Bao nhiêu cho đủ, vợ ơi!

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đang đi đổ rác thì thấy hai mẹ con bé Bi hàng xóm sát nhà chở nhau về, chị Lê gọi với theo. Mẹ con nhà Bi đỗ xe, thằng Bi bảo: “Cháu đi học thêm tiếng Anh về ạ!”. Chị Lê sáng mắt: “Thế á, học ở đâu đấy con, có tốt không…”. Rồi chị cứ cầm cái xô rác mà “buôn” không dừng với hai mẹ con nhà Bi...

Trở vào trong nhà, chị bàn ngay với chồng: “Khéo em phải cho cái Bống đi học thêm tiếng Anh chỗ thằng Bi học anh ạ, nó vừa bảo học thích lắm mà thầy dạy giỏi cực!”.

Anh Đức đang ngồi làm việc bên chiếc máy tính, nghe vợ nói thì dừng tay gõ bàn phím: “Em nhìn lại lịch học của con hộ anh cái. Bây giờ vẫn còn chưa hết hè, mà em xem con mình có ngày nào được nghỉ ngơi trọn vẹn không?”.

Chị Lê giãy nảy: “Sao anh lại mắng em, tất cả cũng chỉ vì em muốn tốt cho con thôi mà! Năm học mới đến nơi rồi, lại học trường chất lượng cao, bạn học toàn đứa giỏi, không đi học trước thì sao theo kịp?”.

“Sao lúc nào em cũng nghĩ các con của mình kém cỏi rồi ép chúng nó phải học đủ thứ thế nhỉ?”, anh Đức không thể tranh luận thêm với vợ được nữa, cầm bao thuốc ra ban công rồi đóng sầm cửa lại.

Bao nhiêu năm nay, lý do cãi nhau của hai vợ chồng chị Lê chỉ loanh quanh chủ đề như thế. Đó là chuyện anh thì muốn vợ được thảnh thơi hơn, nhưng chị Lê thì luôn cảm thấy không bao giờ là đủ. Như vừa nãy là chuyện con cái. Ngay từ khi con bé mới học đến giữa tiểu học, chị Lê đã xác định cấp 2, con sẽ vào trường chuyên của thành phố.

Chị không tiếc tiền, tiếc thời gian cho con đi luyện đủ các “lò”. Nhưng kết quả không như ý muốn. Bé Bống không đỗ trường chuyên, mà chỉ đủ điểm đỗ một trường tư chất lượng cao ở cách nhà 10km. Anh Đức khuyên nên cho con về trường công gần nhà học, vì xa thế đi học với con rất vất vả. Nhưng chị Lê không chịu, quyết tâm cho con học trường tư kia, với đủ các loại chi phí lên tới gần 15 triệu đồng/tháng, chỉ bởi: “Em đã khoe với bạn bè rồi, giờ con mình về trường làng học, em mất mặt lắm!”.

Chưa dừng lại ở đó, vì lo con không theo kịp bạn bè ở trường mới, nên con gái chị Lê không được nghỉ hè nữa, thay vào đó là ngồi sau xe mẹ rong ruổi suốt các lớp dạy thêm trước chương trình lớp 6, từ cơ bản đến nâng cao, rồi siêu… cao!

Bao nhiêu cho đủ, vợ ơi! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rít từng hơi thuốc tới khi cái ban công nhỏ đặc quánh mùi thuốc lá trong đêm hè không có gió, anh Đức cố tìm ra một điểm tốt để biện minh cho sự cố gắng đến cố chấp của vợ mình. Mấy năm nay, một tuần là con anh học thêm 7 buổi tối, bữa cơm tối nào của cả nhà cũng vội vã, hoặc nếu không vội thì là thiếu vắng thành viên.

Lúc ấy, Bống đang ăn vội chiếc bánh mỳ để mẹ kịp đưa tới ca học tiếp theo, còn chị Lê bụng đói nhẵn tới khi đón con về, nhưng cũng không ăn cơm – dù anh Đức đã để phần. Chị bảo, không ăn để giảm béo luôn. Lúc nào chị cũng phải có một mục tiêu gì đó…

Đó là trong chuyện học hành của con. Và không riêng gì chuyện đó, cái tính “tham lam” của chị Lê hiện diện trong mọi vấn đề của gia đình, khiến anh Đức mệt mỏi. Dẫu biết, một người mẹ, người vợ cầu toàn là điều may mắn cho một gia đình, nhưng cái gì quá cũng không nên. Ham thành tích đã đành, chị Lê còn ham kiếm tiền nữa. Anh Đức từng không ít lần choàng tỉnh khi mới 3 rưỡi, 4 giờ sáng đã thấy vợ bật máy tính làm việc.

Là kế toán, vào mùa thuế, chị Lê nhận tới 6-7 công việc về làm. Tiền làm ra nhiều đấy, nhưng chị “đắp” vào mình rất ít. Tủ quần áo của chị sơ sài nhất nhà, đơn điệu và ít ỏi. Anh Đức, bằng đủ sự khuyên nhủ từ nhẹ nhàng tới cáu gắt, mắng mỏ: “Em đừng có bán mạng đến thế được không? Em nghĩ cho mình một chút đi!”, nhưng cũng không có tác dụng được.

Chỉ vì chị Lê luôn thường trực trên đầu mình một mớ bòng bong mang tên: “Thế đã là gì, em còn phải cố nữa…”.

Ngày khai giảng năm học mới sắp đến rồi, mà mong ước của Bống vẫn chưa được mẹ đáp ứng. Số là trước ngày Bống thi vào cấp 2, chị Lê có hứa, nếu con thi đỗ trường top thì mẹ sẽ cho cả nhà mình đi du lịch Phú Quốc. Bống tuy không đỗ cao, nhưng trường cô bé đỗ cũng vẫn là trường top, nên cô bé rất mong ngóng ngày mẹ cho mình đi máy bay. Thế mà chờ mãi, chờ mãi, Bống vẫn chưa thấy mẹ bảo gì.

Nhân một buổi tối bất chợt được nghỉ học thêm vì cô giáo bận, lâu lắm rồi cả nhà mới cùng ăn tối sớm. Ngồi vào mâm, Bống rất hào hứng, hỏi luôn: “Mẹ ơi, bao giờ thì mình đi Phú Quốc hả mẹ!”.

Bao nhiêu cho đủ, vợ ơi! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Anh Đức đang định hứa hẹn với con thì chị Lê cắt ngang: “Đi gì nữa, con trượt thẳng cẳng rồi thì đi cái gì, đỗ mẹ mới cho đi chứ!”. Bống phụng phịu giải thích mình cũng đỗ trường top rồi, nhưng chị Lê ráo hoảnh: “Tóm lại là vẫn trượt yêu cầu của mẹ, nên là nghỉ, không đi đâu hết, chuẩn bị vào năm học tới nơi rồi!”.

Bống ấm ức, đẩy bát cơm ra, nước mắt giàn giụa: “Mẹ như thế là không công bằng!”. Chị Lê thấy con như vậy là hỗn, nên trợn mắt, quát lại. Chị mắng con chỉ có mỗi việc học mà không nên hồn, chê con học hành xao nhãng nên mới trượt trường chuyên như thế. Chị so sánh con với bạn Bi hàng xóm, với những đứa bạn cùng lớp 5 đã đỗ cao, rồi không ngừng mắng con kém cỏi, thì còn đòi chơi bời gì? Rồi như bị thổi bùng nỗi giận, chị đổ vấy cho con, rằng vì con học trường tư này nên mỗi tháng chị mới mất một đống tiền to như thế!

Anh Đức rất muốn nhảy vào chen ngang nhưng chị Lê liến thoắng không ngừng. Mỗi lời nói đều có sức sát thương rất mạnh vào lòng cô con gái. Không có cảm thông, không động viên, chỉ toàn là trách móc. Cô bé Bống vừa chớm vào cái tuổi biết “bật” đã không giữ được bình tĩnh, hất đổ bát cơm và “mắng” lại mẹ mình: “Con cũng có muốn học trường đấy đâu, tất cả là mẹ chọn mà. Con có được quyết cái gì đâu mà giờ mẹ lại mắng con như thế! Mẹ không cho con đi chơi thì thôi, con cũng không cần ở cái nhà này nữa!”.

Bao nhiêu cho đủ, vợ ơi! - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cô bé rời khỏi phòng ăn và lên phòng đóng sập cửa lại. Chị Lê cứ nghĩ con sẽ nhốt mình ở trong phòng. Nhưng 10 giờ tối, anh Đức nấu bát mỳ mang lên cho con thì không hề thấy Bống đâu. Cô bé đã bỏ đi tự lúc nào. Cả nhà nháo nhào đi tìm con, hỏi đủ khắp nơi bạn bè, họ hàng nhưng đều không ai biết… Anh Đức tuyệt vọng, suýt nữa thì đã đi báo công an…

Nhưng nửa đêm hôm ấy, ông bà nội đã đưa Bống về nhà. Bống trốn sang nhà ông bà và dặn ông bà đừng nói với bố mẹ. Được ông bà khuyên, cô bé đã bình tĩnh hơn và theo ông bà về nhà mình. Nhưng khi gặp được con gái, trong lúc anh Đức như sống lại thì chị Lê thẳng tay cho con một cái tát: “Mày làm mẹ mất mặt với thiên hạ…”.

Cả nhà choáng váng. Còn anh Đức thì ghìm chặt chiếc cốc trong tay, ném thẳng vào chiếc tủ kính chất đầy giấy khen của con gái - niềm tự hào mà lúc nào chị Lê cũng muốn mang khoe, vỡ tan tành: “Với cô, bao giờ mới là đủ hả?”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.