Bức ảnh dưới ánh mặt trời

Trần Thị thu Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nắm bùn nhão ập vào chiếc áo trắng khiến Phong chuyển nụ cười sang cái bặm môi cau có. Phong tức giận lia ánh mắt kiếm tìm thủ phạm. Từ dưới ruộng một người nhỏ bé trùm kín mặt như ninja lao về phía anh.

Phong nhận ra là một cô gái có đôi mắt to đen nhánh dưới vành nón lá khi người ấy lại gần. Cô cởi nón và khăn ra khiến Phong bối rối trước khuôn mặt tròn trịa phúng phính pha chút giận dữ. Cô hỏi Phong "làm gì thế hả?" bằng cái giọng địa phương đầy cục cằn.

Nét mặt Phong chuyển từ bối rối sang bực tức khi đoán đứa con gái trước mặt ít tuổi hơn mình. Phong giơ chiếc máy ảnh, cô gái bớt đi phần nào giận dữ bằng nụ cười ngượng ngùng. "Tưởng ăn trộm thì ra chụp ảnh hả? Ruộng nhà tôi có gì hay đâu mà anh chụp!".

Phong im lặng vì không muốn đôi co với một đứa trẻ con.

Những lần Phong chụp cảnh vật ruộng lúa, hàng cây, nương đồi, mấy cô bác nông dân thường vây quanh hỏi han trò chuyện với anh. Lần này, nghe thấy những ngôn từ đầy sự hoài nghi, Phong có cảm giác như mình đang đối diện với một đứa trẻ con ngang ngạnh. Phong hỏi như mắng:

- Thế mà bé lại ném bùn vào anh?!

Cô gái dẩu môi:

- Lén nút như ăn trộm còn cãi. Anh xóa đi được không?

Phong đành miễn cưỡng bấm nút delete trên máy vì không muốn đôi co với một đứa trẻ con thiếu văn hóa. Cô gái nhìn Phong bấm nút xóa tấm ảnh, nét mặt trở lại vẻ dịu hiền rồi ngoảnh mặt bước đi.

Phong nhìn theo bóng dáng nhỏ bé dưới chiếc nón nổi bật dưới ánh mặt trời và màu xanh bình  yên nơi làng quê. Phong không kiềm chế được bản năng nghệ thuật, giơ chiếc máy ảnh lên bấm liên tục.

Bức ảnh dưới ánh mặt trời - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

****

- Sao anh lại đứng trước cửa nhà tôi?

Cô gái Phong gặp bên ruộng vồn vập hỏi khiến anh bất ngờ. Anh nghĩ, "đúng là oan gia ngõ hẹp". Anh nói với cô, anh đã đọc những bài báo viết về nghề tương bần truyền thống của làng này và anh muốn được sống ở đây trong khóa học trải nghiệm và được nhà trường sắp xếp ở ngôi nhà này.

Tiếng đôi dép cao su gõ sàn sạt vào những củ lạc phơi trong thềm sân cắt ngang câu chuyện giữa hai người. Người đàn ông lại gần cốc nhẹ lên đầu cô gái.

- Bố đã dạy con phải lễ phép với người lớn tuổi mà.

Rồi người đàn ông bắt tay với Phong:

- Chào cậu, tôi là Thạch chủ nhà. Mong cậu thông cảm, em nó còn nhỏ dại.

- Vâng! Mấy ngày này cháu nhờ bác giúp đỡ ạ!

 Người đàn ông tên Thạch nhìn theo đứa con gái bướng bỉnh đang đi về phía sân giếng lắc đầu bảo:

- Nó là Mận, con gái tôi.

Bác Thạch rót trà rồi mời Phong món kẹo lạc. Phong nhấm nháp mảnh kẹo lạc ngọt bùi ngầy ngậy rồi không ngớt khen ngon. Bác Thạch cười tươi bảo, làm tương bần thì tôi không có tầm cỡ gì nhưng kẹo lạc tôi nấu ngon nhất làng này đấy. Nụ cười của bác làm Phong nhớ đến tiếng cười hào sảng của ông ngoại.

Ngày trước, mỗi lần nghỉ hè mẹ thường nhờ người đưa Phong về ngoại, đó là một vùng quê bên sông Phó Đáy. Những buổi sớm, Phong theo ông ngoại xuống vườn lạc trên bãi bồi ven sông. Phong có cảm giác muộn phiền nơi phố thị như tan biến khi đứng trước chênh chao sóng gió. Ông ngoại kể, tuổi thơ của mẹ gắn bó với bến bồi bên dòng sông này. Nhưng đất quê không giữ nổi đôi chân của đứa con gái mang chí lớn như mẹ. Trong đám bạn học cùng làng, chỉ mỗi mẹ đỗ đại học. Vậy nhưng cô sinh viên tỉnh lẻ chẳng thể lường hết những cạm bẫy nơi thị thành.

Năm thứ hai đại học mẹ mang bầu với chàng trai Thủ đô nhưng giấu nhẹm gia đình dưới quê. Nếu ngày đó ông ngoại không đến kịp trước khi mẹ vào phòng phẫu thuật thì Phong đã không chào đời. Mẹ nghỉ học rồi làm công nhân trong nhà máy sản xuất bánh kẹo. Suốt ngày mẹ tiếp xúc với ngọt ngào nhưng cuộc đời lại cay đắng. Nhiều lần Phong hỏi mẹ về bố nhưng mẹ chỉ bảo Phong: "Đừng nhắc đến người đàn ông bội bạc". Ông ngoại là người đàn ông Phong gắn bó nhiều nhất trong tuổi thơ. Ông ngoại vẫn thường nấu kẹo lạc cho Phong nhưng không ngon bằng món kẹo của bác Thạch.

***

- Đúng là công tử ở phố, kéo mỗi bao tải lạc ra sân phơi mà cảm thấy nặng nhọc.

Mận mỉa mai Phong bằng giọng nói lì lợm như ở bờ ruộng. Phong cảm thấy mặt nóng bừng nhưng lần này Phong nhường nhịn không cãi cọ. Phong biết những kẻ thiếu tình thương thường tỏ ra mình cứng rắn. Tối qua, khi Mận ra giếng rửa bát, bác Thạch đã kể cho Phong nghe về hoàn cảnh gia đình bác. Vợ bác mất khi vừa sinh Mận. Mận thường tỏ ra mình cứng rắn để khỏa lấp khoảng trống nhưng đêm nào cũng khóc ướt chiếc gối vì nhớ thương mẹ. Đêm qua nghĩ đến hoàn cảnh thiếu vắng tình mẫu tử của Mận. Phong thầm so sánh rồi lại mơ thấy giấc mơ về ba ngọn nến. Ngọn nến vàng đã tắt lịm, chỉ còn nến xanh và nến hồng leo lắt cháy chẳng đủ thắp sáng căn phòng trọ chật hẹp của hai mẹ con Phong.

Sáng nay, ra sân giếng rửa mặt thấy Mận đang nhóm lửa trong bếp nấu cơm, Phong cảm thấy có chút áy náy khi đã đánh giá Mận là đứa trẻ con bướng bỉnh.

Trước đây, Phong cũng trải qua quãng thời gian bướng bỉnh giống như Mận khi những người đàn ông thường đến phòng trọ của mẹ con Phong vào buổi tối. Phong lạnh lùng quăng những món quà xuống đất bằng vẻ mặt lạnh như băng để dập tắt nụ cười pha chút giả tạo của những gã đàn ông. Hồi ấy, Phong nghĩ rằng một ngày bố sẽ trở về để Phong thắp sáng ba cây nến trong ngăn bàn học. Ba cây nến Phong cất đi từ lần đón sinh nhật mười tuổi. Bây giờ Phong hai mươi tuổi mà vẫn chưa được gặp bố.

Phong đứng trên bậc thềm lau mồ hôi, chợt sững người khi nhìn tia nắng sớm soi lên đôi má ửng hồng của Mận, trông Mận thật dịu hiền.

Phong ngồi xuống sân cùng Mận nhặt những hạt lạc lép ra khỏi đống lạc vừa phơi. Cả hai cùng im lặng trong tia nắng sớm.

Bức ảnh dưới ánh mặt trời - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

***

Một tối, tiếng la hét, gào khóc bên ngoài làm Phong bật dậy khỏi chiếc phản. Phong mở cửa chạy ra ngoài thì thấy mấy gã thanh niên đang ép Mận vào phía bờ tường. Mận ôm đầu ngồi bệt xuống đất cố gắng che đi khoảng da thịt phía sau chiếc cúc áo bị đứt. Một cú đạp của Phong khiến gã thanh niên bị hất văng khi đang cố lột chiếc áo của Mận. Hai gã còn lại nhặt những cành củi khô vụt tới tấp vào người Phong. Phong nén đau đớn chạy đến che chở cho Mận. Tiếng quát của bác Thạch khiến mấy gã thanh niên sợ hãi chạy biến vào màn đêm.

Sáng nay, nhìn vào chiếc máy ảnh nằm im lìm trên bàn, Phong cảm thấy tiếc nuối cho những bức ảnh chụp phong cảnh bình minh trên miền quê. Cánh tay bó bột cứng ngắc khiến Phong chẳng thể giơ cao máy để lấy khung hình đẹp nhất. Mấy hôm nay sinh hoạt của Phong phụ thuộc vào bác Thạch và Mận. Mận đã không còn gây sự với Phong bằng sự bướng bỉnh khi biết Phong cũng thiếu vắng cha như Mận thiếu tình thương của mẹ. Trong căn nhà này, Phong cũng dần cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình trong bữa cơm Mận nấu và món kẹo lạc của bác Thạch.

Một hôm, Bác Thạch hỏi “mẹ cháu đấy à, nhìn quen lắm”, khi Phong đang lướt điện thoại xem lại những bức hình chụp từ thời ấu thơ cùng mẹ. Hình như người này giống với người quen của một người bạn của bác hồi học trường Nông Nghiệp. Tiếc rằng cậu ấy đã mất trong đợt đi thực tế khi cứu người khỏi cơn lũ ở một vùng quê miền núi.

Hồi đó, điều kiện đi lại khó khăn nên mấy năm sau gia đình cậu ấy mới đưa được cậu ấy về nhà. Hồi ấy,  các bác chỉ nghĩ mẹ cháu là một người bạn bình thường nên chẳng ai báo tin. Câu nói của bác Thạch như manh mối thắp lên ngọn nến trong lòng Phong. Có thể ngày ấy mẹ đã vội vàng nghĩ bố là người đàn ông bội bạc khi đột ngột mất liên lạc với bố. Ngày mai Phong sẽ trở về Hà Nội tìm câu trả lời từ những thông tin ít ỏi mà bác Thạch cung cấp. Phong sẽ thắp lên ba ngọn nến hy vọng trong trái tim mình và mẹ.

*

Sớm nay, Phong đưa vội cho Mận bức ảnh rồi bước lên xe. Bức ảnh chụp Mận đang bước trên đồng ruộng về phía mặt trời. Mặt sau tấm ảnh Phong nắn nót ghi dòng chữ: “Gửi tặng cô gái bướng bỉnh. Đừng buồn vì quá khứ, phía trước em còn có mặt trời thắp sáng cả tương lai!”.

Mận nhìn theo chiếc xe đang trôi về phía mặt trời, trái tim thầm hy vọng người con trai ấy sẽ trở lại

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Khẩn trương “vào việc” ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới

(PNTĐ) - Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2025, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội bám sát thực hiện chủ đề năm của Hội LHPN Hà Nội “Phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ.
Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

Định vị thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Việc đổi mới liên tục trong xây dựng sản phẩm, cách thức trưng bày, quảng bá di tích hay tổ chức các tuyến du lịch đưa vào khai thác đã thể hiện quyết tâm của Thành phố, của Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị, địa phương ở Thủ đô trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Thủ đô. Từ đó, đưa thương hiệu du lịch Thủ đô ngày càng vươn xa.
Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

Những “nữ tướng” dám làm việc khó được dân tin yêu

(PNTĐ) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Học tập, làm theo Bác để xây dựng Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên thật sự là “người đày tớ trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, có những “nữ tướng” là cán bộ chủ chốt, là lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã mạnh dạn làm việc khó vì lợi ích của dân và được nhân dân tin yêu.
Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

Người phụ nữ góp phần “thắp sáng” tương lai AI Việt

(PNTĐ) - Nguyễn Nhật Minh - cái tên đang dần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Với bề dày thành tích học thuật đáng nể và kinh nghiệm quốc tế phong phú, cô không chỉ là một chuyên gia trẻ đầy triển vọng mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.