Bảo đảm an toàn thực phẩm thời kinh tế số
(PNTĐ) - Hiện nay, địa bàn thành phố Hà Nội có 14.033 cơ sở và 906 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 40%. Những con số đó đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong thời kỳ kinh tế số như hiện nay.
Những bà chủ mạnh dạn đi đầu
Đau đáu trước tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng từ nguồn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc là động lực chính để các nữ doanh nhân mạnh dạn dấn thân vào con đường sản xuất thực phẩm sạch theo hướng bền vững.
Cũng vì lý do đó mà nữ nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm chọn khởi nghiệp khi đã bước vào tuổi 42. Xác định khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ nên chị Hải Yến càng tâm niệm, phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
“Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN Hà Nội, CLB Doanh nhân nữ Thủ đô, phòng kinh tế quận Thanh Xuân đã giúp chúng tôi tập huấn kiến thức ATTP và kết nối tìm những nguồn nguyên liệu an toàn, hướng tới sản xuất phát triển bền vững, sử dụng bao bì sinh học thân thiện với môi trường. Các sản phẩm của Sạch Từ Tâm được truy xuất nguồn gốc, quy trình kiểm soát theo chuỗi từ những nguyên liệu được lựa chọn nghiêm ngặt theo tiêu chí sinh học, thảo dược, hữu cơ và hoàn toàn tự nhiên, được chế biến sạch theo tiêu chí sạch 5 không (Không chất phụ gia, Không chất bảo quản, Không hương liệu, Không phẩm mầu, Không nguyên liệu biến đổi gen)”.
Đến nay, với sản lượng trên 300 tấn mỗi năm, là những sản phẩm mang đậm hương vị Hà Thành và ẩm thực truyền thống Việt Nam như: Giò tai lưỡi xào đặc biệt, chả sụn gà nấm hương rừng, chả ốc Hà thành, chả cốm nếp cái hoa vàng, chả cá thác lác sạch từ tâm, pate, mắm tép và các loại nem hải sản… Sạch Từ Tâm của chị Hải Yến cung cấp đến 300 điểm bán tại thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc, trong đó có các hệ thống siêu thị lớn như AEON, MM MEGA MAKET…

nhân, nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP
“Muốn đứng vững trên thị trường, giữ được sự tin tưởng, yêu quý của người tiêu dùng thì điều quan trọng nhất là phải giữ vững được chất lượng sản phẩm”. Đó là khẳng định của chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trại giun quế GHT (Sóc Sơn, Hà Nội).
Nữ sĩ quan quân đội Nguyễn Thị Liên sau khi về hưu luôn muốn góp phần dù là nhỏ bé cho nền nông nghiệp sạch, đồng thời sẵn sàng chia sẻ giải pháp cho những người quan tâm. 18 năm hình thành và phát triển, GHT đã hợp tác và là nhà cung cấp cho một số hệ thống và cửa hàng phân phối sản phẩm sạch có uy tín trên thị trường, nhờ việc tự sản xuất thức ăn chính cho vật nuôi theo phương pháp nấu chín bằng nồi hơi vận hành bằng điện 3 pha, kết hợp với vi sinh nhằm đảm bảo môi trường trong lành cho vật nuôi và người chăm sóc.
Theo chị Liên, “nguyên liệu phải mua ngoài đều được mua của các đại lý và cơ sở có đăng ký kinh doanh và nguồn gốc rõ ràng nên đã tạo được ra dòng sản phẩm an toàn, ngon và có giá trị khác biệt với phương pháp chăn nuôi khác”. Trước đây, khi mới khởi nghiệp, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ khiến việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất khó khăn và manh mún.
Đến năm 2019, GHT của chị Liên được tiếp cận với Hệ thống truy xuất nguồn gốc của Trung tâm Doanh nghiệp và hội nhập phát triển IDE do chị Phạm Thị Lý, 1 trong 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2021 làm giám đốc. Từ đó, GHT được trang bị mã QR trên nhãn mác của tất cả các sản phẩm, giúp minh bạch thông tin về quá trình sản xuất và nguồn gốc của sản phẩm.
Sản phẩm của GHT đã được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và kết nối cung cầu của Thành phố Hà Nội tại địa chỉ Check.net.vn. Theo đó sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của GHT cũng đã được số hóa, khẳng định chất lượng, thương hiệu, cam kết của nhà sản xuất và chỗ đứng trên thị trường.
Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ
Kinh nghiệm thành công của chị Liên, chị Yến, không chỉ là tin tưởng và bền bỉ với con đường mình đi, mà còn là năng động, tranh thủ sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tổ chức Hội LHPN.
Theo các chị, Hội LHPN từ Trung ương đến thành phố và quận/ huyện luôn quan tâm và tạo điều kiện đến các chủ doanh nghiệp là nữ. Hội LHPN TP Hà Nội đã nhiều lần tổ chức cho các chủ doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm an toàn, tổ chức các đoàn tham quan, giao lưu kết nối giữa lãnh đạo và các chủ doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp làm thương mại với các nhà sản xuất, hỗ trợ về mặt giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tập huấn kiến thức thương mại, marketing.
Hội LHPN quận/huyện tới thăm, động viên và ưu tiên sử dụng các sản phẩm của hội viên mình - phần vì để kiểm chứng, xác thực, động viên doanh nghiệp, phần nữa là có cơ sở để quảng bá sản phẩm đến với những quận, huyện khác thậm chí tới các tỉnh thành khác trên toàn quốc và còn kết nối giữa các nhà sản xuất với nhau.

Là một tổ chức chính trị - xã hội với đầu mối đơn vị trực thuộc lớn, số lượng hội viên đông đảo, tham gia vào hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm; trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP đối với sức khỏe của gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội thảo “Phát huy vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới” tổ chức ngày 31/7 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hội đã chỉ đạo các quận huyện xây dựng, nâng cao chất lượng và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện ATTP như “Thực hiện thay đổi hành vi an toàn thực phẩm trong kinh doanh cửa hàng bán đồ ăn chín”; "Đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi "; “Sản xuất rau an toàn”; “Mô hình chế biến thực phẩm an toàn tại gia đình”…
Đặc biệt mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” được triển khai sâu rộng và hoạt động hiệu quả, góp phần giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về ATTP tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội luôn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất, tiêu dùng rau an toàn, giới thiệu sản phẩm chuỗi sản xuất - cung cấp thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội; kết nối người tiêu dùng là các hội viên phụ nữ với các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp sản phẩm rau an toàn, chăn nuôi an toàn; phối hợp xây dựng các điểm phân phối thực phẩm an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử để quảng bá rộng rãi, kết nối tiêu thụ nông sản và thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng Thủ đô.
“Thời gian tới, chúng tôi rất mong các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản sạch. Tiếp tục vận động hội viên xây dựng các sáng kiến, cách làm hay, mô hình thực hiện an toàn thực phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững”, ông Sơn nói.