trị của gia đình: "Trong tay anh, tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ".

Qua hình ảnh đôi bàn tay, người đọc thấy được bóng dáng người phụ nữ lam làm, giàu tình cảm. Người ấy không chỉ thể hiện tình yêu của mình qua ánh mắt, lời nói, còn âm thầm làm việc chăm lo cho cuộc sống gia đình, vun đắp cho cây tình yêu xanh tốt: phơi mền, vá áo, thắp sáng ngọn đèn... Đôi bàn tay em biểu đạt một tâm hồn đẹp và khéo léo: cắm hoa, treo tranh, “Lấy thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ". Chính đôi bàn tay ấy chăm lo cho chồng, cho mẹ, cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, xoa dịu nỗi đau "Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả" để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc. Giá trị nhân văn sâu sắc của bài thơ là đã làm hiện lên chân thực hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, tần tảo, đảm đang, giàu đức hy sinh và luôn khát khao một cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc.

THÁI DŨNG

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.