Bát phở bị hất xuống nền nhà

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa đó, ngồi cạnh tôi trong quán phở là hai mẹ con. Cậu con khoảng 16 tuổi, cao lớn hơn mẹ. Người mẹ gọi quán cho hai bát phở bò cho hai mẹ con mỗi người một bát.

Sau khi anh chủ quán bưng phở ra, người mẹ lấy đũa, thìa lau sạch rồi để lên bát phở của con. Sau đó, chị liên tục giục con vắt chanh vào bát phở để còn ăn cho nóng. Tôi thấy cậu bé có vẻ hơi nhăn mặt lại, nhưng, khi cậu chưa kịp lấy chanh thì người mẹ đã làm trước rồi định chắt nước chanh đã vắt sẵn vào bát cho con. Cậu bé liền gạt tay mẹ và với tay lấy lọ giấm ớt. Cậu múc một thìa to giấm ớt đổ vào bát phở của mình. Người mẹ sững lại, rồi đột nhiên nổi giận. Chị nói rất to, mắng con sao lại bỏ dấm vào bát phở. Chị bảo con ăn chua cay nhiều sẽ dễ bị nổi mụn, bác sĩ đã cảnh bảo thế mà con lại cố tình không nghe.

“Nhưng con thích ăn với giấm. Lần này mẹ để cho con ăn đi” - cậu bé nói.

Cậu bé cố gắng giải thích với mẹ. Tôi tưởng nghe con nói vậy thì mẹ cậu sẽ cho qua. Nào ngờ, chị vẫn tiếp tục mắng rồi còn bắt con đổi sang ăn bát phở của mẹ.

Bỗng nhiên, “choang”, cậu bé bỗng vùng tay, hất đổ luôn bát phở ra sàn rồi chạy ra khỏi quán.

Bát phở bị hất xuống nền nhà - ảnh 1
Ảnh minh họa

Các khách trong quán nhớn nhác nhìn cậu bé. Mẹ cậu bé xách túi đuổi theo con, nhưng trước khi rời quán còn cố gắng giải thích là con mình ương bướng, ngang ngạnh, khó bảo. Ra tới ngoài cửa quán, hai mẹ con vẫn còn nói nhau gì đó. Cuối cùng, thay vì lên sau xe máy để mẹ chở đi, cậu bé liền bắt xe ôm đi trước trong sự bất lực của người mẹ.

Qua quan sát diễn biến câu chuyện giữa hai mẹ con, tôi hiểu được phần nào nguyên nhân cơn giận của cậu bé. Có lẽ, cậu bé lâu nay phải sống trong sự sắp đặt, chỉ đạo của mẹ. Người mẹ luôn muốn con làm theo ý của mình, sẵn sàng mắng con mà không cần biết đến cảm nhận của con ra sao. Ở ngoài quán phở, ắt hẳn cậu bé đã rất xấu hổ khi mẹ cứ liên tục bắt cậu phải làm thế này, thế kia trước sự chứng kiến của mọi người xung quanh. Cuối cùng thì cậu đã không thể kìm nén được nữa mà phản kháng lại mẹ.

Cậu bé khiến tôi lại nhớ đến một cậu bé khác, từng là học sinh trong lớp học tranh biện của chồng tôi. Cậu bé này rất giỏi, mới 11 tuổi mà đã có thể nói tiếng Anh như người bản xứ, điểm thi IELTS đạt 8.0. Tôi hiểu, phía sau thành tích của cậu có bóng dáng của mẹ. Cũng vì mong muốn con có thể đạt được những nấc thang thành công hơn nữa, mẹ cậu đã ghi danh cho con học tranh biện và đặt vấn đề nhờ chồng tôi giúp đỡ để ít năm nữa, con mình có thể đi thi và giành giải tranh biện quốc tế.

Tôi thấy cậu bé khá khôi ngô, ngoan và đặc biệt hiền lành. Cậu hiền tới mức không bao giờ cáu giận với ai. Vì học tranh biện nên các học sinh được hướng dẫn để đưa ra lý lẽ, lập luận thể hiện quan điểm của mình về một vấn đề nào đó. Các học sinh khác đều tiếp thu bài và thực hành khá nhanh, chỉ riêng cậu bé là không đáp ứng được. Tìm hiểu thêm, tôi phát hiện không phải là cậu bé không có kiến thức mà là do cậu không quen nói ra suy nghĩ của mình.

Lâu nay cậu bé chỉ biết làm theo lời mẹ dặn. Đến nỗi, cậu ăn gì, mặc gì, học môn gì cũng là do mẹ lên kế hoạch cho. Vì vậy, khi cần đưa ra quan điểm, cậu bé luôn lúng túng và tìm kiếm sự trợ giúp của mẹ. Để động viên con cố gắng, chồng tôi quyết định tặng cho cậu bé một món quà. Nhưng, khi chồng tôi mở hộp quà và hỏi con muốn lấy món đồ nào, cậu bé cũng không tự quyết định được và nói muốn chờ mẹ khi đến đón sẽ chọn hộ.

Cha mẹ thường muốn dẫn dắt, chỉ bảo cho con. Nhưng, đôi khi, việc nghĩ thay, làm thay, sống thay cho con lại phản tác dụng vì đã biến con em trở thành những người thụ động. Có những việc, biết là nếu để con làm có thể sai hay không đạt kết quả như mong muốn nhưng cha mẹ vẫn hãy để cho con tự đối diện và giải quyết. Qua đó, con sẽ tự rút ra bài học cho những lần sau. Cha mẹ hãy luôn đặt mình vào vị trí của con để biết con mình cảm thấy thế nào khi luôn bị bố mẹ kìm kẹp, chỉ dẫn, bắt phải làm theo ý mình. Hoặc là đứa trẻ sẽ cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và chỉ muốn tìm cơ hội để phản kháng. Hoặc là đứa trẻ sẽ chấp nhận tới mức yếu đuối và không còn chút dấu ấn cá nhân nào.

Yêu và định hướng cho con, nhưng cha mẹ hãy để con tự mình bước đi bởi cha mẹ không thể sống cùng con mãi mãi. Sẽ đến lúc những đứa con sẽ phải bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ và tự mình trải nghiệm, đưa ra quyết định mà không có cha mẹ ở bên chỉ dạy.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)
Trạm cà phê và sách

Trạm cà phê và sách

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.