Bí ẩn phố Linh Lang

Chia sẻ

Linh Lang là con phố nhỏ đáng yêu nằm tại quận Ba Đình. Đây có lẽ là một trong những con phố nhỏ nhất của Thủ Đô Hà Nội nhưng ít ai biết con phố này mang tên ngài Linh Lang Đại Vương, một trong “Tứ trấn Thăng Long” thuộc Trấn Tây tại đền Thủ Lệ.

“Thăng Long tứ trấn” bao gồm: Trấn Đông đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, Trấn Tây đền Voi Phục thờ Linh Lang Đại Vương, trấn Nam đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, Trấn Bắc đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Nếu ở các trấn Đông, Nam, Bắc Thần tích về các vị vừa là thần Hộ quốc vừa là các vị Thần trong “Tứ trấn Thăng Long” đều rõ ràng, thống nhất thì ở trấn Tây, Thần Linh Lang đại vương lại có rất nhiều bản khác nhau, thậm chí, với 269 nơi thờ tự thì có tới 100 bản thần phả khác nhau. Bởi vậy, rất nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà báo hiện đại đã dày công tìm hiểu nhằm tìm ra câu trả lời: Linh Lang Đại Vương thực sự là ai?

Bắt đầu từ huyền sử, tài liệu sớm nhất nói về các vị Linh Lang chính là bản “Toàn văn Hùng vương Ngọc phả” lưu tại Đền Hùng nói về sự tích sinh bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Bởi hầu hết các vị Linh Lang Đại Vương sau này đều từ các vị Thánh Nhân trong số 100 người con đầu tiên của nước Đại Việt đầu thai cứu dân độ nước. Đại diện là ngài Linh Lang Đại Vương, một trong “Tứ trấn Thăng Long” thờ ở trấn Tây, đền Thủ Lệ thờ Hoàng tử Hoàng Lang, bản Thần tích trong đền cho biết Ngài là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ, đã giáng sinh làm con Vua Lý Thánh Tông và Cung phi thứ 9 Hạo Nương, Ngài sinh năm 1064 và mất năm 8 tuổi vì bệnh đậu mùa. Câu chuyện về Hoàng tử Hoàng Lang phảng phất có nét giống chuyện Thánh Gióng.

Tượng thờ Ngài Linh LangTượng thờ Ngài Linh Lang

Còn tại đền Ngoại ở làng Bình Đà, theo Bản cổ sử dân gian “Bách Việt Triệu tổ cổ lục” mà Tiến sĩ Nguyễn Tòng đăng tải trên báo giới thì nơi đây thờ ngài Nguyễn Long Cảnh (hay còn gọi là Lý Nỏ Ba Công, Lý Lang Công, Ba Công Đại Vương), chú ruột của Thủy Tổ Kinh Dương Vương, được giao làm chủ đất Chân Lạp, Hồ Tôn, Ai Lao nhưng Ngài vẫn ở Kinh Đô giúp anh trai là Đế Minh (cha của Ngài Kinh Dương Vương) đánh giặc ở Tử Di Sơn, đánh giặc Hồ Tôn. Sau đó làm Thái sư nhiếp chính giúp Kinh Dương Vương mọi việc lớn nhỏ trong nước, dẹp giặc Ma Mạc rồi định cư ở Đám Nguyệt, Thanh Trì ngày nay.

Cũng theo tài liệu này thì ngài Nguyễn Minh Khiết tức Đế Minh, cha của Lộc Tục (tức Kinh Dương Vương) còn được gọi là Linh Lang trong khi chúng ta có đền thờ Thần Linh Lang ở rất nhiều nơi trên đất nước với nhiều bản Thần tích khác nhau mà tới nay con cháu mới được biết Tổ tiên của mình chính là Linh Lang, người luôn chở che và phù hộ cho con cháu nước Việt Nam.

Trở lại đền Ngoại Bình Đà, theo những cụ cao niên trong làng thì nơi đây còn thờ Hoàng tử Hoằng Chân, con trai Vua Lý Thái Tông và Cung phi thứ 7 Dương Thị Quang, người đã có công lớn trong trận thắng giặc Tống trên sông Cầu năm 1076 mà các sử sách bên Tàu thời đó cũng phải ca ngợi. Các cụ thủ từ tại đền Nội Bình Đà cho biết: Tương truyền, Hoàng tử Hoàng Chân chính là con trai thứ 5 của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ (thực chất theo thứ tự trong bản “Toàn văn Hùng Vương Ngọc phả” ngài đứng ở vị trí thứ 6 trong số “50 người con trai theo lệnh mẹ” về miền đồng bằng, rừng núi”, có lẽ mọi người tính riêng vị Thái tử được phong là Vua Hùng nên ngài Linh Lang đứng thứ 5).

Tại Đình Hương Cốc ở xã Hạ Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ lại thờ ba vị tướng quân: Cao Sơn, Quý Minh và Uy Linh Lang thời Hùng Vương thứ 18. Các bản Thần tích thờ Ngài Uy Linh Lang cho biết, Ngài là hóa thân của vị Thánh nhân Quảng Lại, người con thứ 50 của Vua cha Lạc Long Quân. Nhưng nếu theo bản “Toàn văn Hùng Vương Ngọc phả” thì Ngài là vị Thánh nhân thứ 9, Hồng danh là Quảng Lang, một trong số 50 người con theo lệnh mẹ. Tại đền An Trí, số 55 Trúc Bạch, Hà Nội cũng thờ Ngài Uy Linh Lang Đại Vương, theo Thần tích thì Ngài là con cầu tự tại đền Thủ Lệ của Hoàng phi Minh Thục và Vua Trần Thánh Tông được đặt tên là Uy Đô Linh Lang.

Như vậy, đi suốt chiều dài lịch sử- huyền sử dựng nước và giữ nước gần 10 ngàn năm, mặc cho vật đổi sao dời, những trang hào hùng bị thay đổi bởi thời cuộc, con dân Việt Nam luôn tự hào và hãnh diện bởi được các thế hệ Linh Lang Đại Vương hộ dân, hộ quốc.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.