Bề dày lịch sử của chùa Phương Liệt
(PNTĐ) -
Từ trước tới nay, chùa Phương Liệt được nhân dân gọi theo tên làng hoặc tên gọi khác là chùa Vọng. Chùa có tên chữ là Linh Quang Tự, thuộc phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng ở trung tâm đô thị phía Nam thành phố vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo thờ Phật của dân chúng. Kiến trúc chùa gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chúa và hệ thống sân vườn.
Cổng Tam quan được xây dựng với 2 tầng mái là tới chùa chính, gồm tiền đường và thượng điện kết cấu theo kiểu chữ “đinh”. Tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ri. Thượng điện là tòa nhà nằm dọc, nối với gian giữa tiền đường. Phía sau có xây dựng một dãy nhà làm nơi thờ Tổ, thờ Mẫu, bên phải được xây dựng một công trình để thờ các cô. Nhân dân trong vùng gọi là Lầu chúa. Trải qua ba thế kỷ, chùa từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Gần nhất, chùa đã được sửa chữa lớn 3 lần vào các năm 1954, 1989 và 2009. Hiện nay chùa chính và hậu đường đã trùng tu gần như mới. Tiền đường gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái chảy lợp ngói ta. Thượng điện nối với gian giữa tiền đường theo kiểu hình chuôi vồ truyền thống.

Phía sau có sân nhỏ và một dãy nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, bên phải là lầu thờ các cô. Trong chùa còn bảo lưu được một số di vật cổ như: Hệ thống tượng tròn làm bằng đất luyện mang đặc trưng nghệ thuật thời Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tại sân sau cũng giữ được vài tấm bia ghi công đức có niên đại cuối thời Lê và Tây Sơn. Hiện chùa còn bảo lưu được rất nhiều di vật cổ, quý hiếm: Hệ thống tượng tròn làm bằng đất luyện có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hệ thống bia hậu ghi công đức có niên đại ở thế kỷ XVIII cuối thời Lê và thời Tây Sơn.
Trong quá trình lịch sử, chùa Phương Liệt đã có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Vào cuối năm 1944, tại làng Phương Liệt đã hình thành và phát triển tổ chức Việt Minh hoạt động bí mật tại chùa Phương Liệt. Những nhà sư trông nom chùa như sư cụ Đàm Chỉnh, sư thầy Đàm Khánh làm công tác liên lạc giữa tổ Việt Minh Phương Liệt với các tổ Việt Minh khác trong thành phố và cấp trên, đồng thời nhận và chuyển tài liệu tuyên truyền của các cơ quan. Sau này, chùa còn chứng kiến sự kiện ngày Nhật đảo chính Pháp, các đồng chí trong tổ Việt Minh đã sử dụng chùa là nơi học tập bí mật và tập trung lực lượng cách mạng để vạch ra kế hoạch giành chính quyền ở làng và các địa phương lân cận. Bên cạnh những hoạt động cách mạng như trên, chùa còn là nơi đi lại, cất giấu tài liệu, vũ khí, nuôi dưỡng các chiến sĩ biệt động cách mạng từ hậu phương vào và từ nội thành ra.
So với trước đây, hiện nay chùa đã mất phần lớn diện tích, trong đó một phần lớn vườn chùa bị lấy để xây trường làng. Khu ruộng chùa liền cạnh, nay đã trở thành bệnh viện. Quanh chùa, từ lâu cũng không còn lũy tre làm định giới nữa. Với những giá trị lịch sử kháng chiến của ngôi chùa, đặc biệt là cống hiến của 2 nhà sư Đàm Chỉnh và Đàm Khánh, nên sư trụ trì chùa đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến.
Đặc biệt Linh Quang Tự - chùa Phương Liệt đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1993.