Bỏ vợ 2, không dám cưới vợ 3...

Chia sẻ

Đã tối muộn, hết giờ làm từ lâu rồi, nhưng ông Thiên vẫn ngồi ở phòng giám đốc. Chị thư ký gõ cửa, khẽ chào: “Giám đốc chưa về nhà ạ. Em xin phép về trước”. Ông Thiên khẽ gật gật, nhưng trong đầu ông đang vang lên câu hỏi: “Về nhà nào? Ta có 3 cái nhà nhưng giờ lại chả biết về đâu!”...

Là người có tài nên sự nghiệp của ông Thiên rất nhanh thăng tiến. Ông cũng khá nổi tiếng trong chuyên môn sâu của ngành, thậm chí có người khen ông nổi như cồn. Từ tuổi trẻ, do có tài nên ông nằm trong số người hiếm hoi được chọn đi học nâng cao trình độ ở nước ngoài. Nhưng không hiểu có phải tại cái vụ được chọn đi học nước ngoài đó đã làm cho hạnh phúc gia đình của ông tan vỡ?

Tuổi trẻ, anh Thiên đang có vợ và 2 con gái xinh xắn. Vợ cũng làm trong ngành, nên vợ chồng hợp nhau, chia sẻ công việc với nhau. Khi anh được chọn đi tu nghiệp, đằng đẵng 5 năm trời chị Ngọc xa chồng, ở trong nước vừa đi làm, vừa nuôi 2 con nhỏ, vừa chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ chồng. Lúc đó khó khăn trăm bề, kinh tế thiếu thốn, nhưng ai cũng thấy hạnh phúc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

5 năm ở nước ngoài tu nghiệp, anh Thiên cũng có 4 năm thủy chung với vợ, anh cũng mong ngày mong đêm được về nhà ôm chặt người vợ chăm chỉ hiền thảo. Anh tiết kiệm tiền ăn học, thi thoảng mua ít hộp sữa bột gửi biếu bố mẹ, mua ít đôi tất, hay cái áo rét cho vợ con. Dù anh hỗ trợ không nhiều, nhưng chị Ngọc thường vui mừng khoe khắp họ hàng, bè bạn là chồng chị thường gửi đồ về cho vợ, chăm bố mẹ, nên anh cũng được tiếng thơm.

Đến năm thứ 5, chuẩn bị tốt nghiệp được về nước. Thời gian đếm từng ngày, nhẽ ra đã thỏa lòng mong ước. Nhưng bất ngờ, anh Thiên bị “sét đánh” khi gặp một cô sinh viên trẻ đến nhờ anh giúp hướng dẫn viết luận văn tốt nghiệp. Ở nước ngoài gặp được người đồng hương nước mình thật quý, nhất là người có tầm và có tâm như anh Thiên. Thế nên cô gái trẻ đến nhờ “sư phụ”. Không ngờ 2 người “trúng tiếng sét ái tình”. Cứ tưởng chỉ là tình cảm bột phát lúc xa vợ con, nhưng không ngờ tình yêu của anh Thiên và cô gái Phương ngày càng thắm thiết. Đến ngày về nước, anh Thiên không còn muốn trở về nhà, giá mà có thể ở lại luôn bên nước người. Anh không biết sẽ ăn nói thế nào với bố mẹ, vợ con. Thế nhưng ngày đó cũng phải đến. Anh và Phương cùng về nước. Đồ đạc mua sắm cho một cuộc sống gia đình, anh để hết bên nhà người yêu. Anh chỉ xách về nhà cái vali nhỏ đựng quà cho bố mẹ, vợ con. Ngôi nhà biết bao thân thương gắn bó, vợ con ùa cả ra đón, bố mẹ già mừng tủi lau giọt nước mắt mong nhớ con trai.

Bữa cơm tối đoàn viên nhẽ ra sẽ rất vui, sẽ tưng bừng người hỏi người trả lời, nhưng chị Ngọc thấy có gì đó không ổn, không có cái ôm chầm thắm thiết của chồng, không có cái hôn nhiệt thành của anh vẫn khiến chị đỏ mặt trước bố mẹ và các con. Chỉ là những câu hỏi và trả lời nhát gừng. Tối đó bố mẹ già lui vào phòng ngủ sớm, để cho vợ chồng con cái gặp nhau. Bọn trẻ cũng ôm quà của bố rồi lo học bài. Ngọc rửa dọn bát đĩa gọn gàng rồi chủ động vào phòng riêng của vợ chồng. Căn phòng này đã chứng kiến bao nhiêu nước mắt chảy ướt đẫm gối mỗi đêm nhớ chồng của chị Ngọc. Anh Thiên vào phòng, khẽ ôm bờ vai gầy guộc của vợ, trong lòng nghĩ “Em gầy quá” nhưng lại không dám nói. Anh rụt rè mãi rồi nói mong chị tha thứ vì anh đã tìm thấy tình yêu mới, anh không còn yêu chị nữa, “Sáng mai anh sẽ dọn ra ngoài, ngàn lần xin em thứ lỗi cho anh”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị Ngọc òa khóc tức tưởi, chị đấm thùm thụp vào ngực anh – nơi mà trước đây chị thường gục vào đó để lắng nghe nhịp tim anh hồi hộp đập, còn anh thường vuốt ve mái tóc mềm của chị. Bây giờ chị đấm cho hả giận, cho vơi nỗi đau mất mát quá lớn. Chồng chị đi học, thăng tiến sự nghiệp, bây giờ về nước lại phản bội vợ con ư? Ngạt ngào nước mắt, chị hỏi:

- Còn cha mẹ già của anh thì sao?

- Anh chưa tính được. Xin em khoan nói với bố mẹ. Cho anh gửi bố mẹ nơi em mội thời gian, anh tính nhà cửa rồi đón các cụ sau - anh khe khẽ.

- Anh đã tính bỏ rơi em và các con kỹ đến thế rồi ư? Được, anh cứ để bố mẹ anh lại cho em. Anh đi ngay ra khỏi nhà này ngay đi! Nếu không, em sẽ hét to lên cho bố mẹ anh biết đấy! Em không thể chịu đựng nổi nữa! - chị rên lên trong tuyệt vọng.

Người phụ nữ đuổi chồng trong nỗi đau bị phản bội, nhưng trong lòng chị vẫn mong chồng sẽ ở lại, không bỏ chị mà đi. Nhưng anh Thiên lại đứng dậy, bước ra khỏi nhà, đi thẳng. Anh đã dứt khoát vợ con để đến với cô gái trẻ, tình yêu mới của anh.

Rất nhanh sau đó, dù bố mẹ ruột và các con có phản đối, và dù nhận biết rõ nỗi đau đớn tột cùng của chị Ngọc, người đã dành gần 20 năm yêu anh, cưới anh, sinh cho anh 2 cô con gái xinh đẹp học giỏi, người đã phụng dưỡng cha mẹ anh 15 năm qua, nhất là chịu bao khó khăn khổ cực trong 5 năm anh đi nước ngoài, nhưng anh Thiên vẫn ly hôn vợ và bước lên xe hoa với Phương. Rồi để “né” vợ con cũ, theo yêu cầu của vợ mới, anh chuyển công tác vào phương Nam, cũng là để dễ xin việc làm cho Phương.

Hạnh phúc của anh Thiên thăng hoa khi Phương sinh cho anh được cậu quý tử. Nên niềm vui đó đã lấn át những thông tin về nỗi đau vợ cũ phải chịu đựng, chị Ngọc ốm dặt dẹo, rồi đột ngột ra đi trong một cơn đau tim bất ngờ.

Hoàn cảnh đó buộc anh Thiên phải đưa bố mẹ anh và các con gái từ Hà Nội vào Nam. Anh bán ngôi nhà ở Hà Nội, mua một căn hộ riêng cho bố mẹ anh sống cùng 2 cháu gái. Một suất lương của anh nay phải cáng đáng nuôi bố mẹ và thêm 2 con gái đang đi học, khiến anh phải vùi đầu làm thêm. Chồng thường xuyên làm về khuya, mệt nhọc đặt lưng là ngủ; cộng thêm trách nhiệm của anh phải qua lại bố mẹ và các con gái đã làm rạn nứt tình yêu của Phương. Cô vợ trẻ không có chút hy sinh, nhường nhịn nào của chị Ngọc, đòi chồng phải toàn tâm toàn ý với mẹ con cô, nhất là vì thằng cu tý nối dõi còn bé, mình cô không trông nổi. Con gái mới học ĐH năm thứ nhất đã phải đi làm gia sư kiếm thêm tiền chi dùng, nhưng Phương vẫn không hài lòng vì chồng cô phải lo cho “bến cũ” nhiều quá. Thế là tiếng bấc tiếng chì giữa Phương với anh Thiên ngày càng nặng nề. Cãi vã ngày càng thường xuyên hơn. Dần dà, anh Thiên không còn cảm thấy giữa anh với Phương đã từng có tình yêu say đắm. Nhiều đêm anh lấy cớ về thăm bố mẹ già, rồi ngủ lại cùng ông bà luôn, lại càng khiến cho Phương nổi cơn điên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuộc hôn nhân tưởng là hạnh phúc vô bờ đã nhanh chóng biến thành địa ngục. Lúc này anh Thiên càng tưởng nhớ người vợ cũ, bất kể anh làm sai điều gì chị đều nhẹ nhàng: “Không sao! Không sao!”. Kể cả các con có làm sai làm hỏng gì, thì mẹ chúng cũng vẫn động viên: “Không sao đâu con! Chả ai làm tốt hết mọi việc. Hôm nay điểm kém thì mai kia lại có điểm tốt mà”. Cứ thế cuộc sống của 3 bố con anh đã từng ngập tràn hạnh phúc. Cha mẹ già của anh cũng nhờ người con dâu thảo hiền như chị Ngọc mà được hưởng mấy chục năm yên vui, đầm ấm. Những năm sau khi anh Thiên lấy vợ mới, 2 con gái đã hận bố lắm, nhất là sau khi mẹ chúng mất, chúng càng không bao giờ trò chuyện với bố. Cả những bữa cơm ông Thiên muốn tạo ra để gây dựng lại tình cảm với các con, chúng cũng lầm lì, trả lời nhát gừng các câu hỏi của bố. Bởi vậy, cuộc hôn nhân nay đã như địa ngục này, anh Thiên không bao giờ dám hé ra với cha mẹ.

Bất hạnh trong hôn nhân đã xô đẩy ông Thiên sa vào một bờ bến mới, khi cô nhân viên trẻ dưới quyền ngưỡng mộ ông, tự nguyện dâng hiến hạnh phúc cho ông. Người đàn ông tài hoa như ông Thiên được đơn vị cũng như các đối tác coi như con cưng, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, chỉ có về đến nhà là bị vợ vùi dập. Mỗi khi Phương “lên cơn” thì ông Thiên càng cay đắng nhớ vợ cũ. Chị Ngọc đã hy sinh hết thảy cho chồng con, chưa bao giờ ca thán một lời. Ông Thiên nhiều khi thấy đau đớn trong lòng, hối hận vì mình đã gây ra nỗi đau vô bờ cho Ngọc. Cô ấy đúng như viên ngọc, càng mài càng sáng.

Ông Thiên lại hối tiếc bởi mình quá “tham, sân, si” mà đi đến cuộc hôn nhân bất hạnh này. Nhưng ông còn thương xót thằng cu tý, nên còn cố chịu đựng Phương. Ông nghĩ cảnh thường xuyên đi công tác, đi đâu lại đem theo cô Hiền, thư ký trẻ. Chuyện bồ bịch thì người trong cuộc luôn nghĩ đó là hạnh phúc, nhưng với vợ chính thất thì “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Phương biết chuyện, đã làm cho mọi thứ tanh bành, cô xúc phạm, miệt thì chồng hết mức. Cô cũng tuyên bố nếu Thiên không chấm dứt ngay chuyện “mèo mả gà đồng” với Hiền thì sẽ đến tận đơn vị làm toáng lên, buộc đơn vị phải sa thải con bé dám cướp chồng người.

Quá căng thẳng trong hôn nhân, ông Thiên quyết định ly hôn lần thứ 2. Phương gây khó khăn, kiên quyết không ly hôn. Địa ngục kéo dài năm này qua năm khác. Phương tuyên bố “Tôi không ăn được thì tôi đạp đổ! Tôi không thể để ông vào tay con Hiền kia được”. Mãi cho đến khi ông Thiên đồng ý viết giấy trao toàn bộ nhà cửa, tài sản mà ông tích cóp, làm lụng cả đời, cho Phương, thì cô vợ 2 mới đồng ý ký đơn giải phóng cho ông.

Hiền vẫn lặng lẽ chờ đợi ông Thiên. Sau khi có quyết định của Tòa, ông Thiên mua 1 căn hộ, Hiền tự nguyện đến “nâng khăn sửa túi” cho ông. Trước đây, khi “cặp bồ” với Hiền, ông Thiên cũng thấy hạnh phúc vì cô gái trẻ đem lại cho ông niềm vui. Nay về chung sống thì có nhiều điều khó quá. Tuổi đã cao, ông nghỉ hưu, lập một công ty riêng, Hiền theo sang tiếp tục làm thư ký cho ông. Ông Thiên cũng chỉ muốn chung sống vui vẻ thế thôi, vì kết hôn ông sợ sẽ phức tạp. Nhưng bồ trẻ lại đòi ông phải chính thức cưới xin, và phải cưới thật hoành tráng. Dù gì thì cô còn rất trẻ, chỉ hơn con gái ông Thiên có mấy tuổi, và cô còn lấy chồng là giám đốc, là người nổi tiếng nữa, vậy thì đám cưới phải hoành, cho mát mặt cha mẹ, làng xóm nhà cô.

Bởi mấy hôm nay Hiền nằng nặc đòi cưới, nên ông Thiên thực sự ngồi thừ ra ở văn phòng công ty, không còn muốn trở về nhà, và cũng không còn nhà nào chào đón ông trở về nữa!

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.