Bố và con gái

THÁI THỊ THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mẹ vẫn thường nói bố “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, với con trai thì nghiêm khắc mà con gái lại có phần yêu chiều hơn. Tất nhiên là bố phủ nhận điều đó nhưng trong sâu thẳm con gái biết, bố cũng hơi thiên vị mình.

Hôm nay con gái dọn nhà, vô tình tìm được một lá thư tay, bố viết gửi cho hai đứa con trước khi đi làm hơn 20 năm trước. Ngày đó chưa có điện thoại cố định lẫn di động, muốn nhắn nhủ gì các con, bố thường phải viết thư để lại. Trong bức thư tìm được ấy, bố dặn: “Cơm canh bố đã ủ trong chăn cho nóng, buổi trưa đến các con nhớ lấy ra ăn. Bố có thêm 2 miếng giò nạc, anh lớn nhớ nhường cho em gái phần hơn”. 

Bố là như vậy, cứ luôn nghĩ con gái thì yếu đuối, thiệt thòi nên cần được yêu nhiều hơn một chút. Bố đi họp, mang phần về ít kẹo bánh ngon. Bố gọi hai con ra chia, nhưng rồi khi anh trai chạy đi chơi rồi, bố thường lấy từ trong túi ra thêm một chiếc kẹo nữa dúi cho con gái rồi nháy nháy mắt, coi đó là bí mật riêng của hai bố con.

Có lần anh trai phát hiện được, khóc, nói bố không công bằng. Bố bắt anh nhường phần to cho em, rồi lại còn dấm dúi cho em thêm đồ ngon. Bố cốc vào đầu anh, cười bảo: “Con trai thì được sống đời với bố mẹ. Còn em gái, sau này phải đi lấy chồng nên bây giờ, bố phải bù đắp cho em hơn một chút”. Hồi đó cả hai anh em đều còn nhỏ, nghe bố nói vậy thì biết vậy. Sau này lớn lên con gái mới thấm thía, thì ra, bố rất hiểu những vất vả, lo toan cả sự hy sinh mà người phụ nữ thường tự nhận về mình. 

Bố và con gái - ảnh 1
Ảnh minh họa

Con gái còn nhớ, cứ đôi tháng bố lại dắt anh trai ra ngoài hiên nhà cắt tóc. Mà quanh đi quẩn lại cũng vẫn là cái đầu đinh. Bố bảo, con trai để đầu vậy cho đơn giản, vừa mát vừa dễ gội đầu. Nhưng với con gái, bố  thích con phải nuôi tóc dài. Một lần, mẹ thấy con gái đi chơi về mồ hôi nhễ nhại, tóc tai bế bết cũng lôi ra, xử trảm luôn mái tóc dài. Tối về nhà, bố thấy mái tóc cụt ngủn của con gái thì giận lắm. Bố quán triệt với mẹ từ nay, không được tự ý cắt tóc của con. Trong mắt bố, con gái phải điệu một chút, đẹp một chút. Và mái tóc dài chính là giúp cho con gái đẹp hơn, điệu hơn. Đó cũng là lần cuối cùng con gái cắt tóc tém. Những lần sau, nếu có cắt, con gái cũng để tóc dài ngang vai vì nhớ tới lời bố “con gái thì phải điệu”.

Nhà có hai anh em và 1 chiếc tủ quần áo. Nhưng, ngăn tủ của anh thì chỉ chỏng lỏn mấy cái quần đùi, áo may ô. Còn bên tủ của em gái thì nào quần, áo, váy vóc… Ngay cả khi nhà mình còn nghèo, bố cũng vẫn quan tâm đến việc ăn mặc của con gái. Lâu lâu, bố lại đưa cho mẹ thêm chút tiền để mẹ dẫn con gái đi may chiếc áo mới. 

Rồi cả khi hai đứa con cùng mắc lỗi, bao giờ bố cũng sẽ dễ dàng “bỏ qua” cho con gái hơn. Anh trai đi chơi quên giờ liền bị bố tét cho hai roi vào mông. Con gái bày trò chơi đồ hàng, lấy trộm cả gạo, thịt của nhà mang đi cho các bạn liên hoan khiến cả nhà tối đó không có gì ăn. Bố cũng đi tìm roi, rồi đánh đen đét lên… mặt giường, miệng hỏi: “Con đã biết lỗi chưa”. Chỉ đợi con gái rơm rớm nước mắt là bố… chột dạ, tha cho. Vì chuyện này mà sau này anh trai còn nhắc mãi. Anh bảo bố phạt anh là thật, còn phạt con gái là giả vờ. Bố đánh cái giường mà vẫn sợ con gái đau. 

Rồi trong vòng tay của bố, con gái đã lớn lên. Ngoài 20 tuổi, con gái đã đi làm và cũng đã biết yêu. Con gái không còn phải xin phép bố khi ra khỏi nhà. Nhưng lần nào cũng vậy, bố luôn là người thức đợi con gái về nhà rồi mới chịu đi ngủ. 

Tới ngày con gái kết hôn, bố là người đưa con gái về nhà chồng.  Trong đám cưới, bố luôn tỏ ra bình tĩnh, vui vẻ trò chuyện với quan khách. Nhưng, khi phải chia tay con để ra về thì bố lại là bật khóc. Hai mắt đỏ hoe, bố ôm lấy con gái vào lòng, nghẹn ngào mong con hạnh phúc. Cũng vì những giọt nước mắt ấy con gái đã cố gắng sống thật tốt để bố được an lòng.

Con gái thấy, mình thật may mắn vì đã có một người bố. Chưa bao giờ bố nói “bố yêu con gái” nhưng thực ra, bố lại là người yêu con gái rất nhiều. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.