Bớt khắt khe và mở lòng hơn thì gia đình êm ấm

Chia sẻ

Chỉ vì những chuyện vụn vặt trong bữa cơm hàng ngày mà mối quan hệ giữa bà Quế và con dâu lại trở nên căng thẳng, lạnh nhạt.

Đang lúi húi trong bếp nấu cơm, bà Quế nghe thấy tiếng mấy đứa cháu nhỏ véo von gọi nơi đầu ngõ. Ngừng tay làm mớ rau, bà chạy ra đón đàn cháu về thăm ông bà sau gần một năm trời xa cách vì đại dịch. Nhìn bọn nhỏ tíu tít chạy nhảy quanh sân vui đùa, bà Quế mừng lắm. Bởi từ ngày bà và cô con dâu cả xích mích với nhau thì bà cũng ngại lên thành phố chơi với con cháu mà mấy đứa vì bận học nên cũng hiếm khi về quê thăm ông bà.

Cũng tầm này năm ngoái, thời điểm dịch bùng phát, bọn nhỏ phải học trực tuyến. Vợ chồng cậu con trai cả bận rộn cả ngày, thậm chí cuối tuần cũng phải làm thêm, nên đã nhờ bà Quế lên để trông cháu. Bà Quế thu xếp việc vườn tược, nhà cửa để cho ông quán xuyến rồi lên thành phố. Mọi xích mích, hiểu nhầm cũng xuất phát từ những ngày tháng này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước đây khi sống xa nhau, thỉnh thoảng vợ chồng con trai mới về thăm nên mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu rất êm đẹp. Hoa - con dâu bà là đứa nhanh nhẹn, tháo vát, tính tình thẳng thắn. Gần 10 năm về làm dâu, Hoa chưa bao giờ khiến bà Quế phiền lòng. Dù không ở gần nhưng mọi việc lớn nhỏ trong gia đình cô đều lo lắng chu toàn.

Nhưng, chỉ trong mấy tháng bà lên ở nhà con trai, mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bà Quế vốn quen với cách sống, sinh hoạt, ăn uống ở quê nên dường như làm cái gì cũng không “vừa mắt” con dâu. Phải đến gần nửa tháng ghi nhớ, thực hành bà mới biết cách sử dụng những thiết bị điện hiện đại trong nhà như: máy giặt, bếp từ, nồi chiên rồi tivi thông minh… Đến khi bà nấu được cơm thì lại chẳng được bữa nào “cơm lành canh ngọt” vì bà quen “chém to kho mặn”, không khéo nấu nướng khiến con dâu thường nhăn nhó khi ngồi vào mâm cơm.

Có bữa vừa gắp miếng thịt bò kho để thử, Hoa vội vàng chạy vào nhà vệ sinh bởi bà cho nhầm muối thành đường. Lúc nấu bà Quế cũng không để ý và cũng không nếm lại nên chẳng rõ mặn ngọt ra sao. Còn món canh cá chua thì vị mặn lại át cả vị chua khiến Hoa không thể nuốt trôi. Bình thường những lần về quê cô đều nhanh nhảu vào bếp nấu ăn vì biết “tay nghề” của mẹ chồng qua lời kể của chồng. Thế nhưng, Hoa không thể nghĩ được lại “khó ăn” đến mức thế. Nhiều hôm nhìn một bàn thức ăn nhưng Hoa vẫn phải đặt đồ ăn nấu sẵn ở bên ngoài về.

Sau một tuần bà Quế vào bếp, Hoa thẳng thắn: “Thôi từ mai con nhờ mẹ cắm giúp nồi cơm và làm rau để đấy thôi. Còn thức ăn để con về chế biến chứ mẹ nấu thế này không hợp vị với nhà con”. Bà Quế đành gật đầu đồng ý bởi có nấu ra thì chỉ có con trai bà cố ngồi ăn, còn con dâu thì ngúng nguẩy bỏ cơm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày hôm đó Hoa bận họp ở công ty đến tối muộn, điện thoại lại hết pin nên không gọi được về nhà. Bà Quế ở nhà sốt ruột nên mang đồ ra nấu. Tôm sú to Hoa mua về để hấp, bà Quế lục tủ thấy không có gì ngoài tôm nên mang ra bóc sạch vỏ và rang. Thế nhưng lại vì cho quá tay nên thành ra mặn đắng.

Đến cuối bữa, đĩa tôm rang gần như vẫn còn nguyên, bà Quế chưa kịp cất vào tủ lạnh để mai ăn dần thì đã thấy con dâu đổ vào thùng rác. Hoa làu bàu với chồng đứng bên cạnh: “Tôm sú mua một đống tiền mà bà nấu nướng chẳng ra làm sao. Phí tiền, phí của. Chả nhẽ thuê giúp việc rồi để bà về quê”. Bà Quế nghe vậy buồn lắm nhưng rồi cũng cố nhẫn nhịn cho yên cửa, yên nhà.

Cứ cuối tuần Hoa lại đi chợ chuẩn bị thực phẩm cho cả tuần. Ngày hôm đó bà Quế đi chợ cùng con dâu. Chỉ đi cùng thôi mà bà cũng chóng hết cả mặt vì con dâu mua về đủ thứ từ rau củ, hoa quả, thịt cá, hải sản… Bà vừa đi bên cạnh vừa thở dài trong bụng: “Mua gì mà lắm thế, ăn tiêu thế này bảo sao mãi không đổi được cái nhà to hơn mà ở cho đàng hoàng”.

Bà Quế chẳng rõ con dâu thu nhập bao nhiêu mỗi tháng nhưng lại cứ mặc định con dâu chi tiêu hết tiền của con trai mình. Bà sinh ra khó chịu với cái tính suốt ngày mua sắm, làm đẹp, thậm chí tuần nào cũng mua bao nhiêu là thức ăn, hoa quả sang cho đứa cháu con của chị gái đang là sinh viên ở gần đấy của con dâu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy con trai đi làm sớm hôm, lại thường xuyên bị vợ “bắt nạt” vì mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do Hoa quyết định, bà Quế ngày càng “soi” con dâu nhiều hơn. Hôm đó, nhân lúc Hoa vắng nhà, bà Quế gọi con trai vào phòng to nhỏ: “Con xem thế nào chứ suốt ngày để vợ nó lấn lướt thế. Đàn ông phải ăn to nói lớn, quyết việc gì vợ phải nghe theo việc nấy. Đằng này cứ để cho vợ thích làm gì thì làm, rồi nó hỗn hào với cả mẹ anh đấy. Thế mẹ hỏi thật lương anh bây giờ được bao nhiêu, mỗi tháng bớt lại vài triệu mẹ giữ cho. Chứ cứ đưa hết cho vợ, nó lại giấu cho hết bên nhà nó đấy”.

Bà Quế vừa dứt lời, thì nghe thấy tiếng cửa đóng sầm. Bà chạy ra ngoài thì nhìn thấy con dâu trong phòng bếp. Bà lúng túng hỏi: “Hoa à con, về lúc nào đấy?”. Mặt Hoa lạnh tanh, đáp lại: “Dạ con về lúc đủ nghe hết lời mẹ dặn dò chồng con ạ”.

Bà Quế ngại với con dâu nhưng chẳng biết mở lời thế nào, mà nói lời xin lỗi thì mất mặt quá. Tối đó bà kêu mệt nên không ăn cơm và bảo con dâu sắp xếp việc trông cháu để bà về quê. Vì ở lại, mẹ con không nói chuyện với nhau khiến không khí khó ở.

Thế là từ bữa đó, mối quan hệ của bà Quế và con dâu Hoa ngày càng lạnh nhạt, xa cách. Con trai bà nhiều lần muốn hòa giải mẹ với vợ mà ai cũng ngại chẳng muốn mở lời trước. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch, ít được đi lại, nên gia đình con trai không cho cháu về quê chơi.

Đến gần một năm trời, bà Quế mới có thể mở lòng, nói với Hoa về chuyện gây hiểu nhầm trước đây. Thời gian dần qua, con dâu bà cũng không còn để ý nữa nên hai mẹ con mới vui vẻ trở lại. Nghe bọn nhỏ gọi điện về khoe: “Bố mẹ sắp cho chúng cháu về chơi với ông bà” mà bà Quế vui mừng khôn xiết. Bà tự nhủ với lòng mình: “Bớt khắt khe và mở lòng hơn với con dâu để cuộc sống gia đình êm ấm”.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.