“Bóng hồng” tiên phong trong bào chế thuốc kháng nọc rắn

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nọc độc của các loài rắn có thể cướp đi sinh mạng con người trong chốc lát. Vì thế, kỹ thuật sản xuất thuốc kháng nọc rắn luôn được chú trọng. Nhiều năm qua, những nhà khoa học nữ vẫn mong đợi một “cuộc cách mạng”.

Đối diện với vô vàn rủi ro

Hàng năm, Đông Nam Á ghi nhận 242.600 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có gần 16.000 ca tử vong. Con số này đặt ra một thách thức lớn với Trung tâm chăn nuôi rắn và bào chế thuốc kháng nọc, thuộc Viện nghiên cứu tưởng niệm Nữ hoàng Saovabha (QSMI) tại Thái Lan.

Người đứng đầu “trang trại rắn” lớn thứ 2 thế giới với hơn 1.500 con rắn thuộc 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài được liệt vào danh sách nhóm nguy hiểm nhất Đông Nam Á, bác sĩ Lawan Chanhome chia sẻ đã không ít lần gặp tai nạn với những chú rắn: “Tôi từng bị 1 con rắn lục Malaysia cắn ở tay. 1 giờ sau, tôi may mắn được tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp và sau đó phải nằm viện điều trị 4 ngày. Nếu không gặp may mắn khi có thuốc và được điều trị kịp thời như vậy, có thể tôi đã phải cắt bỏ cả bàn tay”.

Bên cạnh nghiên cứu về các loại rắn, một nhiệm vụ quan trọng khác của nữ bác sĩ và đồng nghiệp là tìm ra các loại thuốc kháng nọc rắn. Tuy nhiên, hơn 100 năm qua, kỹ thuật sản xuất thuốc kháng nọc rắn áp dụng ở những cơ sở như QSMI gần như không thay đổi.

Tại đây, rắn hổ mang, tương tự rắn lục Malaysia và 5 loại rắn kịch độc khác, sẽ trải qua chu trình “vắt” nọc đều đặn. Kế tiếp, chuyên viên của trung tâm sẽ xử lý, chiết xuất nọc độc để sản xuất thuốc kháng nọc. Cách thức khác, các nhà nghiên cứu sẽ tiêm một lượng nhỏ nọc độc vào ngựa (hoặc cừu, dê), sau đó thu thập protein kháng thể sản sinh từ cơ thể con vật có tác dụng chống lại độc tố.

“Bóng hồng” tiên phong trong bào chế thuốc kháng nọc rắn - ảnh 1
Bác sĩ Lawan Chanhome. Ảnh: Telegraph

Sản phẩm huyết thanh kháng nọc rắn của QSMI được tin dùng tại Thái Lan cũng như được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á. Thế nhưng, bác sĩ Chanhome vẫn tỏ ra e ngại khi tiến trình này khó có thể thay đổi trong thời gian tới.

Nỗi lo ngại này không của riêng nữ bác sĩ trung tâm QSMI mà còn là của nhiều chuyên gia thú y hiện nay. Lý do là bởi, kỹ thuật bào chế truyền thống không chỉ đắt đỏ, kỳ công mà còn cho thấy một số khuyết điểm chưa thể khắc phục.

Đó là huyết thanh kháng nọc lấy từ ngựa sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến người bệnh khó tiếp nhận và chỉ được phép sử dụng ở bệnh viện và phải tuân theo phác đồ điều trị cụ thể. Một điểm nghẽn khác nằm ở tính đa dạng của nọc độc rắn. Sự khác biệt trong thành phần chất độc đồng nghĩa với việc cần có nhiều loại huyết thanh kháng nọc khác nhau, tương ứng với từng loài rắn. 

Tìm ra phương thuốc đặc trị

Cách QSMI không xa, tại Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan, một nữ đồng nghiệp đang có ý tưởng giúp “hóa giải” nỗi lo của Chanhome. Đó là sản xuất thuốc kháng nọc rắn từ thực vật.

Theo đó, vào năm 2019, Tiến sĩ ngành Khoa học dược phẩm Suthira Taychakhoonavudh đã khởi nghiệp với công ty Baiya Phytopharm – công ty chuyên điều chế kháng thể và vắc-xin phòng ngừa, điều trị bệnh.

Tại đây, đội ngũ điều hành công ty kỳ vọng, có thể đơn giản hóa lẫn giảm thiểu chi phí sản xuất thuốc kháng nọc rắn bằng cách sử dụng cây thuốc lá đóng vai trò là “nền tảng trung gian”. Từ khi ý tưởng này được công bố, “nhà máy” sản xuất kháng thể nọc rắn từ thực vật của Baiya Phytopharm ở tầng 11 Đại học Chulalongkorn đã trở thành địa điểm thu hút khách tham quan.

Ở phòng thí nghiệm, không khó để thấy những chậu ươm nhỏ chứa chồi cây thuốc lá được sắp đặt ngăn nắp trên kệ. Chúng được tiêm vào một loại vi khuẩn biến đổi gen nhằm kích thích tạo kháng thể đơn dòng (kháng thể nhân tạo có chức năng mô phỏng hoạt động hệ miễn dịch), vốn sau đó được “thu hoạch” như một dạng thuốc kháng nọc rắn.

Việc giải mã gen vi khuẩn sử dụng cho quá trình bào chế giúp các nhà khoa học xác định kháng thể được sản sinh sẽ chống lại loại nọc độc cụ thể nào.    

Tiến sĩ Taychakhoonavudh nhấn mạnh, nhu cầu về thuốc điều trị kháng nọc rắn tại khu vực Đông Nam Á là rất cao. Tuy nhiên tình trạng khan hiếm nguồn huyết thanh đã khiến nhiều nạn nhân bị rắn cắn không được điều trị. Điển hình ở Lào, chỉ khoảng 4% nạn nhân bị rắn độc cắn có thể tiếp cận thuốc kháng nọc kịp thời, con số này ở Indonesia là 10% và Philippines là 26%.

Mặc dù công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm nhưng hai nhà khoa học vẫn luôn miệt mài hăng say để tìm ra những phương thuốc hiệu quả với chi phí rẻ nhất. Họ đã truyền đi thông điệp: “Dù có khó khăn, nguy hiểm, nhưng với tình yêu thương con người, họ sẽ không dừng lại cho tới khi không còn nạn nhân không được điều trị rắn cắn”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.