Bình an tự tâm

Trần Mỹ Thương (Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hà Giang)
Chia sẻ

(PNTĐ) -

- Ưmmm... đúng rồi, chỗ ấy đấy! Dì cứ gãi mạnh tay lên.

- Khiếp, mạnh thế còn chưa đã à?

- Đã bảo chị ưa bạo lực mà, hì.

- Chắc đội nghiện ở trong ấy sợ chị một vía.

- Ờ, chắc cũng do nghề nghiệp một phần. Bao nhiêu cái dịu dàng nữ tính rơi đâu hết cả mày ạ!

- Thế đánh à?

- Đánh ai?

- Đánh chúng nó ấy?

- Ô hay, cứ bạo lực là phải đánh à. Dùng nội quy, dùng khen thưởng kỷ luật mà gò chúng nó vào ấy chứ. Các dì cứ tưởng vào đấy là chỉ có đánh đấy?

- Hí, em biết đâu! Khối người nghĩ thế. Chúng nó đi cai về kể thế.

- Thế xong tin chúng nó hết đấy à?

- Đấy, lạ thế chị ạ ! Biết là chả nên tin bọn nghiện, thế mà chúng nó nói nghe thật lắm cơ. Chị này..., à thôi, nói đến cái bọn ấy làm cái gì!

Dăm ba ngày Hòa lại tranh thủ chạy ra chỗ Ngọc gội đầu. Hai chị em vừa gặp là huyên thuyên đủ thứ chuyện, ít khi đả động đến chuyện công việc của nhau, như hôm ấy. Ngọc với Hòa lớn lên cùng nhau ở cùng một xóm nhỏ ven thành phố. Đến khi đi làm, chỗ Hòa lại gần ngay chỗ Ngọc lấy chồng và lập nghiệp. Thế nên tình chị em thân lại càng thêm thân. Cứ hễ lúc mệt mỏi quay cuồng vì áp lực công việc, hoặc bẵng đi cả mấy ngày trực liên miên, chạy chương trình tuyên truyền giáo dục nội quy cho đối tượng mới, làm giờ hành chính rồi lại vào trực ca..., dồn dập tới nỗi cái đầu bết lại, ngứa điên, cào muốn nát da đầu để lớp gàu trắng xốp bung lên, bám kết vào kẽ móng tay thì Hòa mới lại tất tả chạy bay ra chỗ đứa em cho nó gội. Có khi duỗi doãi đắp mặt thải chì cả tiếng đồng hồ, có khi phải giao hẹn chỉ gãi cho sạch thôi. Trong hai mươi phút cả gội cả xì khô các kiểu, không kịp mát xa mát sủng gì hết.

Những lúc như thế hầu như chả nói với nhau được chuyện gì ra hồn. Vài cái tin vụn vặt về bố mẹ, xóm giềng chung của hai đứa, vài cái cười chiếu lệ, nhưng cũng cảm thấy mình còn chỗ dựa, còn người thân ở cạnh bên giữa cảnh sống xa nhà. Cũng có những ngày Hòa thảnh thơi không có ca trực. Song vì tính chất đặc thù của công việc, dù không trực thì hết giờ hành chính cũng phải loanh quanh bán kính gần đơn vị vì đã hưởng tiền trực hai mươi tư trên hai mươi bốn giờ. Thì Hòa xin ra ngoài xã, nhẩn nha cho Ngọc gãi gọ, mát xa, kéo tóc chán thì thôi. Con bé lúc nào cũng đông khách, nhưng hễ thấy chị ra thì nó sẵn sàng từ chối khách để tập trung gội cho chị, buôn dưa lê bán dưa chuột, như hôm ấy.

Chỉ có điều, hai chị em ít khi đề cập đến cuộc sống riêng của nhau, có gì đó như là lảng tránh, nhất là phần Ngọc. Hòa làm ở cơ sở cai nghiện, nơi thu nhận và quản lý toàn các thành phần bất hảo. Còn Ngọc, vừa làm thợ tóc, vừa làm bà chủ quán karaoke, nuôi cả đống bọn đàn em rót bia tay vịn với bảo kê đủ cả. Hầu hết số ấy đều “chơi hàng”. Hai chị em, hai thế giới đối lập mà lại thân thiết từ thuở nhỏ. Biết thừa là chả thể khuyên nhau được điều gì, mỗi lựa chọn đều có cái lý, cái khó riêng, chả thà cứ thế đừng đả động đến nghề nghiệp của nhau cũng là một cách duy trì tình chị em vốn quý.

Cuối xuân, sáng còn sương lạnh bao nhiêu thì trưa chiều nắng rát rạt chừng ấy. Từng tốp xe cộ, máy móc, thợ thầy ầm ập làm việc trong khu công trường theo dự án mở rộng thêm và tiến tới tách riêng hai khu quản lý tâm thần và cai nghiện. Bụi mù trời mù đất. Bụi quẩn lên, bám lấy, hô biến những chồi non của đám cây đào, cây mận dọc làn đường đôi vào khu tòa nhà quản lý đối tượng thành một màu vàng khè khẹt. Nắng chang chang.

Cố lùa bát cơm chan canh rau muống luộc tại bếp ăn tập thể cho xong bữa rồi Hòa mới lên phòng ở công vụ lấy ví, cầm chìa khóa đi ra phía nhà xe. Hòa mở cốp lấy khẩu trang, mũ mão bịt kín rồi lấy giẻ lau phủi lớp bụi bám dầy cộp trên yên, uể oải phóng xe ra chỗ Ngọc. Lúc này, chỉ biết tìm nó, chứ tìm ai bây giờ. Chừng này tuổi, chục năm có lẻ kinh nghiệm công tác, nói là nói thị uy bằng dáng vẻ mạnh mẽ có phần cá tính trong phong thái, ăn mặc, nhưng Hòa vẫn giữ nguyên cái dạ thương người.

Bình an tự tâm - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Thương bệnh nhân tâm thần, đối tượng nghiện cũng thương. Dẫu biết năm bảy loại nghiện trên đời, mánh lới chiêu trò thôi thì đủ cả. Thế nhưng chị vẫn giữ một niềm tin về sự hồi tâm chuyển hướng, về quyết tâm hoàn lương của đối tượng mình quản lý, đặc biệt là khi nghe họ kể về hoàn cảnh mình với giọng nghiêm túc, khiêm nhường, rơm rớm... Nhiều khi thậm chí đồng nghiệp cười vào sự thông cảm ngây ngô của chị, nhưng chị lại đặc biệt tin ở mắt nhìn người của mình. Cho đến hôm nay Hòa thấy mình cần phải nghĩ khác.

Một đối tượng mà Hòa nhất mực tin tưởng sau này sẽ cải tà quy chính tốt, nhất mực tin tưởng rằng em ấy đã và sẽ hoàn toàn tôn trọng chị, như cái cách mà em ấy vẫn luôn thể hiện trước mặt chị. Thì nay, chính chị lại phải in mẫu biên bản và bản tường trình cho cán bộ quản lý buồng triển khai lập hồ sơ đối tượng vi phạm nội quy quy chế, tội chính là phát ngôn bừa bãi, tạo dư luận ngầm trong nội bộ học viên về tin tức cô Hòa thời gian này nạo phá thai liên tục dẫn đến thần sắc nhợt nhạt, da thâm sạm.

Vô tình một thầy quản lý đội nghe được nhóm đối tượng trồng rau rúc rích chỉ với nhau nói về chị, sau đó tra hỏi thì được biết thông tin ấy đến từ chính đối tượng Vang, đội trưởng đội tự quản đối tượng - người mà Hòa rất có thiện cảm. Các đối tượng khai lúc đầu cũng không tin nhưng đối tượng Vang lại từng là bác sĩ nên họ đều cho rằng đó là phán đoán có nghề, có cơ sở. Rồi thì tai năm miệng mười, rồi thì: Chồng con thì ở xa thế, dạo này lại toàn các anh chủ thầu với chủ dự án qua lại không ngớt, biết thế nào nhỉ??? Một luồng dư luận và một thú vui ngầm của các đối tượng trong cái khuôn khổ bó hẹp của những nội quy, quy chế và cấm cản được dấy lên. Lần đầu tiên Hòa nhận lấy bài học đắt giá về con mắt nhìn người của mình. Dù vẫn biết, làm ở môi trường này, tránh sao khỏi những rắc rối, thị phi. Nhưng lòng vẫn rười rượi ngổn ngang.

Ngọc lẳng lặng mát xa thái dương, day ấn những điểm huyệt phía vai gáy khiến Hòa thấy thật nhẹ nhõm, dễ chịu. Chụp xong cái máy làm mặt cho Hòa, để chị nằm yên thư giãn, Ngọc ra ghế băng với lấy điện thoại. Chốc chốc, con bé lại tọc tạch nhắn gõ gì đó trên chiếc điện thoại Iphone đời mới, hơi thở cũng dài thượt, nặng như chì. Chị chẳng có ý định than với nó chuyện buồn không đáng kể của mình, khép nhẹ đôi mắt theo bản nhạc saxophone không lời dìu dặt du dương. Bỗng: Choang! Hòa mắt tròn mắt dẹt ngỏng cổ lên thấy Chiến, chồng Ngọc chẳng hiểu từ đâu về đã lăm lăm cái gậy bi da vừa đập lọ hoa ly vỡ tan vung vãi, miệng không ngừng chửi, ú a ú ớ không rõ lời.

Ngọc thản nhiên bỏ xuống bếp, chẳng buồn tranh cãi. Hòa lơ mơ hiểu được, trong lúc Chiến đang tụ tập bay lắc với đám bạn bụi đời, Ngọc nhắn tin dọa sẽ báo công an, tâm trí Chiến đang lú thuốc lập tức bỏ về, tìm vợ đòi “tính sổ”, thế là xảy ra chuyện. Chiến vụt đuổi theo chân vợ xuống bếp, cầm lấy con dao gọt quả trực dí vào mặt vợ khiến Hòa hốt hoảng bật dậy, chưa kịp chạy đến can ngăn thì con dao trên tay Chiến rơi xuống, chân tay hắn như cứng lại, mắt đờ đẫn, ngáo ngơ. Hòa lôi Ngọc ra xa, nhìn chằm chằm vào đứa em như chất vấn:

- Chú ấy chơi hàng gì? lâu chưa? Sao không nói với chị?

- Kẹo ke chị ạ, gần năm nay rồi, tốn lắm. Lúc có thì kẹo ke, lúc không đủ thì chơi hàng đen. Từ lúc đi theo đám con bạc để cho vay lãi ngày, kiếm được tí tiền rồi thành ra đổ đốn. 

Vẻ mặt sắc lạnh, thản nhiên của con bé khiến Hòa ngỡ ngàng. 

- Chú ấy kề dao vào cổ, mà dì cứ như không, liều thế hả?

- Em bị nhiều rồi, thoát nhạc một lúc là “nó” đóng băng ngay, tay chân co cứng không làm gì được đâu chị ạ. Chị nhìn “nó” kìa! 

Con bé hất mặt về phía chồng, Chiến lúc ấy co quắp, nước mắt nước mũi cứ rỉ ra như khóc, như đau, như là đang khó chịu lắm, chả hơi đâu quan tâm hai chị em nói gì.

- Chị chỉ em cách làm hồ sơ cho “nó” vào chỗ chị với!

- Cứ ra xã mà trao đổi với ban công an, khắc có người hướng dẫn và lập hồ sơ. Không đi theo lệnh thì làm đơn tự nguyện đi, cho chú ấy cai thử nửa năm xem ổn không đã. Mà... vào chỗ chị, không có chị em gì hết, chị chẳng nương tay nới lỏng gì đâu đấy.

- Không cần nương tay gì cả, việc chị chị cứ làm! Xấc láo cứ cho bọn nó oánh nhừ đòn cho em! Giọng Ngọc lúc này như nghẹn trong yết hầu, tức tưởi.

- Gò nó vào khuôn khổ thôi, yên tâm. Mà... dì cũng xem lại cái cách làm ăn của mình đi, môi trường ấy càng tạo cho chồng thêm thói hư tật xấu. Rồi thì con cái nó lớn lên trong môi trường ấy sau này sẽ ra sao?

Lần đầu tiên Hòa thẳng thắn với đứa em, rồi lặng lẽ ra về.

Những ngày cắt cơn có lẽ không khó chịu bằng những ngày bắt nhịp vào khuôn khổ. Chiến nghiện chưa sâu, nên cắt cơn cũng nhẹ nhàng. Nhưng bị gò bó, đến cả người chị thân thiết của vợ giờ cũng phải khép na khép nép gọi bằng cô xưng em. Rượu bia không được uống, thuốc lá thuốc lào đều là đồ vi phạm, vợ thì ngay đây thôi, cách tường rào trung tâm không đầy cây số nhưng vẫn chỉ được gặp một tuần một lần, mà chỉ được hỏi han dăm ba câu chuyện qua làn ô cửa kính có khoan vài cái lỗ thông âm. Đang tự do tự tại, ăn ngủ vô tội vạ, chơi bời vô lối mà đùng cái lại phải gói gọn cuộc sống trong cái khu quản lý tách biệt hẳn cuộc sống bên ngoài, với cả chục loại nội quy, quy chế, ăn ngủ theo giờ giấc hiệu lệnh chả khác quân đội là bao. Thật ức chế bí bách vô cùng!

Rồi Chiến béo lên, tăng đến cả vài cân thịt, hồng hào, rắn rỏi. Ngọc mỗi lần vào thăm đều không tiếc lời xuýt xoa, còn trêu chồng biết thế cho vào cai sớm hơn chút nữa. Hẳn Chiến có giận, có hờn nhưng chẳng thể nào trách vợ.

Cuối Chạp, nhà nhà rộn rã chuẩn bị sắm sanh sửa biện hương hoa, áo quần, bánh gạo. Năm nay Hòa đến phiên trực Tết. Công trình vừa xong phần thi công móng và đường rãnh thoát nước xung quanh khu quy hoạch mới, từng tốp thợ đã được chủ cho nghỉ về. Chạy duyệt chương trình văn nghệ xong, Hòa tranh thủ ra chỗ Ngọc làm tóc, sẵn mua ủng hộ đứa em chậu địa lan đặt trên phòng ngủ công vụ cho có không khí. Chợ phiên cuối cùng trong năm, người dân đi sắm Tết đông như hội. Lom khom xếp đặt, nhặt nhạnh những viên đá cuội màu trắng tinh vào chậu địa lan vàng rực hoa, Chiến vội phủi tay vào quần rồi “chào cô” theo thói quen xưng hô trong trại cai rồi ấp úng mời Ngọc lựa chọn.

- Thôi, ra ngoài rồi, chú cứ gọi chị như xưa cho thoải mái! Chậu này bao nhiêu tiền đấy chú?

- Dạ, vợ em dặn là không...

- Hòa khoát tay: Thôi nhá, cho là chị không lấy đâu, cứ tính tiền như khách bình thường cho chị.

- Nhưng mà cô, à quên... chị ơi!

- Nhưng nhị gì, thôi để chị gọi cho dì ấy, chắc đang ba đầu sáu tay làm tóc cho khách hả?

- Dì à? Chậu hoa bao tiền đấy? Không! Mày mà cho thì chị về không đấy? Thế để chị qua salon, sẵn xem có trống ghế nào thì làm lại cái tóc cho chị! Cuộc gọi chóng vánh, phía bên kia, giọng Ngọc lẫn giữa những ồn ào khách làm đẹp.

Hòa rời đi, gửi lại chậu hoa chỗ Chiến, trước cửa quán karaoke đang nhộn nhịp người đến xem quất, xem lan, xem đào. Chiến cũng tất bật tư vấn chào mời khách.

Tranh thủ lúc cắt tỉa mái tóc cho Hòa, Ngọc khẽ khàng bảo: Em trả công cho mấy cô cậu kia, cho chúng nó nghỉ hết rồi chị ạ, nghe chị, làm ăn chân chính cho nhẹ người. Lão chồng em từ ngày cai về cũng ngoan hẳn.

- Tốt! Ngoan rồi mà dì vẫn chưa hoàn toàn tin chú ấy à? Bảo trả tiền hoa mà chú ấy không dám cầm...

- Tin ngay sao được chị? Em còn phải thử thách nhiều.

- Biết thế, nhưng dì cũng không nên làm quá, kẻo lại đẩy chú ấy ra xa hơn đấy!

- Vầng, em biết ạ. Mấy hôm chị trực xong, chị em mình vãn chùa một chuyến nhỉ!

- Ừ, đi nhá, đợi chị trực xong đã! Đấy, dì nghĩ thông được thế, chị yên tâm rồi. Tâm mình cứ an, bằng lòng với cuộc đời giản dị, rồi thì vạn sự nó khắc an thôi mà!

Qua chiếc gương to phía trước mặt, Hòa thấy Ngọc mỉm cười, nụ cười hiền mà thật lâu chị mới lại được thấy.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì bị vợ quản

Khổ vì bị vợ quản

(PNTĐ) - Hôm nay là ngày anh Toàn và vợ chính thức ra tòa ly hôn, dù vợ anh trước đó vẫn khăng khăng mình yêu chồng, làm tất cả vì chồng vì con. Còn anh Toàn dẫu không phải đã cạn tình với vợ, song anh không thể chịu đựng thêm cái tính “quản phu” gắt gao của vợ mình.
Nếp nhà Việt tại Úc

Nếp nhà Việt tại Úc

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.